Minh Thúy
(VNTB) – Ngợi ca về Tư tưởng Hồ Chí Minh, người ta hay rao giảng về nhiều huấn thị được cho là hết sức dân chủ của ông Hồ Chí Minh. Ít ai để ý rằng lúc đó là “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, không phải là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Hãy đọc lại đoạn sau đây được cho là ‘văn nói’ của chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chính phủ tại đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước ngày 30-12-1966: “Tôi có một ý kiến bây giờ mới nói ra. Đây là đại hội anh hùng, có những anh hùng, chiến sĩ, có những đơn vị anh hùng, những tập thể anh hùng rất xứng đáng. Song có một tập thể cũng rất xứng đáng anh hùng mà Ban thi đua không đề nghị. Tập thể ấy là Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chính phủ ta là một chính phủ lâu bền, vững vàng. Trên thế giới không có chính phủ nào mà đã hơn 20 năm lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi như Chính phủ ta. Chính phủ ta lại có một cái đặc biệt mà trong thế giới không ai có là lương chính phủ, từ Cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng lại ít nhất so với các chính phủ trên thế giới.
Các đại biểu thấy Chính phủ ta có anh hùng không? Các cô, các chú, các cháu có hoa đỏ rồi thì ngày mai, ngày kia sẽ được tặng danh hiệu anh hùng nhưng mà Chính phủ thì không được tặng danh hiệu anh hùng. Bác nói là Ban thi đua thiếu sót chứ Bác không kiện.
Bởi vì Chính phủ ta là một chính phủ làm đầy tớ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Nếu ai ở trong Chính phủ mà muốn làm quan thì không ở được trong Chính phủ ta. Bác nói như thế là chẳng những trong Chính phủ trung ương mà cả chính phủ địa phương cho đến các ủy ban hành chính xã, nếu ai muốn làm quan thì mời đi làm quan chứ không được ở trong chính quyền của ta”. (Trích băng ghi âm lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Văn bản dẫn theo Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (1966-1969), trang 190, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000).
Những lời như ghi ở trên là chủ tịch Hồ Chí Minh nói miệng chứ không phải đọc bằng giấy.
Cũng ở dạng ‘văn nói’, những mẫu câu sau đây được phát ngôn trong các bối cảnh theo ghi nhận như sau qua bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập: Trong một lần nói chuyện tại Trường Công an trung cấp khóa 2, Bác nói: “Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần nữa”.
Thậm chí, trong một lần nói chuyện với đại biểu nhân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, Bác Hồ còn quả quyết rằng “Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”.
Chính phủ trong các lời phát ngôn kể ở trên, là chính phủ của một Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc đó, trong chính phủ của ông Hồ Chí Minh có Đảng Dân chủ Việt Nam với người đứng đầu là ông Dương Đức Hiền, Tổng Thư ký đầu tiên của Đảng, Bộ trưởng Bộ Thanh niên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Ủy ban Thường trực Quốc hội khóa I và khóa II.
Ngày 13 tháng 10 năm 1988, Hội đồng Nhà nước đã tặng Huân chương Sao Vàng – là Huân chương cao quý nhất của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho Đảng Dân chủ Việt Nam đề ghi nhận những cống hiến của Đảng Dân chủ Việt Nam trong sự nghiệp Cách mạng chung của dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau khi được tặng Huân chương Sao Vàng, Đảng Dân chủ Việt Nam tuyên bố giải thể trong năm 1988.
Trong chính phủ của ông Hồ Chí Minh còn có Đảng Xã hội Việt Nam được thành lập ngày 22 tháng 7 năm 1946, tên ban đầu Việt Nam xã hội đảng, dưới vận động của Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm mục đích “tập hợp, đoàn kết mọi trí thức yêu nước và dân chủ”.
Lãnh đạo ban đầu là Phan Tư Nghĩa, Nguyễn Xiển, bảo trợ chính trị là Võ Nguyên Giáp. Đảng có 24 ghế trong Quốc hội khóa I Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tập hợp trong khối cánh tả. Một số thành viên như Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Phúc Thông, tham gia chính phủ Việt Nam.
Cùng với Đảng Cộng sản (Việt Minh) và Đảng Dân chủ (và trong một thời gian ngắn các đảng khác), Đảng Xã hội đã liên minh tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ khóa II Quốc hội, các ứng cử viên tham gia ứng cử trong khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Khi trào lưu đa nguyên đa đảng bắt đầu nảy nở ở một số nước cộng sản Đông Âu, với lý do đã kết thúc sứ mạng lịch sử, Đại hội đại biểu Đảng Xã hội họp từ ngày 21 đến ngày 22 tháng 7 năm 1988 đã ra tuyên bố giải thể Đảng.
Như vậy với một chút gợi lại lịch sử về đảng phái chính trị ở thời điểm mà ngày nay vẫn hay nhắc tới huấn thị cho rằng đầy dân chủ, “Dân có quyền đuổi những công bộc hư hỏng”, cho thấy hành động đó chỉ khả thi khi có sự cạnh tranh giữa những đảng phái chính trị.
Còn một khi đã ‘một mình, một chợ’, thì nói như than vãn của ông Nguyễn Sinh Hùng lúc là phó thủ tướng mà báo chí đã đăng, thì, “Hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, ‘cách chức đi, kỷ luật đi’, ngày mai thấy sai chỗ kia, ‘cách chức đi, kỷ luật đi’, lấy ai mà làm việc các đồng chí? (Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12-06-2010)
Thử hỏi trong số chúng ta ngồi đây, bản thân tôi nhiều khi cũng tự hỏi mình làm trăm việc, làm mười việc thế nào cũng sai một hai việc cũng nên, có khi sai lớn, có khi sai nhỏ, nhưng mà các đồng chí cứ dẹp đi thì bầu không kịp? (Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12-06-2010)” (*)
Xem ra ngợi ca Tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải được hiểu đó là những phát ngôn ở thế chế chính trị có vẻ ngoài hình thức là đa đảng phái chính trị.
+ Chú thích:
https://tuoitre.vn/pho-thu-tuong-nguyen-sinh-hung-phai-lam-duong-sat-cao-toc-383865.htm