Paulus Lê Sơn (VNTB) Giáo sư Phạm Minh Hoàng bị nhà cầm quyền Hà Nội tước Quốc tịch Việt Nam không còn là chuyện cá nhân của một công dân Việt Nam với tổ quốc mà đó là chuyện của cả dân tộc Việt Nam. Quyền căn bản của con người là quyền có Quốc tịch đã được hiến định trong công pháp Quốc tế và hệ thống luật pháp Việt Nam, tuy nhiên vẫn bị xâm phạm nghiễm nhiên.
Nhà nước từ đâu ?
Mô hình sơ đồ nguồn cuội của một nhà nước bắt đầu từ những cá thể nhất định, trong đó có những gia đình, bộ tộc. Từ đây theo sự phát triển cần thiết cho một xã hội có tính liên đới hình thành nên các xã hội dân sự, các quần thể người. Và chính họ tạo nên một nhà nước dựa trên các nguyên tắc phổ quát bổ trợ là liên đới.
Nói một cách khác Nhà nước chính là con đẻ của các tổ chức xã hội dân sự. Như vậy, Nhà nước do từng cá thể con người đó lập ra trên lá phiếu cử tri tự do, thể tất nhà cầm quyền buộc phải phục vụ người trao quyền cho mình. Cớ sao nhà nước này lại bất tuân luân lý mà phản nghịch ông chủ của mình ?
Quyền Quốc tịch và sự liên đới
Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ghi rõ tại Điều 17 khoản 2: Công dân Việt Nam không thể bị tước quốc tịch, giao nộp cho nước khác. Trên hai nguyên tắc huyết thống và lãnh thổ thì Giáo sư Hoàng hội tụ đầy đủ. Nguồn gốc bao đời nay gia đình ông Hoàng hiện hữu và sinh sôi nảy nở trên mặt đất hình chữ S này.
Nguyên tắc thứ 3 về thỏa thuận quốc tế, Giáo sư Phạm Minh Hoàng đã công khai tự nguyện xin thôi Quốc tịch Pháp. Do đó, việc Hà Nội tước Quốc tịch Việt Nam sẽ đẩy ông Hoàng vào tình trạng không Quốc tịch, điều này trái với Công ước Liên hợp quốc về hạn chế tình trạng không quốc tịch, các nước cam kết “hành động theo Nghị quyết 896 (IX) do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 04/12/1954; xem xét một cách thiện chí để giảm tình trạng không quốc tịch bằng một điều ước quốc tế.
Nhà nước không có quyền tiêu trừ quyền được sống trên quốc gia của công dân. Đây không chỉ là vấn đề tình cảm và tâm lý mà còn là mối liên hệ giữa cá nhân đó với nhà nước. Mối liên hệ này xác định địa vị pháp lý của họ.
Trên nền tảng Tuyên ngôn nhân quyền 1948 đã khẳng định “Tất cả mọi người đều có quyền có quốc tịch. Không ai được tùy tiện tước bỏ quốc tịch hoặc từ chối quyền thay đổi quốc tịch của người khác” (Điều 15 Tuyên ngôn nhân quyền 1948). Có thể nói, quyền có quốc tịch là kim chỉ nam xuyên suốt và là cơ sở đầu tiên cho việc thực thi các quyền công dân khác.
Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng nguyên tắc Quốc tịch cho mọi người là một nguyên tắc phổ quát.
Hệ lụy dân tộc sẽ đi về đâu ?
Việc Hà Nội tùy tiện tước bỏ quốc tịch đối với Giáo sư Phạm Minh Hoàng đã đi ngược lại hoàn toàn với công ước Quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam. Sự lạm quyền vi hiến của Hà Nội là một tiền đề cho những công dân khác. Nó gây ra một hệ lụy khôn lường về tính nhân văn, pháp lý và tính tổ chức của cả một dân tộc.
Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của chế độ trong mọi sinh hoạt cuộc sống, trong đó tước quyền Quốc tịch là một sự vi phạm quyền con người một cách hết sức phi nhân tính. Đồng thời nó phá vỡ cấu trúc xã hội, ly tán gia đình, người dân bất an, dân tộc lung lay. Dân tộc suy vong vì nhân tố con người đang bị chôn vùi, tước đoạt. Tước đoạt quyền công dân là xóa bỏ vai trò con người giữ đất giữ nước, là vứt bỏ nhân tố tạo nên một dân tộc có chủ quyền pháp lý về không gian và tính lịch sử.
Từng cá nhân, từng gia đình bị nhà cầm quyền đẩy vào cảnh sống trong bất an, ly tán, như thế khát vọng giữ đất nước , chiến đấu cho tổ quốc trường tồn liệu cũng sẽ bị vùi lấp. Đất nước không trường tồn, gia đình không bình an thì sẽ đi về đâu?