Việt Nam Thời Báo

VNTB- ‘Để các thành phố của ta thêm phần đáng sống’: Suy tư cùng TS. Nguyễn Thanh Giang

Tôn Phi

(VNTB) – Cháu đã thức suốt đêm khi nhớ lại những suy tư của bác trong bài báo đăng ngày 25/6/2016 trên trang Việt Nam Thời Báo. Bài báo có tựa đề: Để các thành phố của ta thêm phần đáng sống.


Kính gửi tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang.

 

Xin cho phép gọi tiến sĩ là bác và xưng cháu, vì xét theo tuổi thì bác thuộc thế hệ cao niên mà cháu thì là thanh niên mới lớn. Cháu viết bài này không dám kỳ vọng đại diện cho cả một thế hệ trẻ của một đất nước, nhưng sự thực là rất nhiều bạn trẻ đã đau đáu và thổ lộ với cháu  mối quan tâm của họ đến môi trường, đến thiên nhiên và muông thú.


Cháu đã không ngủ được cho tới tận 2h sáng. Bác là người tiêu biểu của một thế hệ đi trước, ở tuổi xế chiều chắc chắn rằng câu hỏi xuyên suốt nhất một trí thức như bác là “tám mươi lăm năm qua tôi đã làm gì để thay đổi đất nước?”.

Cháu là một người bình thường, và mong muốn có thể có một cuộc sống bình thường như bao thanh niên ở thế giới tự do. Nhưng với nền tảng chính trị, tinh thần của Việt Nam hiện nay, điều đó là không thể. Thú thực, câu hỏi vang lên trong đầu cháu là “tôi sẽ đấu tranh cho đất nước, hay là lo vun vén cho bản thân ? Tôi sẽ là cánh chim cô đơn để chiến đấu cho một điều thiêng liêng, giữa một biển người do tuyên truyền mà thờ ơ với điều thiêng liêng đó, hay  tôi cũng hòa theo cái xấu để sinh tồn? ”. Hằng ngày, câu hỏi đó dằn vặt cháu. Cháu tưởng chỉ có một số thành phần thanh niên như cháu thôi. Nhưng vui thay, nhiều người bạn của cháu cũng đã phản tư như cháu. Tất cả đều đau khổ. Tất cả đều muốn quên đi.

Bác ạ, thế hệ của cháu là một thế hệ mệt mỏi, ý nghĩa cuộc sống mơ hồ, và còn nghiêm trọng hơn thế hệ thanh niên mệt mỏi của nước Nhật sau Thế chiến II nhiều lần.

Bác ạ, cũng như bác, lòng cháu buồn mênh mang khi trông thấy những thành phố của Việt Nam dần dần vỡ quy hoạch. Chính sách nông thôn mới cũng biến làng quê thành một thứ chẳng phải làng quê mà cũng chẳng phải thị trấn. Mọi thứ như một bản nhạc xô bồ hỗn loạn. Cây cối bị chặt trụi, nhường chỗ cho bê-tông cốt thép. Chim chóc không còn trông thấy nữa, vì cây cối ít không còn chỗ cho chúng làm tổ, ruộng đồng thì bị phá bỏ làm khu công nghiệp không còn nơi cho chúng bắt sâu.

Suy cho cùng thì đó là do dân tộc ta. Các thế hệ người dân Việt Nam gần đây dường như có một sự nghèo đói từ trong tiềm thức. Họ chỉ biết nghĩ cho mình và đang tâm nhìn môi trường bị tàn phá. Họ lo vun vén cho mình, và thế là những thành phố của người Việt Nam thấm đầy tội ác. Bằng chứng là môi trường Việt Nam bị ô nhiễm, hệ sinh thái đang kiệt quệ, muông thú rơi vào cảnh chết chóc. Thiên nhiên là thước đo không bao giờ sai cho đạo đức của một dân tộc.   

Một số người vẫn yêu chim và vẫn nuôi chim đó thôi. Họ yêu thiên nhiên nhưng lại nhốt thiên nhiên vào chuồng. Hạnh phúc của họ là như vậy đó. Họ mang nước sạch về cho con cá vàng trong bể cá cảnh nhà mình, họ thuê thầy giỏi dạy riêng cho con em mình… Họ không nghĩ tới rằng sự ích kỷ này tốt cho họ chỉ trong một vài chục năm nhưng về lâu dài sẽ giết dần giết mòn xã hội, trong đó có cháu chắt của họ. Chúng cháu không dám nói là mình đạo đức, nhưng những thanh niên sẵn sàng thay đổi như chúng cháu không thể chấp nhận được một mặt bằng đạo đức xã hội như vậy. Chúng cháu tìm kiếm những giải pháp.

Giải pháp của bác rất hay. Cháu xin được trích dẫn và bình luận về ba giải pháp đó theo quan điểm cá nhân:

1 – Cấm ngặt săn bắt chim muông ở các khu dân cư
 2 – Dạy trẻ em biết yêu chim, biết thưởng thức tiếng chim
 3 – Thành lập “Hội bảo vệ và phát triển chim muông ở các khu dân cư”. Hội này lập dự án “Bảo vệ và Phát triển chim muông ở các khu dân cư” trình Nhà nước phê duyệt. Kinh phí cho dự án không lớn nhưng cần có để: nghiên cứu các loài chim thích hợp, làm tổ và treo các giỏ thức ăn cho chim trên các cành cây trong công viên, dọc các đường phố …
Đối với giải pháp thứ nhất và giải pháp thứ hai, để thực hiện được thì nền triết học trong nhà trường phải thay đổi. Nếu định nghĩa “con người là động vật có ý thức” thì không thể bảo vệ thiên nhiên, vì người dân bị tuyên truyền rằng con vật không có ý thức và cứ thế tha hồ giết chóc muông thú. Cần phải định nghĩa lại, chẳng hạn như  “mọi con vật đều có ý thức nhưng chỉ có ý thức con người là có khả năng phản tư”. Với định nghĩa như thế này, bất kỳ ai cũng sợ sát sinh, bất kỳ đứa trẻ nào cũng ngại bắn chết một con chim vì vạn vật đều có ý thức. Định nghĩa trên do triết gia nổi tiếng Pháp Pierre Teihard De Chardin đề xuất, là niềm tự hào của giáo lý Thiên Chúa giáo. Nhà Phật cũng dạy rằng mọi vật đều có hồn, nên những đứa trẻ lớn lên trong môi trường Phật giáo không bao giờ giết hại một con chim. Đáng tiếc thay, từ một dân tộc mà ai cũng có tôn giáo thực thụ, bây giờ người Việt Nam chẳng mấy ai ghi trong chứng minh nhân dân rằng mình là người theo Phật giáo. Người dân không còn ý thức sâu sắc rằng chống lại thiên nhiên thì cũng là chống lại thần thánh. Ước gì ý thức hệ đang áp đặt lên dân tộc chúng ta không phải là ý thức hệ vô thần, như thế môi trường của chúng ta, thiên nhiên của chúng ta sẽ được gìn giữ. So sánh đâu xa, chỉ cần nhìn sang Thái Lan, nơi bãi biển Pataya mà những con chim bồ câu bay trắng buổi chiều hoàng hôn. Chim bồ câu ở Thái không sợ người bao giờ, vì chẳng ai bắt  chúng bao giờ. Hầu hết dân Thái đều theo đạo Phật một cách thuần thành, và chính trị không can thiệp vào tôn giáo. Cháu đã tới nơi này và thấy như vậy.
Giải pháp thứ ba, giải pháp lập hội bảo vệ chim mà bác đưa ra, cũng là rất đúng. Cũng có những con người âm thầm lặng lẽ bảo vệ động vật và chim muông, nhưng số này quá ít trong một xã hội đang rất cần những bàn chân lặng lẽ như vậy. Họ còn không được hợp lại với nhau, vì nếu hợp lại với nhau thì sẽ trở thành xã hội dân sự mà nhà nước này thì không thích như vậy. Cháu lại nói xa vấn đề, hãy giả sử hội đó được thành lập. Khi thành lập hội đó, thì chính phủ biết chịu trách nhiệm sẽ phải bớt  trích ngân khố quốc gia xây tượng đài để rót kinh phí hoạt động vài năm đầu cho hội, rồi sau  ba năm hội này phải tự nuôi được bản thân, cộng thêm với việc nhận hỗ trợ từ người dân và quốc tế nếu chứng tỏ được sự hiệu quả và thành tâm trong hoạt động. Để làm được điều đó, cũng cần một  nền chính trị minh bạch.
Nhìn đâu cũng thấy khó khăn như vậy, chúng ta còn có hy vọng nào chăng ? Dân tộc ta đang ở trong giai đoạn tăm tối nhất trong lịch sử, mà những người tốt và dũng cảm thì tản mác.
Nhưng bác ạ, sau khi đọc bài báo của bác, cháu đã biết mình phải chọn con đường nào.

Cháu sẽ hành động, để khi  cháu bước vào tuổi xế chiều được nghe thấy tiếng chim hót.

Cháu vẫn tin rằng hy vọng sẽ thành hiện thực vì niềm tin đó của cháu có “cơ sở”. Đó là do cháu một khổ thơ trong bài thơ Phố ta của nhà thơ- nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ:

Em chờ anh trước cổng
Con chim sẻ của anh
Con chim sẻ tóc xù
Con chim sẻ của phố ta
Đừng buồn nữa nhá
Bác thợ mộc nói sai rồi
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơi
Bác thợ mộc nói sai rồi.
Tôn Phi
TP.HCM, đêm ngày 27.06.2016

Tham khảo: Để các thành phố của ta thêm phần đáng sống- Nguyễn Thanh Giang

Tin bài liên quan:

Việt Nam: Hướng đi cho phát triển đô thị bền vững

Phan Thanh Hung

VNTB – Phóng viên Tôn Phi phản đối hành vi theo dõi công dân trái phép của an ninh Việt Nam

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Dân chủ từ Đông sang Tây và trở về Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.