Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dịch chó dại bùng phát mùa nắng nóng ở Đồng Nai

Hùng – Sơn

 

(VNTB) – Theo Bộ Y tế, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã có 70 ngàn lượt người bị chó, mèo cắn và có đến 18 ca tử vong nghi do bệnh dại

 

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC) cho biết, vừa ghi nhận 2 trường hợp bị chó dại vô chủ cắn trên địa bàn ấp 3, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch. Đây cũng là ổ dịch dại thứ 2 trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay. Theo kết quả điều tra dịch tễ của CDC Đồng Nai, 2 người bị chó dại cắn vào ngày 19-2. Cụ thể, bà V.T.K.L (50 tuổi) bị chó dại cắn 1 vết vùng cẳng chân trái, vết thương nông, có chảy máu ít. Bệnh nhân đã tiêm 1 mũi vắc-xin phòng dại và một mũi huyết thanh kháng dại. Trường hợp thứ 2 là bé N.H.P (3 tuổi) bị chó dại cắn nhiều vết, vùng gót chân trái chảy máu nhiều. Bé được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng dại và 1 mũi huyết thanh kháng dại tại bệnh viện Nhiệt đới.

Ngành y tế giải thích, kháng thể có trong huyết thanh có tác dụng trung hòa và làm chậm sự lan tỏa virus dại, làm cho các tính chất gây bệnh và gây nhiễm sẽ bị ức chế, nhờ đó bảo vệ được người bệnh cho tới khi các kháng thể kháng dại được sản sinh sau khi tiêm vắc-xin.

Những tháng qua, mỗi ngày CDC Đồng Nai tiếp nhận từ 60 – 80 người đến tiêm phòng bệnh dại do bị chó cắn. Trong số này, nhiều người đã vô tình bị chó cắn khi đang đi trên đường, đi làm hoặc đi tập thể dục ngang qua nhà bị chó lao ra cắn. Trong số những người bị chó cắn, có không ít ca được xác định là có mầm bệnh dại, trường hợp 4 người ở ấp Bình Lâm (xã Lộc An, huyện Long Thành) bị chó dại của nhà hàng xóm cắn, hoặc trường hợp 2 cháu bé (ở phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) đã bị chó nhà nuôi cắn và được gia đình đưa đi tiêm phòng. Hai ngày sau, con vật có biểu hiện bỏ ăn, sợ ánh sáng, cắn xé rất dữ tợn và ngày thứ ba thì chết. Cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và kết quả cho thấy con chó này dương tính với virus bệnh dại.

Ghi nhận diễn biến dịch chó dại ở Đồng Nai chi thấy đã tăng gần như suốt thời gian qua, với việc trong năm 2023 toàn tỉnh có đến 20 ổ dịch dại trên chó tại 7 huyện, thành phố; trong đó có những xã ghi nhận 2 – 3 ổ, như xã Túc Trưng (huyện Định Quán) có 3 ổ; xã Sông Trầu (Trảng Bom) có 2 ổ; đặc biệt có những ổ dịch, chó dại đã cắn 2 – 3 người như tại phường Trảng Dài (thành phố Biên Hoà).

Theo lý giải của CDC Đồng Nai, nguyên nhân bắt nguồn từ người nuôi chó, mèo còn rất chủ quan, chưa chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Chó, mèo đa phần là thả rông, người dân dắt chó đi dạo cũng không rọ mõm. Khi một con bị chó dại cắn sẽ lây lan nhanh mầm bệnh dại trong cộng đồng. Thế nhưng việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người nuôi chó, mèo không chấp hành các quy định về quản lý chó, mèo và tiêm phòng vắc-xin dại cho vật nuôi vẫn chưa triển khai thực hiện ở tỉnh này.

Ngoài ra theo nhận xét của Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, thì vai trò của nhân viên thú y đối với dịch bệnh từ động vật, vật nuôi ở hiện tại với vị trí của nhân viên thú y cấp xã lại không được xem là công chức xã nên không được hưởng các chế độ phụ cấp dành cho công chức, mà chỉ có phụ cấp nghề. Do đó, nhiều người không mặn mà làm nhân viên thú y cơ sở.

Đơn cử như ở thành phố Biên Hòa là trung tâm của tỉnh Đồng Nai, địa bàn rộng, dân cư đông với 30 phường, xã. Thế nhưng theo con số được Trạm trưởng Trạm Thú y Biên Hòa Nguyễn Công Thành cho biết, chủ trương chỉ cho 10 nhân viên thú y, đến nay mới tuyển được 7 người. Hiện mỗi người phải “gánh” công tác thú y cho 3 phường, phụ cấp chỉ được 2,8 triệu đồng/tháng. Trong khi đang thiếu người, nhưng lại không nhận bác sĩ thú y đã nghỉ hưu, dẫn đến khó khăn trong công tác phòng, chống dịch dại trên địa bàn.

“Nhân viên thú y không chỉ vất vả mà trong công tác còn dễ bị lây nhiễm các bệnh từ động vật hoặc bị chó dại cắn… nhưng vẫn không được xem là tai nạn nghề nghiệp. Những trường hợp nhân viên thú y bị chó cắn, trạm phải đề xuất Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai cấp tiền để anh em tiêm vắc-xin ngừa bệnh dại” – ông Thành cho hay.

Tiếp lời, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho hay hiện nhân viên thú y cấp xã chỉ được hưởng phụ cấp bằng 1,14 lần mức lương cơ bản/tháng. Thu nhập này rất thấp so với mặt bằng kinh tế chung hiện nay nên không khuyến khích được đội ngũ bác sĩ thú y tích cực tham gia hệ thống mạng lưới thú y xã. Ngay cả phụ cấp độc hại 447 ngàn đồng/tháng cũng chỉ có kiểm dịch viên, kiểm soát viên mới được hưởng. Trong khi đó, đội ngũ nhân viên thú y cơ sở phần lớn làm việc ngoài giờ, đi tác nghiệp bị chó cắn, bò đá, trâu húc là không hiếm gặp. Thậm chí phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ động vật sang người như: bệnh tả lợn, cúm gia cầm…

 


Tin bài liên quan:

VNTB – Lợi ích nhóm y tế?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Khai thác bauxite khiến nguồn nước bị ô nhiễm

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Đồng loạt kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo