VNTB – Đầu Xuân tản mạn… tiền

VNTB – Đầu Xuân tản mạn… tiền

Phạm Lê Đoan

(VNTB) – Trà dư tửu hậu dịp Tết Quang Trung, có người khoe còn giữ tờ tiền giấy mệnh giá hai trăm đồng in hình tướng Nguyễn Huệ cả mặt trước và mặt sau. Bóng chìm cũng là tướng Nguyễn Huệ.

 

Khác với loại tiền đồng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này, đồng Việt Nam Cộng hoà chỉ có một giai đoạn ngắn in hình lãnh tụ đảng phái đương đại (*), còn lại thì không in hình lãnh tụ mà thay vào đó là hình ảnh các vĩ nhân lịch sử, hay biểu tượng truyền thống của Việt Nam, như tờ bạc 100 đồng có màu đỏ, mặt trước in chân dung Tả quân Lê Văn Duyệt, mặt sau hình ảnh Lăng Ông tại Sài Gòn, với 2 loại hình chìm: chân dung vị tướng này, hoặc đầu rồng.

Tờ bạc loại 200 đồng màu tím than, mặt trước in chân dung Nguyễn Huệ, mặt sau là Hoàng đế Quang Trung thống lĩnh đại binh ra trận, với 2 loại hình chìm chân dung hoàng đế này hoặc đầu rồng; và tờ bạc 500 đồng màu xanh dương in chân dung danh tướng Trần Hưng Đạo, mặt sau là trận chiến Bạch Đằng nổi tiếng với một loại hình chìm chân dung vị danh tướng này.

Sự khác biệt về lựa chọn hình ảnh ở đây có lẽ là chủ ý của người đứng đầu. Năm 1946 ông Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh phát hành tiền, thường có hàng chữ “Giấy bạc Việt Nam”, quốc hiệu nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và chân dung có hàng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trong khi đó thì ở miền Nam, chính thể Việt Nam Cộng Hòa phát hành bộ tiền giấy với những hình in về vĩ nhân lịch sử, những người nông dân cày ruộng, lam lũ làm ăn, hình ảnh của cậu bé chăn trâu, cảnh thu hoạch lúa với những chiếc xe bò, những người nông dân đang bận rộn với công việc của mình trong những công xưởng sản xuất, hình những con thú: Voi, Hổ, Nai, Ngựa,… nói lên sự no đủ, hạnh phúc của người nông dân khi sống dưới chế độ cai trị Việt Nam Cộng Hòa.

Từ câu chuyện tiền giấy thời Việt Nam Cộng Hòa hiếm hoi in hình nguyên thủ quốc gia đương thời kiểu như miền Bắc (*), theo lời kể của nhóm thân hữu trang Việt Nam Thời Báo từng có thời gian là phóng viên chuyên trách ngân hàng ở Sài Gòn, thì nếu căn cứ những gì liên quan đến tiền, thì lịch sử Việt Nam độc lập ‘thoát ách đô hộ thực dân’, phải ghi công của Hoàng đế Bảo Đại.

Nhà báo N.Q.V., kể: “Ngày 4-6-1954, Pháp ký hiệp định trao trả độc lập cho Việt Nam. Bản hiệp ước do thủ tướng Bửu Lộc của chính phủ Bảo Đại và thủ tướng Pháp Joseph Laniel ký ghi nội dung điều khoản 3: Pháp cam kết trao trả lại cho Chính phủ Việt Nam các thẩm quyền và công vụ mà Pháp còn phụ trách. Trong đó, họ trao trả lại quyền tự chủ tiền tệ, tức giải tán Viện phát hành tiền tệ Đông Dương của mình để trao trả lại quyền phát hành tiền cho Việt Nam.

Sáu tháng sau, ngày 21-12-1954, quốc trưởng Bảo Đại ký dụ số 18 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và Viện hối đoái riêng.

Tuy nhiên trong thời gian đầu, tiền Việt Nam vẫn nằm trong khu vực đồng franc có tỉ giá 1 đồng Việt bằng 10 đồng franc.

Ngày 1-1-1955 tại số 17 Bến Chương Dương, Sài Gòn, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam chính thức hoạt động. Đồng bạc Đông Dương (piastres) được thay thế bằng đồng bạc Việt Nam.

Khoảng một năm sau, ngày 17-12-1955, tiền Việt chính thức tách ra khỏi các thỏa ước tiền tệ với Pháp trước đó bằng việc thủ tướng Ngô Đình Diệm ký dụ số 15, bắt buộc tất cả hoạt động tiền tệ đều nằm dưới quyền kiểm soát của Ngân hàng Quốc gia.

Không còn nằm trong khu vực tiền Pháp, đồng Việt Nam được ấn định tỉ giá theo đôla Mỹ, thời điểm này 35 đồng bằng 1 USD, 98 đồng bằng 1 bảng Anh và 0,1 đồng bằng 1 franc. Thống đốc, người có quyền lực cao nhất ở Ngân hàng Quốc gia đầu tiên là ông Dương Tấn Tài, cựu bộ trưởng tài chính của chính phủ Bửu Lộc trước đó.

Thống đốc Tài được đánh giá là người cực kỳ liêm chính. Tuy nhiên, ông không tại vị lâu ở ngân hàng đầu não vì cuối năm 1955, ông được bổ nhiệm làm cố vấn phủ tổng thống. Người thay chức vụ cũ của ông là tiến sĩ kinh tế Vũ Quốc Thúc.

Suốt 20 năm chiến cuộc kể từ khi đất nước bị chia cắt ở vĩ tuyến 17, Ngân hàng Quốc gia trở thành “chứng nhân” bao cuộc thăng trầm, biến loạn của Sài Gòn. Những thống đốc đầu tiên như tiến sĩ Vũ Quốc Thúc có công đưa nền tài chính miền Nam thoát khỏi cái bóng đô hộ 100 năm của người Pháp.

Nguyên bộ trưởng Trần Hữu Phương lên thay. Kế tiếp ông là những gương mặt rất giỏi như tiến sĩ kinh tế Harvard Nguyễn Xuân Oánh làm thống đốc năm 1964 trong nội các Nguyễn Cao Kỳ.

Sau đó là Nguyễn Hữu Hanh, Nguyễn Văn Dõng. Và thống đốc trẻ tuổi cuối cùng là Lê Quang Uyển ngồi vào chiếc ghế thống đốc năm 36 tuổi, từ năm 1970 cho đến ngày quân đội miền Bắc vào cắm lá cờ mới lên tòa nhà này…”.

Sau gần 5 tháng cuối cùng được phép lưu hành kể từ ngày 30-4-1975, tờ bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa chính thức kết thúc “vòng đời” của mình. Nó đã tồn tại được 20 năm kể từ khi Chính phủ Pháp chuyển giao quyền độc lập cho Việt Nam và tờ bạc có chữ Ngân hàng Quốc gia đầu tiên được phát hành vào năm 1955.

Ngày 22-9-1975, gần 70.000 người đã được huy động bí mật từ lực lượng bộ đội, công an, cán bộ các ngành, sinh viên, viên chức ngân hàng… để phục vụ cho đợt đổi tiền đầu tiên. Cuộc đổi tiền lịch sử đổi từ đồng bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa cũ sang tiền Ngân hàng Việt Nam mới, hay còn gọi là tiền giải phóng ở miền Nam. Tỷ giá được ấn định 500 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới. Và 1 đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở miền Bắc bằng 0,66 đồng mới phát hành của miền Nam.

Các hình ảnh Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Văn Duyệt trên tờ tiền giấy thời Việt Nam Cộng Hòa, giờ ở chế độ mới, tất cả mệnh giá tiền giấy đều có hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Lịch sử đồng tiền thời Việt Nam Cộng Hòa chính thức sang trang từ ngày 22-9-1975. Và đồng bạc Ngân hàng Quốc gia của chính quyền Sài Gòn cũ, nếu ai còn giữ lại đã trở thành kỷ niệm…

_________________

Chú thích:

(*) Năm 1962, phát hành tiền 500 đồng màu xanh có hình chìm chân dung Tổng thống Ngô Đình Diệm, mặt trước là ảnh lớn Phủ Tổng thống, tức Phủ Toàn quyền của Pháp trước đây đã được sửa chữa lại, có chữ ký của người Tổng kiểm tra như cũ nhưng không còn chữ ký của Thủ quỹ Trung ương, mà thay bằng Giám đốc Sở phát hành; còn mặt sau in hình người nông dân cùng 2 con trâu đang kéo cày.

Riêng tiền đúc thì năm 1960 có phát hành 50 xu bằng nhôm và 1 đồng bằng nikel có hình ảnh đều giống nhau: mặt trước ghi quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa và chân dung Ngô Tổng thống, mặt sau ghi năm đúc, giá trị đồng tiền cùng hình ảnh cây trúc…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)