VNTB – Cần đẩy mạnh chiến lược thực phẩm an toàn

VNTB – Cần đẩy mạnh chiến lược thực phẩm an toàn

Nguyễn Đình Ngọc

 

(VNTB) – Việt Nam cần định hướng chiến lược phát triển thực phẩm an toàn.

 

Yên Lạc, huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua chứng kiến diện tích đất nông nghiệp đang bị biến đổi cả về thành phần, kết cấu và hàm lượng dinh dưỡng. Nguyên do từ sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón không đúng cách.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, năm 2017, Việt Nam chi tới 989 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng 36,4% so với năm 2016. Theo đó, nguồn nhập chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 52,6% tổng giá trị của mặt hàng này. Trong khi kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45 – 50%.

Là quốc gia láng giềng với Việt Nam, Trung Quốc trước đó cũng đối mặt với tình trạng tương tự.

Trong một nghiên cứu năm 2014, Bộ Bảo vệ Môi trường và Bộ Tài nguyên đất Trung Quốc cho thấy gần 20% đất trồng trọt của Trung Quốc đã bị ô nhiễm. Và như Việt Nam, theo dữ liệu Ngân hàng Thế giới năm 2016, nông dân Trung Quốc đã sử dụng gấp ba lần lượng phân bón hóa học trung bình quốc tế. Kiểm tra mẫu đất trên khắp Trung Quốc cho thấy nghiệm dương tính với các độc tố như Cadmium, Niken và Asen – có thể là kết quả của nhiều thập kỷ công nghiệp hóa và thực hành canh tác nặng về hóa học.

Nhưng trong những năm trở lại đây, chính phủ Trung Quốc thông qua Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch hạn chế phân bón hóa học để đảm bảo tăng trưởng sử dụng vào năm 2020. Xuất phát từ khi môi trường trở thành vấn đề đối với an ninh lương thực do suy giảm chất dinh dưỡng trong các loại đất nông nghiệp. Bên cạnh, phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật khác như thuốc trừ sâu hóa học được biết là có ảnh hưởng nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong cho sức khỏe con người.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng khoảng 200.000 người chết mỗi năm do ngộ độc thuốc trừ sâu, chủ yếu là công nhân nông trại hoặc gia đình sống gần các trang trại sử dụng thuốc trừ sâu. Phơi nhiễm độc mãn tính có liên quan đến ung thư, rối loạn nội tiết tố, dị tật bẩm sinh, vô sinh, ảnh hưởng thần kinh và cả bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson.

Việt Nam phải có chiến lược dài hơi trong bảo vệ đất nông nghiệp và sức khoẻ cộng đồng dựa trên tác động tiêu cực của việc sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật. Bao gồm một chính sách khuyến khích trồng cây hữu cơ, đặt mục tiêu phần trăm đất nông nghiệp hằng năm cho phục hồi do lạm dụng thuốc hoá học. Hỗ trợ người nông dân tiếp cận chuỗi cung ứng minh bạch, an toàn bền vững.

Trong động thái tích cực, vào cuối năm 2015, Vĩnh Phúc ban hành Nghị Quyết số 202 về chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020, hai trong số nhiều nội dung hỗ trợ gồm: hỗ trợ đầu tư vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình Vietgap, hỗ trơ trồng cây dược liệu và hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến nông sản.

Vĩnh Phúc cũng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn Vietgap, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 1.329 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, trong đó có 25 doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm và 1.304 cơ sở chế biến có quy mô nhỏ lẻ.

Một nông dân và là hội viên Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh, thu hoạch rau vào một ngày hạ mát mẻ tại xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Rau xanh tươi sẽ được làm sạch, đóng gói tối thiểu và được đưa vào xe tải đông lạnh để phân phối đến nơi người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho rau an toàn.

Sự gia tăng mức sống qua số lượng lớp dân trung lưu ngày một nhiều, nhận thức về các vấn đề sức khỏe đang gia tăng, và cùng với đó, nhu cầu khẩn thiết về sản phẩm hữu cơ tươi ngon, chất lượng cao càng lớn. Ở quy mô được thừa nhận, mọi người bắt đầu nói về sức khỏe của môi trường. Như một hệ quả, các sản phẩm thực phẩm an toàn đến từ hệ thống chăm sóc hữu cơ đã đảm bảo nguồn tài nguyên đất nông nghiệp không bị huỷ diệt.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)