Hoài Nguyễn
(VNTB) – “Bất động sản thương mại” vào mặc định là “sở hữu toàn dân” do “nhà nước là đại diện chủ sở hữu”
Tuy nhiên vấn đề ở đây là khi đặt “bất động sản thương mại” vào mặc định là “sở hữu toàn dân” do “nhà nước là đại diện chủ sở hữu”, thì mọi lý thuyết bắt đầu được diễn giải phụ thuộc vào những người nhân danh quyền lực nhà nước, đặc biệt là Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.
Để một nơi nào đó phát triển và trở nên thịnh vượng, thì cần có nhà ở, các địa điểm mua sắm và ăn uống, các cơ hội việc làm và hơn thế nữa. Phát triển các bất động sản là nhân tố thúc đẩy một nền kinh tế địa phương. Nó tạo ra những vòng xoáy đi lên trong việc phát triển các hoạt động bán lẻ, trường học, du lịch, bất động sản thương mại và nhà ở, các cơ sở sản xuất và hơn thế nữa. Cụ thể, tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế là ba đóng góp quan trọng của bất động sản trong nền kinh tế.
Bất động sản tạo ra nhiều việc làm ổn định thông qua xây dựng các tài sản mới và duy trì các tài sản hiện tại. Việc làm sản xuất và xây dựng được hỗ trợ trong cả chuỗi giá trị chứ không đơn thuần là việc làm của quản lý, tài trợ và bảo trì các tòa nhà hay tài sản.
Với những lý thuyết tốt đẹp ở trên khi áp dụng vào thực tế ở Việt Nam thì nhiều trường hợp là có thể đúng hôm nay để rồi sẽ sai vào ngày mai, và chưa biết chừng sau đó nữa thì mọi chuyện lại trở về đúng.
Bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là ví dụ cho lát cắt “bất động sản thương mại” theo lý thuyết trên, điều mà bản dự thảo luật đất đai đang ở giai đoạn bắt đầu lấy ý kiến nhân dân, rất cần được tỉnh táo nhìn nhận để xử trí cho thuận cả tình và lý.
Đó là “vụ án” đi đòi nhà của gia đình cố luật sư Trịnh Đình Thảo.
Số là ngày 13-10-2022, Công an TP.HCM đã có văn bản số 1980/PA04-Đ4 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Theo Công an TP.HCM, để phục vụ công tác điều tra, xác minh; phòng an ninh kinh tế – Công an TP.HCM đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM rà soát, xác định và cung cấp cho Công an TP thông tin các quyền sử dụng đất liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có nguồn gốc (hoặc không có nguồn gốc) Nhà nước.
Song song với việc ban hành văn bản trên, Công an TP.HCM đã công bố danh sách các thửa đất liên quan đến Vạn Thịnh Phát, với tổng cộng 156 thửa đất. Đa số các thửa đất trong danh sách trên đều là những thửa “đất vàng”, có vị trí đắt địa, tọa lạc trên địa bàn các quận như: quận 1, quận 3, quận 5, quận 7 và huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Cơ quan chức năng cũng đã xác định tòa chung cư cao tầng do Công ty Cổ phần địa ốc Kỷ Nguyên (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) làm chủ đầu tư, có thửa đất là nhà, đất số 192 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tức đường Công Lý, trước 1975) quận 3, TP.HCM, có nguồn gốc là nhà, đất của cố luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986). Tên ông Trịnh Đình Thảo được đặt cho một con đường ở quận Tân Phú, TP.HCM.
Hồ sơ vụ việc cho biết, luật sư Trịnh Đình Thảo mua và đứng tên Bằng khoán điền thổ số 391 Sài Gòn – Độc Lập (lập bộ ngày 27-4-1932, di chuyển chủ quyền cho ông Trịnh Đình Thảo đứng bộ – tờ lược giải số 3, ngày 04-3-1939).
Từ năm 1955, ông Thảo đứng đầu các phong trào đòi thống nhất đất nước, chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Năm 1965, ông Thảo cho ông Trương Hy và bà Âu Phụng Chí thuê nhà đất trên để xây chung cư cho Mỹ thuê 12 năm. Vì tham gia cách mạng, nên ông Thảo phải thoát ly lên chiến khu.
Ngày 19-12-1977, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định số 1701/QĐ-UB tịch thu tài sản của nhà tư sản mại bản là vợ chồng ông bà Trương Hy – Âu Phụng Chí (gia đình ông Hy đã bỏ ra nước ngoài trước ngày 30-4-1975), trong đó có căn nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3, TP.HCM.
Quyết định 1701 này sau đó được cho là đã áp dụng sai hoàn toàn đối tượng chủ thể sở hữu căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Trước đó, ngày 12-7-1968, chính quyền Sài Gòn đã tuyên án tử hình ông Thảo, tịch thu căn nhà 192 Công Lý… Lẽ ra, sau ngày 30-4-1975, căn nhà trên phải hoàn trả cho ông Thảo, thì UBND TP. HCM lại áp đặt căn nhà là của tư sản mại bản Trương Hy, thuộc diện “vắng chủ” và tịch thu để nhà nước quản lý.
Trên thực tế, căn nhà 192 Công Lý/ Nam Kỳ Khởi Nghĩa thuộc sở hữu hợp pháp của luật sư Trịnh Đình Thảo từ ngày 04-3-1939. Vợ chồng ông bà tư sản mại bản Trương Hy chỉ là người thuê nhà của ông Thảo. Việc áp đặt căn nhà của luật sư Trịnh Đình Thảo thành nhà của tư sản mại bản Trương Hy là sai đối tượng chủ thể sở hữu căn nhà. Từ đây, dẫn tới hàng loạt vi phạm sau này, khiến vụ đòi nhà kéo dài nhiều thập niên…
Sau khi ông Thảo mất (năm 1986), đến lượt con trai ông là Trịnh Đình Trí và hiện là cháu nội ông Thảo – Trịnh Đình Đức, vẫn kiên trì gửi đơn xin trả lại nhà…
Với vụ việc cụ thể ở trên cho thấy chuyện Vạn Thịnh Phát đầu tư vào “bất động sản thương mại” ngay cả khi không xảy ra vụ bà Trương Mỹ Lan vướng lao lý, thì một khi luật pháp trả lại quyền sở hữu cho gia đình cố luật sư Trịnh Đình Thảo, cũng đồng nghĩa dự án của Vạn Thịnh Phát vào đây sẽ gặp nhiều trở ngại pháp lý dắt đây khác.
Và lý thuyết tốt đẹp, rằng, “nhà ở không chỉ là nơi cư ngụ mà nó còn là nguồn của cải và tiết kiệm lớn nhất của đa phần các hộ gia đình” xem ra rất cần có thêm phần ngoại lệ từ “đặc thù Việt Nam” (!?)