VNTB – Đề xuất sửa Luật Công đoàn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam

VNTB – Đề xuất sửa Luật Công đoàn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Để cho người lao động thật sự có quyền thành lập các tổ chức độc lập với các công đoàn do Nhà nước kiểm soát, Việt Nam còn phải sửa đổi Luật Công đoàn.

 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan được giao chấp bút soạn thảo dự luật sửa đổi, bổ sung về Luật Công đoàn. Theo đó, cơ quan này lập luận: Do Hiến pháp năm 2013 được ban hành sau khi Luật Công đoàn được thông qua, nên có những nội dung của Luật Công đoàn chưa hoàn toàn tương thích với Hiến pháp.

Sau Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, hội nhập quốc tế trong xu thế Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… Bên cạnh đó, trong những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, cũng như tổ chức công đoàn như: Luật Việc làm (năm 2013), Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014), Luật Doanh nghiệp (năm 2014), Luật An toàn, vệ sinh lao động (năm 2015), Bộ luật Tố tụng dân sự (năm 2015)… Đặc biệt, Bộ luật Lao động vừa được Quốc hội thông qua tháng 11-2019, trong đó có nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, như ghi nhận địa vị pháp lý của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Vẫn theo nhìn nhận của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, thì Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Cụ thể là 4 nhóm quyền theo 8 Công ước cơ bản của ILO: (1) tự do hiệp hội và thúc đẩy quyền thương lượng tập thể theo Công ước số 87 và Công ước số 98; (2) xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc theo Công ước số 29 và Công ước số 105; (3) xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em theo Công ước số 138 và Công ước số 182; (4) xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong việc làm, nghề nghiệp theo Công ước số 100 và Công ước số 111.

Những cam kết trong các hiệp định thương mại tự do nêu trên, đã đặt ra yêu cầu rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt về quan hệ lao động và “nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động – công đoàn”.

Do vậy, Luật Công đoàn cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, cam kết của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới mà chúng ta tham gia và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, thể chế chính trị của Việt Nam.

 

Chờ Đảng tu chỉnh các quy định do Đảng này đặt ra

Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung nguyên tắc tổ chức hoạt động công đoàn tại Điều 6 theo hướng: Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thống nhất từ trung ương đến công đoàn cơ sở. Đồng thời bổ sung vào khoản 2, Điều 23 Bảo đảm về tổ chức, cán bộ như sau: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phân bổ cán bộ công đoàn chuyên trách trong toàn hệ thống trên cơ sở tổng số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao.

Đề xuất sửa đổi nêu trên làm thay đổi trực tiếp thẩm quyền của Tổng liên đoàn và các cơ quan khác của Đảng trong việc quản lý tổ chức, biên chế cán bộ công đoàn. Theo đó, sẽ chuyển thẩm quyền: quyết định tổ chức các bộ phận tham mưu, giúp việc của công đoàn cấp tỉnh từ cấp ủy địa phương sang Tổng Liên đoàn; phân bổ, quản lý biên chế cán bộ công đoàn từ Ban Tổ chức Trung ương (cấp trung ương), cấp ủy (cấp tỉnh, cấp huyện) như hiện nay sang Tổng Liên đoàn. Sự thay đổi này sẽ đảm bảo cho tổ chức công đoàn chủ động, linh hoạt trong việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ công đoàn hướng tới chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề của tổ chức công đoàn, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

Tuy nhiên, đề xuất thay đổi trên được nhìn nhận chưa phù hợp với các quy định hiện hành của Đảng như Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng, Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30-12-2019 của Ban Bí thư  về “chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban mặt trận tổ quốc, và tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.

“Về giải pháp khắc phục, Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn xin ý kiến Bộ Chính trị cho phép sửa; khi được Bộ Chính trị cho phép và Quốc hội thông qua, các quy định của Đảng có thể được sửa cho phù hợp với quy định của pháp luật. Việc sửa đổi nội dung này không làm thay đổi các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Đảng lãnh đạo công tác cán bộ” – trích tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)