Vân Khanh
(VNTB) – Tài liệu của Tuyên giáo Trung ương xác nhận, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang diễn ra ngày một mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Theo cách hiểu của nội bộ đảng chính trị ở Việt Nam, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là sự tự thay đổi theo hướng tiêu cực trong tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tài liệu của Tuyên giáo Trung ương xác nhận, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang diễn ra ngày một mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; là một thách thức to lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Cơ quan Tuyên giáo Trung ương còn nhấn mạnh, “tự diển biến”, “tự chuyển hóa” là một loại kẻ thù giấu mặt, một thứ “giặc nội xâm” rất khó nhận diện và vô cùng nguy hiểm. Vì thế phòng chống“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang là nhiệm vụ cấp bách của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay.
Người viết bài này tuy thuộc nhóm “người Việt ở nước ngoài”, song căn cứ vào quyền Hiến định tại điều 18: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước” – xin được nêu vài trường hợp về “giặc nội xâm” giờ đang “ló mặt” công khai luôn chứ không còn “núp lùm” nữa.
Ở bài báo trên tờ Thanh Niên, “Bộ GD-ĐT nói gì về việc đình chỉ chức hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng?”, phát hành ngày 30-9-2020, đã tường thuật việc lãnh đạo Bộ GD-ĐT (Giáo dục và Đào tạo) trả lời câu hỏi của báo chí, về việc cơ quan chủ quản đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng có đúng luật hay không, như sau:
Tại cuộc họp, một số phóng viên đã nêu sự việc TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng, đã bị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đình chỉ chức vụ 90 ngày để kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm về mặt chính quyền.
Vấn đề các phóng viên đặt ra là việc này liệu có sai luật, khi cơ quan chủ quản đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của TS Lê Vinh Danh, trong khi luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (còn gọi là luật 34) quy định giao quyền này cho hội đồng trường.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết việc thực hiện tổ chức hoạt động của từng trường đại học cụ thể, ngoài luật 34 và luật Giáo dục đại học nói chung (luật 34 chỉ sửa đổi một số điều của luật Giáo dục đại học, vì thế các nội dung không sửa đổi của luật Giáo dục đại học ban hành từ năm 2012 vẫn còn hiệu lực), các trường còn bị chi phối bởi các luật khác.
Ngoài ra, cũng theo ông Phúc, trong Nghị định 99 hướng dẫn thực hiện luật 34, có quy định là phải tuân theo các quy định của Đảng (luật Giáo dục đại học ban hành năm 2012 và luật 34 ban hành năm 2017 cũng quy định các cơ sở giáo dục đại học công lập có các tổ chức đảng, đảng viên và tổ chức đảng phải hoạt động tuân thủ các quy định của Đảng).
“Như vậy, để giải quyết các vấn đề liên quan tới Trường đại học Tôn Đức Thắng hiện nay, các cơ quan hữu quan không chỉ căn cứ vào luật Giáo dục đại học và luật 34, mà còn phải vận dụng tất cả các quy định của pháp luật, các luật khác liên quan tới đơn vị sự nghiệp công lập, xử lý đảng viên và tổ chức đảng của trường theo các quy định của Đảng”, ông Phúc nói.
Có thể tóm lược cho dễ hiểu hơn về cách diễn đạt vòng vo nói trên của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc: nếu căn cứ luật Giáo dục đại học (còn gọi là luật 34) thì việc cơ quan chủ quản đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của TS Lê Vinh Danh là không phù hợp luật định. Tuy nhiên ở Việt Nam, nếu đã nhân danh tổ chức đảng để xử trí, thì các vấn đề về luật pháp, đều phải xếp sau đó.
Với lối trần tình thiệt thà của ông Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, cho thấy ở Việt Nam lâu nay có một điều luật hiến định đã bị vi phạm, nhưng vì không có Tòa án Hiến pháp nên đành… treo lơ lửng: Điều 4 3 “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Một câu chuyện khác về công khai đăng đàn cho thách thức “tự diễn biến – tự chuyển hóa” ở cấp thứ trưởng, có một nội dung đáng chú ý như sau:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 9 tháng đầu năm 2020 và định hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020, do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì.
Thông tin đưa ra tại buổi họp báo là hiện cả nước mới chỉ có 1 doanh nghiệp đủ điều kiện vay gói tín dụng 16.000 tỷ đồng. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, điều kiện giải ngân quá khắt khe khiến doanh nghiệp chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay này.
Lý giải việc đưa ra tiêu chí khắt khe khiến gói tín dụng 16.000 tỷ đồng không thể giải ngân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Lê Văn Thanh cho biết, “thời điểm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai gói tín dụng 16.000 tỷ đồng, Bộ phải cân nhắc đến khả năng chịu đựng của ngân sách, đề phòng sự trục lợi chính sách đồng thời cũng chưa biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc. Tuy nhiên, hiện điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đã tốt hơn, tác động của Covid 19 cũng rõ hơn nên sự điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết”.
Cụm từ “Bộ phải cân nhắc đến khả năng chịu đựng của ngân sách, đề phòng sự trục lợi chính sách đồng thời cũng chưa biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc” của Thứ trưởng Lê Văn Thanh góp phần giải thích cho trách cứ lâu nay hay nghe “lên tivi mà nhận!” mà dân chúng dè bỉu cho những chính sách của Đảng và Nhà nước.
Sở dĩ gọi là hành vi “tự chuyển hóa – tự diễn biến” theo cách hiểu của đảng chính trị ở Việt Nam, vì ở đây với tầm của một thứ trưởng thì không thể đủ quán xuyến trên diện rộng quốc gia mà tự tiện với phát ngôn như trên. Và điều đó ngoài ngờ vực về “tự chuyển hóa – tự diễn biến”, thì chỉ có thể giải thích đây là thói cửa quyền, quan liêu, phép vua thua lệ làng.