Dân Trần
(VNTB) –
6.000 mét khối bùn đất nạo vét kênh được giao cho Uỷ ban huyện Tân Hưng (Long An) bỗng dưng bốc hơi mà không ai biết đi đâu. Rồi tiếp theo đó, 44.300m3 đất dùng để san lấp mặt nền cho công trình trụ sở của Công an huyện này cũng bỗng dưng “bị di chuyển” đi đâu đó mà chẳng ai phát hiện kịp thời.
Câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” tưởng chừng vô lý này chỉ bị phát hiện khi người dân cung cấp thông tin cho báo chí. Và đáng ngạc nhiên là các lãnh đạo địa phương này lại đổ lỗi cho người dân “ăn cắp”, “tự ý bốc dỡ, vận chuyển và mua bán trái phép bùn đất nạo vét” từ các bãi chứa.
Theo thông tin từ báo chí quốc doanh thì ngay từ tháng 5, người dân đã thấy nhiều sà lan ra vào tấp nập để vận chuyển bùn đất từ các bãi chứa đất do nhà nước quản lý. Người dân địa phương đã chụp và gửi nhiều hình ảnh máy xúc đất tại bãi, rồi xe ben vận chuyển ra thẳng sà lan đậu dưới kênh, chuyển về hướng các tỉnh miền Tây. (1)
Vụ việc diễn ra công khai, rầm rộ trong suốt một thời gian dài, cho tới khi lượng bùn đất khổng lồ ở đây bị cào gần hết mà vẫn không thấy nhà chức trách có động thái gì để xử lý. Lúc phóng viên tới phỏng vấn thì nhà cầm quyền địa phương lại trả lời theo văn mẫu rằng “đang kiểm tra, xem xét hiện trạng để làm rõ”.
Cần lưu ý rằng đất bùn nạo vét từ kênh rạch là đất công. Cũng giống như cát sông, đất bùn nạo vét có thể dùng để san lấp nền, và đất bùn này được nạo vét bằng tiền ngân sách, tiền thuế của dân, chứ không bảo cán bộ bỏ tiền túi ra để nạo vét kênh rạch. Cho nên nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bùn đất nạo vét sử dụng không đúng mục đích hoặc mất mát gây thất thoát tài sản công.
Nếu tài sản công bị mất thì cán bộ phải ra tòa chứ không có chuyện đổ lỗi cho dân do không tìm được thủ phạm. Đây rõ ràng là lừa dối và coi thường người dân. Với hệ thống quản lý xã hội từ trung ương tới từng thôn, từng xóm thì không thể có chuyện xe ben, máy xúc, xà lan ngang nhiên lộng hành giữa thanh thiên bạch nhật mà qua mặt được nhà chức trách. Thậm chí người dân xây một cái nhà vệ sinh, một cái chuồng vịt mà cán bộ địa phương còn biết chứ đừng nói hàng chục ngàn mét khối đất bị lấy mất giữa ban ngày.
Chính vì coi thường người dân nên cán bộ nhà nước mới dám bỏ qua các phản ánh, khiếu nại và để cho “bùn tặc”, ” đất tặc” ngang nhiên lộng hành như vậy. Chính vì coi thường người dân nên người nhà nước mới dám trả lời láu cá trả lời rằng không biết ai đưa xà lan vô trộm bùn đất công. Chính vì coi thường dân nên họ mới dám ăn hối lộ, dám tự tiện bán đất công cho tư nhân rồi lấp liếm với những lập luận xảo trá như vậy. Chính vì coi thường dân nên họ mới đổ lỗi cho người dân là thủ phạm gây mất đất đồng thời phủi bỏ mọi trách nhiệm.
Hậu quả thì không chỉ là mất bùn đất nạo vét trước mắt. Trước tình hình khan hiếm cát xây dựng như hiện nay, bùn được xem là vật liệu thay thế cát khá hiệu quả để san lấp nền. Nếu buông lỏng quản lý, mua bán trái phép mà không xử lý triệt để thì càng ngày kẻ gian càng lạm dụng để khai thác trái phép. Thì tình trạng sạt lở đất sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn, không chỉ ở các con sông lớn, mà còn ở những con kênh nhỏ.
Không phải sạt lở, mà còn là thái độ, sự lạm quyền, tự tung tự tác của những người có trách nhiệm. Với việc coi thường dân chúng và pháp luật, không chỉ sẽ là mất bùn, mất cát, mà đất nước sẽ còn mất nhiều thứ khác nữa…
_______________
Tham khảo: