Anh Khoa dịch
(VNTB) – Nhân loại đã thất bại trong việc ngăn chặn Holocaust trong thế kỷ 20. Chúng ta không được chậm trễ trong việc ngăn chặn cuộc diệt chủng của ĐCSTQ ở Tân Cương vào thế kỷ 21.
KEITH KRACH VÀ ELLIE COHANIM
NGÀY 17/3/21
Vào tháng Giêng vừa qua, thế giới đánh dấu Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn Nhân Diệt Chủng (Holocaust). Vào ngày kỷ niệm hàng năm này, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi mọi quốc gia tôn vinh sáu triệu nạn nhân của chế độ diệt chủng Đức quốc xã bằng cách phát triển các chương trình ngăn chặn các vụ diệt chủng trong tương lai. Trong một buổi lễ của LHQ, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã cùng những người sống sót sau thảm họa Holocaust nêu lên trách nhiệm cấp bách phải ghi nhớ các vụ diệt chủng trong quá khứ bằng cách bảo vệ sự thật — nhất là vào thời gian này. Trong 76 năm qua, chúng ta đã cam kết “không bao giờ để nạn diệt chủng xảy ra một lần nữa” trong thời đại của chúng ta.
Nhưng nó đang xảy ra — ngay bây giờ.
Vào tháng 1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành tội ác diệt chủng “trong một nỗ lực có hệ thống nhằm tiêu diệt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uyghur, DNN) và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. “Các hành động tàn bạo bao gồm: “bỏ tù hơn một triệu thường dân vào các trại giam, trại tạm giữ, quản thúc tại gia và lao động nô lệ; tra tấn; cưỡng chế các biện pháp kiểm soát dân số, bao gồm cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức phá thai, cưỡng bức kiểm soát sinh sản; bắt trẻ em phải sống xa gia đình; ép buộc phụ nữ DNN kết hôn với những người không phải là người Uyghur, và những hạn chế hà khắc đối với quyền tự do thờ phượng, hội họp, ngôn luận và đi lại. “Bộ Ngoại giao đã kết luận với một so sánh đầy ám ảnh: “Tòa án Nuremberg sau Thế chiến II đã truy tố thủ phạm tội ác chống lại loài người, những tội ác tương tự đã được thực hiện ở Tân Cương.”
Mệnh lệnh đạo đức yêu cầu hai đảng chấm dứt nạn diệt chủng ở Tân Cương
Mệnh lệnh đạo đức chấm dứt nạn diệt chủng ở Tân Cương là một trong những vấn đề mà cả hai đảng (Cộng Hòa và Dân Chủ) đều coi trọng trong thời đại của chúng ta. Một nghị quyết do Thượng nghị sĩ Bob Menendez (Dân Chủ (DC)-tiểu bang New Jersey) và John Cornyn (Cộng Hòa (CH) -tiểu bang Texas) đưa ra xác định việc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền đối với người DNN là tội diệt chủng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt. Thượng nghị sĩ Menendez nói, “Việc ngăn chặn tội ác diệt chủng bắt đầu bằng việc đứng lên và nói ra sự thật. Tôi hy vọng rằng Ngoại trưởng [Mike] Pompeo sẽ cùng chúng tôi gọi các hành động này là diệt chủng.” Ông ta đã làm. Ngoại trưởng đương nhiệm Antony Blinken cũng vậy.
Cuộc diệt chủng chống lại người Hồi giáo ở Trung Quốc này tương tự vụ diệt chủng người Do Thái một cách đáng kinh ngạc. Trước khi tiêu diệt họ, Đức Quốc xã đã tước đoạt nhân tính của người Do Thái. Gọi họ là chuột, tước bỏ quyền con người và quyền hợp pháp của họ, và lùa họ như gia súc vào các trại tập trung. Ngày nay, các bản ghi âm chính thức của ĐCSTQ tiết lộ các bộ máy của đảng gọi người DNN là “khối u ác tính”, so sánh đức tin của họ với “bệnh truyền nhiễm” và nói rằng, “bạn không thể nhổ từng đám cỏ dại lẫn trong cây trồng trên cánh đồng; bạn cần phải phun hóa chất để tiêu diệt hết chúng.” Và gần đây, những hình ảnh đáng lo ngại lọt ra khỏi Trung Quốc cho thấy những hàng người DNN bị cạo trọc đầu và cùm chân quỳ trên mặt đất, chờ được đưa lên tàu hỏa và vận chuyển đến một trong 380 trại tập trung trên khắp Trung Quốc. Chúng ta đã từng thấy điều này trước đây trong suốt thời kỳ Diệt Chủng Người Do Thái — hình ảnh hàng triệu người bị đưa đến một mạng lưới lao động và trại tử thần rộng lớn đã khắc sâu vào ý thức tập thể của chúng ta.
Tân Cương phù hợp với định nghĩa tội ác diệt chủng ở mức độ có thể trừng phạt
Để đối phó với những hành động tàn bạo của Đức Quốc xã, LHQ đã thành lập Công ước Ngăn chặn và Trừng phạt Diệt chủng vào năm 1948. Công ước định nghĩa tội ác diệt chủng có thể bị trừng phạt khi “bất kỳ hành vi nào sau đây được thực hiện với ý định tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một quốc gia, dân tộc, nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, chẳng hạn như: (a) Giết các thành viên của nhóm; (b) Gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần cho các thành viên của nhóm; (c) Cố ý tạo ra các điều kiện sống của nhóm được tính toán nhằm tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần; (d) Áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sinh đẻ trong nhóm; (e) Buộc chuyển trẻ trong nhóm này sang nhóm khác.”
Liệu các hành động của ĐCSTQ chống lại người DNN có phù hợp với định nghĩa này không? Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (DC- California) đã dùng các giá trị Mỹ trong việc định hình vấn đề này. Bà nói, “Nếu Hoa Kỳ không lên tiếng chống lại các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc vì lợi ích thương mại nào đó, thì chúng ta mất hết thẩm quyền đạo đức.” Dân biểu Michael McCaul (CH-Texas) bày tỏ tính cấp thiết của lựa chọn trước mắt: “Chúng ta không thể ngồi yên và cho phép nạn diệt chủng văn hóa do nhà nước tài trợ tiếp tục. Sự im lặng của chúng ta là đồng lõa, và việc chúng ta không hành động là nhượng bộ. “
Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cộng đồng ESG và Blackrock ở đâu?
(ESG: tạm dịch là đầu tư có trách nhiệm. Blackrock là một quỹ đầu tư lớn nhất ở Hoa Kỳ.)
Sự thật là chúng ta đã im lặng trong nhiều thập niên. Thế giới tự do không chỉ làm ngơ trước tội ác của Cộng sản Trung Quốc, mà chúng ta còn tài trợ cho họ bằng cách cung cấp quyền tiếp cận thị trường vốn của chúng ta. Chúng ta không chỉ gửi đến một kho báu các nhân viên ngân hàng đầu tư cao cấp tốt nhất, luật sư, nhà quản lý tiền tệ, nhà đầu tư chứng khoán tư nhân và nhà đầu tư mạo hiểm, mà chúng ta đã tài trợ cho “Công ty Trung Quốc” thông qua các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư của trường đại học, các hội, quỹ đầu tư tín thác và danh mục đầu tư trái phiếu của chúng ta. Tất cả chúng ta đã làm vậy. Đó cũng là lưỡng đảng. Bây giờ, chúng ta phải làm gì đó về tình trạng này.
Một trong hai chúng tôi (hai tác giả của bài báo này) là cựu giám đốc điều hành của các công ty đại chúng và chủ tịch hội đồng quản trị của một trường đại học lớn, biết rằng hội đồng quản trị của các tổ chức khác nhau này có nghĩa vụ đạo đức và trách nhiệm giải trình phải tiết lộ các khoản đầu tư vào Trung Quốc và thoái vốn khỏi các công ty vi phạm nhân quyền. Một người trong chúng tôi là cựu thứ trưởng ngoại giao đã trực tiếp truyền đạt điều này trong ba bức thư riêng cho các CEO người Mỹ, hội đồng quản trị các trường đại học và các nhà lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự.
Nếu “trách nhiệm của doanh nghiệp là trách nhiệm xã hội,” thì tại sao chúng ta vẫn tài trợ cho tội ác diệt chủng của ĐCSTQ? Và tại sao các nhà quản lý tài sản lớn nhất của Hoa Kỳ nói rất hay về việc bảo vệ nhân quyền, nhưng những nghiên cứu cho thấy họ quá thường xuyên không tuân thủ các khuôn khổ nhân quyền quốc tế và cũng tích cực tài trợ cho các tổ chức vi phạm nhân quyền? Tại sao cộng đồng “ESG” lại rất ít áp dụng các tiêu chuẩn “Môi trường, Xã hội và Quản trị” đối với các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, và gần như không thực thi các tiêu chuẩn đó trong những vụ đầu tư liên quan đến nạn diệt chủng ở Tân Cương? Và tại sao nạn diệt chủng người DNN lại không nằm trong danh sách dài các chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, một cuộc hội họp quan trọng bậc nhất về trách nhiệm xã hội toàn cầu của các chính phủ và tập đoàn — hoặc xuất hiện ở bất kỳ đâu trên trang web của họ khi sứ mệnh của họ là “duy trì tiêu chuẩn cao nhất đối với việc quản trị với sự toàn vẹn về đạo đức và trí tuệ là trọng tâm của mọi thứ nó làm? “
Có phải vì “lợi ích thương mại?” Hay sợ hãi về ĐCSTQ trả thù?
Có phải vì các công ty Trung Quốc lớn đến mức không thể thất bại? Đó là vì xung đột lợi ích hay, như Chủ tịch Hạ viện Pelosi nói một cách lịch sự, “một lợi ích thương mại?” Hay là do sợ ĐCSTQ trả thù và khả năng bị trừng phạt?
Không ai phải quỳ gối trước ĐCSTQ. Chúng ta có nền tảng đạo đức cao về điều này. Đó là nơi bạn – công dân Mỹ – có thể hành động. Hãy cất lên tiếng nói của bạn. Nỗi sợ hãi tiếng xấu là một động lực mạnh mẽ. Bạn có sức mạnh của số đông — và tiền bạc nữa. Đầu tư vào ESG đã tăng từ 17 tỷ đô la lên 17 nghìn tỷ đô la trong 15 năm qua. Đòn bẩy mạnh nhất là bỏ phiếu với túi tiền của bạn. Âm thanh từ máy rút tiền sẽ được nghe to và rõ ràng ở phía bên kia thế giới, ở Tân Cương.
Nếu không phải bạn, thì ai?
Nếu bạn có một khoản đóng góp định kỳ cho lương hưu, nếu bạn đóng góp vào quỹ tài trợ của trường đại học bạn đã học, nếu bạn đầu tư vào quỹ tín thác hoặc ETF (một loại quỹ đầu tư) (đặc biệt nếu nó liên quan đến thị trường mới nổi), hãy hỏi xem họ có tuân theo hướng dẫn đầu tư của ESG về vi phạm nhân quyền hay không và kiểm tra xem họ có công khai các khoản đầu tư vào Trung Quốc của họ hay không. Nếu không, hãy hỏi khi nào họ sẽ làm? Nếu không phải bây giờ, thì tại sao? Nếu họ không có lý do chính đáng, có lẽ đã đến lúc bạn nên tìm một nơi khác để đầu tư tiền của mình.
Hành động diệt chủng đang diễn ra trước mắt chúng ta. Tại buổi lễ của LHQ vào tháng Giêng, không phải các nhà lãnh đạo Mỹ, châu Âu và những người sống sót sau thảm họa Holocaust nói rằng chúng ta có trách nhiệm khẩn cấp phải bảo vệ sự thật — bây giờ hơn bao giờ hết? Chúng ta đã không cam kết “không bao giờ” cho phép nạn diệt chủng xảy ra “một lần nữa” trong thời đại của chúng ta? Nhân loại đã thất bại trong việc ngăn chặn Holocaust trong thế kỷ 20. Chúng ta không được chậm trễ trong việc ngăn chặn cuộc diệt chủng của ĐCSTQ ở Tân Cương vào thế kỷ 21.
Khi chúng ta nói, “Không bao giờ lặp lại”, chúng ta phải thực sự muốn điều đó.
Keith Krach là cựu thứ trưởng ngoại giao và chủ tịch hội đồng quản trị tại Đại học Purdue. Ông cũng là cựu chủ tịch và giám đốc điều hành của các công ty DocuSign và Ariba. Ông Krach đã bị Trung Quốc trừng phạt.
Nguồn: Keith Krach