Thiền Lâm
(VNTB) – Trước Hội nghị trung ương 5, Tổng bí thư Trọng đã ký quyết định lập 8 đoàn kiểm tra tại 20 ban thường vụ các tỉnh thành. Có khả năng phần lớn trong số 20 tỉnh thành này sẽ chịu số phận “nhất thể hóa”, và những nhân vật lãnh đạo bị soi xét hặc bị kỷ uật sẽ không còn hy vọng để trở thành người đứng đầu duy nhất của địa phương.
Lại vừa có thêm một dấu hiệu nữa cho thấy quyết tâm khó lay dời của đảng trong chiến dịch “nhất thể hóa”.
Dấu hiệu mới nhất ứng vào cơ quan Thanh tra chính phủ.
Ngày 24/5, ông Nguyễn Quang Dương, ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan TƯ đã trao quyết định của Đảng ủy Khối chỉ định ông Phan Văn Sáu, ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng TTCP, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Đảng ủy TTCP, nhiệm kỳ 2015- 2020.
Ông Nguyễn Quang Dương trao quyết định cho ông Phan Văn Sáu. Ảnh TTCP
Cử chỉ trên được xem là “Việc kiện toàn chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng TTCP thể hiện sự nhất thể hóa trong công tác cán bộ của TTCP nhằm bảo đảm thống nhất sự lãnh đạo của Đảng và triển khai nhiệm vụ chính trị của đơn vị được thuận lợi và có quyết sách kịp thời”.
Trước đó vài ngày, một dấu hiệu về hiện tượng “đảng choàng vai chính phủ” đã hiện ra khi báo nhà nước đưa tin “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ xem xét Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet”. Thông thường, những đề án như SkyViet thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thậm chí thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải chứ hoàn toàn không liên quan gì đến “tính đảng”.
Thực ra, sự việc “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ xem xét Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet” chỉ là bề nổi. Trong thực tế “lãnh đạo toàn diện”, đã từ lâu đảng vẫn mang thói quen không chỉ “phúc tra” mà còn “sơ duyệt” những đề án lớn của các bộ ngành và chính phủ. Trường hợp đề án của SkyViet chẳng qua là một bước thử nghiệm truyền thông công khai để từng bước khẳng định tính “chính danh” của đảng mà thôi.
Truyền thông lại đang thuộc về “phe đảng” của Bộ trưởng thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn. Từ đây đến Hội ngị trung ương 6 dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2017, làn sóng tuyên truyền về “nhất thể hóa’ có thể sẽ rộng khắp và chuyên sâu. Theo đó, một số tỉnh thành sẽ được thí điểm về “nhất thể hóa” hai chức danh bí thư và chủ tịch tỉnh.
Nếu Thanh tra chính phủ được xem là một cơ quan trọng yếu của Chính phủ, việc nhất thể hóa “đảng pháp” và “hành pháp” ở cơ quan này là tiền đề dẫn đến cơ chế nhất thể hóa tương tự ở hàng loạt bộ ngành khối chính phủ. Bộ ngành lại là tiền đề tất yếu để dẫn đến nhất thể hóa ở các tỉnh thành…
Trước Hội nghị trung ương 5, Tổng bí thư Trọng đã ký quyết định lập 8 đoàn kiểm tra tại 20 ban thường vụ các tỉnh thành. Có khả năng phần lớn trong số 20 tỉnh thành này sẽ chịu số phận “nhất thể hóa”, và những nhân vật lãnh đạo bị soi xét hặc bị kỷ uật sẽ không còn hy vọng để trở thành người đứng đầu duy nhất của địa phương.
Địa phương trước, trung ương sau. Nếu đà “nhất thể hóa” thuận lợi, lẽ đương nhiên bên đảng và do đó tổng bí thư sẽ “nắm” hết các chân rết địa phương. Sau đó có thể “đánh ngược” lên. Mô hình “đảng quản lý” thay cho “đảng lãnh đạo” sẽ ứng với hai chức danh chính là tổng bí thư và thủ tướng mà không quá cần thiết vai trò chủ tịch nước.