Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi lễ kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 – 19/05/2015) đã trích dẫn lời nói đó của ông cụ và theo đó, sẽ “chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng, gột rửa chủ nghĩa cá nhân.”
Đảng chính là chủ nghĩa cá nhân
Thế nhưng, 80 năm sau ngày thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng đã mất đi những đảng viên, cán bộ thực sự chí công vô tư, cần kiệm liêm chính thay vào đó là những cán bộ biến chất đạo đức và thực tài lãnh đạo, chỉ biết thu vén, tư lợi cá nhân, biến đất công thành đất tư, chia ghế cho con cháu ở những vị trí lãnh đạo và chịu chi phối của đồng tiền và quyền lực thông qua cụm từ đầy hoa mỹ “quy hoạch cán bộ, luân chuyển cán bộ”.
80 năm sau, những cá nhân lãnh đạo nổi lên đột ngột trên chính trường Việt Nam được hiểu như là con cháu của một trong những nhà lãnh đạo của đất nước, và được hiểu đó là cách thức duy trì sự bám rễ sâu về mặt quyền lực cá nhân, gia đình.
Sự trong sạch trong mỗi Đảng viên không còn là sự trong sạch vì nhân dân, mà đã vẩn đục theo chiều hướng tồi tệ nhất, hy sinh mọi lợi ích của nhân dân cho Đảng,và Đảng chính là lợi ích cá nhân.
“Chỉ biết còn Đảng còn mình” – không còn là khẩu hiệu dành cho lực lượng Công an nhân dân, mà dành cho tất cả những quan chức Việt Nam, đang còn tại nhiệm hoặc đã về hưu.
Do đó, lợi ích cá nhân mà Tổng bí thư kêu gọi “gột rửa”, vì nó là “thứ gian giảo, xảo quyệt”, “là mẹ để ra tất cả mọi tính hư, nết xấu” đã không còn nằm cá biệt ở Đảng viên nào nữa, mà đó chính là lợi ích cá nhân của toàn Đảng.
Bởi, khi sự phát triển của bản thân Đảng đã không chạy theo quy luật của dân tộc và xu thế của thời đại, Đảng chỉ chạy theo lợi ích của chính chủ nghĩa cá nhân, và do đó, Đảng là Đảng của chủ nghĩa cá nhân vĩ đại. Nơi những nhà đạo đức chủ nghĩa cách mạng đang kêu gào giữ vững tính tiên phong, lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, mặc kệ sự tụt hậu về mặt lý luận và sự phản bội của thực tiễn đối với lý luận “sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện bảo đảm để đất nước không ngừng phát triển.”
Sức sống của Đảng đã bị chết
Sức chiến đấu của Đảng đã lỗi thời bởi sự tàn phá từ bên trong Đảng, với đa phần cán bộ thoái hóa, biến chất [1]… Đảng trở thành chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng và áp đặt ý kiến cá nhân.
Nhưng những cá nhân trong Đảng lại tìm cách duy trì điều đó, bởi sự tồn tại của Đảng về mặt ý thức hệ chính là cơ hội trục lợi của chính họ. Do đó, rất nhiều cá nhân tìm mọi cách khiến Đảng trở nên bất khả xâm phạm với Điều 4 Hiến Pháp, Cương lĩnh Đảng đứng lên trên Hiến Pháp, xâm phạm đến Đảng chính là “phản bội quyền lợi dân tộc, đất nước.”
Và cũng vì thế, trong bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư ở Hội nghị 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, trong xác định tiêu chuẩn của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XII cũng buộc phải: “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng.”
Cũng nhằm tránh sự thay đổi ý kiến, quan điểm “kiên định” đó, trong thảo luận Luật trưng cầu dân ý, một Đảng viên cao cấp đã lên tiếng, cần phải đặt sự lãnh đạo của Đảng và chủ quyền là vùng cấm.
Đó là sự nô dịch trong Đảng! Đảng thích ngợi ca hơn là sự phê phán, bởi chính những con người kiêu ngạo trong Đảng hiện thời, những con người – đảng viên cao, trung cấp đã rũ bỏ mọi công lao xây dựng Đảng của người đi trước.
Đảng đã không còn được yêu mến, uy tín trong dân nữa
Nếu nhìn nhận sự năng lực tụt hậu của Đảng đến mức độ nào, có thể so với “Đảng Hành động Nhân dân” (Singapore), một Đảng chú trọng phát triển Đảng viên về mặt chất lượng, năm 1999, kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng, thì số Đảng viên chỉ chiếm 0,2% dân số (15.000 người). Bản thân Đảng không đào tạo Đảng viên, mà lựa chọn những người xuất sắc, thành đạt trong một lĩnh vực bất kỳ của xã hội để mời vào Đảng và giao cho cương vị cao.
Đảng Hành động Nhân dân không tuyên truyền về Đảng và vai trò của Đảng,không tổ chức song song bộ máy Đảng với nhà nước. Đảng Hành động Nhân dân không đề cao chủ nghĩa hay ý thức hệ nào, không giành quyền lãnh đạo bằng quyền lực tuyệt đối. Và quan trọng nhất, Đảng chịu sự giám sát chế ước quyền lực từ các đảng đối lập.
Đảng của ngày hôm nay đã trở thành “công cụ” cho chính những Đảng viên có chức, quyền trong nước lạm dụng để thu lợi cá nhân. Chủ nghĩa xã hội trở thành một chủ nghĩa cơ hội công khai nhất, trắng trợn nhất, thô bỉ nhất.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đương thời có nhiều lời nói về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng, nhưng ông cũng luôn nhấn mạnh rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa…”
Đảng không còn trong sáng nữa, bởi Đảng giờ đây đã phục tùng trước lợi ích – chủ nghĩa cá nhân của đại đa số đảng viên – đặc biệt, hàng ngũ Đảng viên cao cấp. Đảng đã bị phản bội bởi chính những đảng viên kêu gào “duy trì sự lãnh đạo của Đảng” bằng mọi giá.—
[1] “Tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình, tham nhũng, không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm.”