Bạn đọc viết
Hồng Nhung
(VNTB)- Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I hiện có châu bản triều Nguyễn ghi lại vụ án cha dượng đánh con riêng của vợ đến chết, dưới triều Tự Đức.
Bản án do các quan địa phương dâng trình về việc ngày 11 tháng 4 năm Tự Đức thứ 2 (1849), một người tên Nguyễn Khiêm ở xã Thị Cầu, tổng Đỗ Xá có đơn trình xin tra xét. Nội dung đơn cho biết, con gái ông Nguyễn Khiêm là Nguyễn Thị Dao, trước đi buôn bán xa nhà, dan díu có thai, sinh được một con trai, đặt tên là Đổ.
Sau đó, Thị Dao trở về nhà. Ông Khiêm gả Thị Dao cho người trong xã là Nguyễn Tả, làm thiếp. Đứa con riêng của Thị Dao khi đó 4 tuổi. Vào giờ Ngọ hôm đó, ông Khiêm thấy Nguyễn Tả ôm tên Đổ đến, nói đứa bé bị trúng gió, người nhà mau tìm thuốc điều trị, xong Nguyễn Tả đặt tên Đổ vào giường rồi bỏ đi. Nhưng khi ông ngoại đứa bé vào xem thì thấy cháu mình bị thương, liền hô hoán. Phó tổng, lý dịch bắt được Nguyễn Tả, đem trói lại.
Sau đó một lát thì đứa bé chết.
Các quan kiểm tra thi thể đứa bé thấy có vết máu khô ở lỗ mũi cùng nhiều vết thương ở trán, má, thái dương với kích thước khác nhau, dài khoảng 2, 3, 4, 7, 8 phân, rộng 2, 3 phân, thâm tím như bị đập vào đá. Lại có một vết thương ở cổ dài 6 phân, rộng 3 phân. Tại cằm có vết thương tròn khoảng 4 phân. Một vết thương tím bầm sau đầu khoảng 3 phân. Một vết thương nhỏ khoảng 2, 3 li, không biết do vật gì tạo ra. Hai bên mông và đùi trái có mười mấy vết thương dài ngắn khác nhau, khoảng 7, 8, 9 phân, sâu đến 1, 2 thốn…
Khi các quan tra xét, Nguyễn Tả khai mình là chồng sau của Thị Dao. Con riêng của Thị Dao với chồng trước là Đổ vốn không ở cùng với Nguyễn Tả, lần ấy theo mẹ đến nhà Nguyễn Tả. Sau đó, vì Thị Dao đi buôn bán ở nơi khác nên đứa bé ngủ lại nhà Nguyễn Tả. Đến khi tỉnh giấc, đứa bé nhớ mẹ nên khóc. Nguyễn Tả tức giận lấy cây gỗ đánh mấy cái làm nó sợ hãi chạy vấp ngã vào hòn đá bị thương, được một lát thì chết.
Các quan tra xét vụ án cho rằng đứa bé nhớ mẹ nên khóc là thói thường của trẻ nhỏ. Vậy mà Nguyễn Tả lại tức giận lấy cây gỗ đánh đứa bé.
Chiếu theo luật “đánh con chồng trước của vợ”, trong đó có khoản “Kẻ đánh con chồng trước của vợ đến chết, bị xử giảo” (tức xử thắt cổ) nên Nguyễn Tả bị xử theo hình phạt này và giam lại chờ. Còn Nguyễn Thị Dao, trong khi Nguyễn Tả đánh tên Đổ, thị ấy vắng nhà, không biết tình hình, nên miễn nghị xử.
Một vụ án khác, cha dượng đánh chết con riêng của vợ, ở tỉnh Vĩnh Long, dưới triều Tự Đức.
Ngày 20 tháng 6 năm Tự Đức thứ 9 (1856), Viện Đô sát phụng duyệt bản án đánh chết người do quan tỉnh Vĩnh Long Lê Đình Lý kết án đệ trình, đã được Bộ Hình phúc duyệt. Theo đó, tên Diệp Khởi đã đánh con riêng của vợ tên là Hỏa bị thương nặng đến chết ngay. Khi tra xét, tên Khởi đã nhận tội.
Khởi truyền xử trảm giam hậu (xử chém nhưng giam lại chờ).
Có thể thấy, ở thời đại nào, kẻ gây ra tội ác đánh đập, hành hạ trẻ nhỏ đến chết cũng đáng bị trừng phạt nặng, thậm chí cần phải loại bỏ khỏi xã hội.
Tin tức liên quan cho biết pháp luật hiện hành dường như nương tay hơn rất nhiều về tội đánh con riêng của vợ đến mức thương vong.
Ngày 12-1-2022, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng mở phiên tòa xét xử hình sự đối với bị cáo Nông Xuân Luân (sinh năm 1989), trú tại xã Vĩnh Quang (thành phố Cao Bằng) phạm tội giết người theo quy định tại điểm b, n, Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Vào hồi 21g40′ ngày 30-12-2020, Công an thành phố Cao Bằng tiếp nhận đơn trình báo của ông Hoàng Quang Nhiếp (sinh năm 1964), trú tại tổ 3, phường Đề Thám (thành phố Cao Bằng) về việc chiều 30-12-2020, tại quán “Kiệm”, tổ 3, phường Đề Thám, cháu Hoàng Tùng Dương (sinh năm 2006), trú tại tổ 3, phường Đề Thám bị người tình của mẹ là Luân đánh dẫn đến tử vong.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng ra lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với Luân. Tại hiện trường, cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm tử thi, phát hiện trên thi thể của Dương đa vết bầm tím, xây xát da vùng đầu, cổ, bầm tụ máu tổ chức dưới da và cơ vùng đầu, ngực, tụ máu não. Tại bản giám định pháp y của Trung tâm pháp y Sở Y tế kết luận, nguyên nhân dẫn đến tử vong của Dương là do mất máu cấp, hậu quả chấn thương vỡ gan phải.
Tại cơ quan Công an, đối tượng Luân khai nhận từ năm 2013 đến thời điểm gây án, chung sống với mẹ đẻ của Dương là Triệu Thị Kiệm như vợ chồng. Quá trình chung sống, đối tượng Luân và hai mẹ con Dương thi thoảng xảy ra mâu thuẫn, và Luân đã đánh Dương nhiều lần. Đến 16 giờ ngày 30-12-2020, sau khi ngủ dậy Luân nhìn thấy Dương có biểu hiện của người sử dụng ma túy nên đã dùng ghế nhựa đánh và đá nhiều lần vào mặt, đầu, bụng của Dương… Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, Dương gọi mẹ đưa đi vệ sinh và gục xuống nền nhà. Ngay sau đó, Dương được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong tại bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng.
Hành vi bạo lực của bị cáo Nông Xuân Luân bị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng tuyên phạt tù chung thân về tội giết người, và bồi thường cho gia đình bị hại trên 182 triệu đồng.