VNTB – “Đi tu” là… đi đâu?

VNTB – “Đi tu” là… đi đâu?

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Đi tu cũng dễ bị đi tù 

 

Nếu chọn việc đi tu trong chùa, thì một người sau khi cạo tóc xuất gia thường được thầy tổ gửi vào các trường Phật học để học. Cứ như thế học hết trường này đến trường khác. Có người học xong các chương trình Phật học rồi thì theo học các trường bên ngoài.

Sau khi học xong, một số người trở thành giảng sư, một số đi dạy ở các trường Phật học, một số người thì tổ chức làm những việc khác như làm từ thiện, tổ chức phóng sinh, và một số thì hầu như… thất nghiệp, không có việc gì làm.

Tuy nhiên cũng có ý kiến, đi tu không có nghĩa là phải vào chùa, cạo bỏ râu tóc mà phải được hiểu rộng hơn. Đi tu là một quá trình khám phá tâm linh. Người ta học ứng dụng những lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày của mình: Tu là chuyển hóa bản thân, từ vô minh đến trí tuệ, là tìm kiếm, khám phá con đường đưa đến hạnh phúc và an lạc.

Cho nên ông bà mình có câu “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Tu là cõi phúc vì mình đang tìm đường vượt cõi phiền não, khổ đau đến cõi phúc lạc, tự tại.

Một số chùa đã có hình thức “tu thử” qua việc tổ chức các khóa tu, chương trình tu học Phật pháp ngắn hạn trong vài tiếng, một buổi trong ngày, hoặc cả ngày hay vài ngày nhằm giúp cho người cư sĩ tại gia được tu tập giáo lý Phật đà để nuôi dưỡng đời sống nội tâm, rèn luyện đạo đức, thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực.

Có chùa chọn “đi tu thử” trong một tuần lễ bảy ngày với tư cách là một người xuất sĩ đầu tròn áo vuông thực sự. Sau khi tu thử xong, nếu cảm thấy yêu thích nếp sống phạm hạnh, giúp mình lẫn cứu đời theo lời Phật dạy thì người tu thử sẽ phát nguyện chuyển sang “tu thiệt” đến trọn kiếp người; còn nếu như không thì về lại với đời sống gia đình, làm người tại gia nhưng vẫn tu học và hộ trì Phật pháp.

Trước 1975 ở miền Nam Việt Nam có khái niệm “đi tu để trốn lính”, hay “làm thầy chùa để trốn quân dịch”.

Nếu chọn chùa không gia nhập tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì tuy pháp luật chưa có điều luật nào cấm đoán, song dễ bị nhà chức trách “để ý” dò xét với đương sự đó.

Còn nếu cá nhân đi tu ấy tự thân thành lập các hội tu hành khi mà Việt Nam vẫn chưa có Luật về quyền lập hội, thì lại là điều cấm, thậm chí có thể đứng trước các cáo buộc vi phạm tội hình sự như nhóm nhà tu hành của Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.

Giải thích lý do đi tu nhưng không muốn gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có ý kiến rằng vì khi gia nhập là phải chịu mất mát quyền sở hữu tài sản đối với điểm tu – tạm gọi là nơi “cải gia thành tự” đó.

Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói rằng chùa chiền, cơ sở tôn giáo là tài sản của giáo hội, và căn cứ theo nội quy Ban Tăng sự trung ương thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới có quyền định đoạt tài sản thuộc các cơ sở tự viện.

Nội quy Ban Tăng sự trung ương cũng quy định là sau khi bổ nhiệm trụ trì thì tất cả tài sản thuộc về cơ sở tự viện, tức thuộc tăng. Và đến khi vị tỳ kheo đó mất đi, ngay cả cái được coi là tài sản trên mình là tấm áo cà sa cũng phải chuyển lại cho tăng, không có sự thừa kế ở đây mà do tăng đoàn quyết định.

Xem ra đi tu ở Việt Nam là đi đâu, phải làm gì… quả không dễ có câu trả lời thỏa đáng cho quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)