VNTB – Điều lo sợ nhất về dịch Covid-19 đang xảy ra ở Hà Nội

VNTB – Điều lo sợ nhất về dịch Covid-19 đang xảy ra ở Hà Nội

Mỹ Thuận

 

(VNTB) – Hôm 07/05/2021, tin tức nói Covid đã có mặt tại Bệnh viện K chuyên chữa ung thư ở Hà Nội. Người ta đang lo đòn đánh kép lên bệnh nhân.

 

Lo vì người bệnh ung thư thể trạng vốn đã yếu, lại trải qua quá trình điều trị chịu nhiều loại thuốc vốn gây nhiều tác dụng phụ (trong đó phổ biến là gây suy nhược cơ thể), thì đòn đánh kép của Covid cùng với ung thư sẽ gây ra hậu quả không lường nổi.

Trong đợt bùng dịch lần thứ tư này ở Việt Nam, thật đáng lo khi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xuất hiện các chùm ca bệnh lây chéo trong bệnh viện. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vốn được coi là ‘thành trì’ của ngành y tế ở khu vực phía Bắc, nơi tiếp nhận điều trị các bệnh nhân Covid-19 và đặc biệt điều trị các bệnh nhân nặng, cũng đã ‘bị thủng’.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng lây chéo bệnh Covid-19 trong môi trường bệnh viện. Trước đó, việc lây nhiễm chéo đã từng xảy ra tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai (3/2020), Bệnh viện Đà Nẵng (7/2020).

Chỉ trong tuần đầu tháng 5 đã có nhiều bệnh viện tạm thời phong tỏa hoàn toàn hoặc không tiếp nhận bệnh nhân mới để đảm bảo phòng chống dịch.

Ở Hà Nội có các bệnh viện: Bệnh viện K tạm thời phong toả 3 cơ sở từ 5g30 sáng 7/5. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đưa ra yêu cầu toàn bộ nhân viên, học viên, bệnh nhân và người nhà đang chăm sóc bệnh đều phải thực hiện cách ly bắt buộc tại bệnh viện từ ngày 5/5/2021 đến khi có thông báo mới.

Bệnh viện Quân y 105 vào sáng ngày 6/5/2021 ra ‘quân lệnh’ cán bộ nhân viên bệnh viện, bệnh nhân, người nhà đang ở viện không được ra ngoài, cách ly tại chỗ. Tất cả bệnh nhân đều được xét nghiệm sàng lọc Sars-CoV-2.

Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quỳnh Lập, Nghệ An tạm thời không nhận bệnh nhân mới từ 6/5. Cũng trong ngày 6/5 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình – nơi có liên quan đến bệnh nhân dương tính với Sars-CoV-2 đã thực hiện phong tỏa, đồng thời siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Ngày 6/5, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo thực hiện phong tỏa toàn bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, và yêu cầu Sở Y tế tiến hành tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên diện rộng; thường xuyên kiểm tra và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Trước đó, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thiết lập vùng cách ly y tế toàn bộ Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên từ 0g ngày 3/5 đến hết ngày 16/5, để phòng chống dịch Covid-19.

Bệnh viện Quân y 7A cấm trại 100% quân số tại bệnh viện từ 16 giờ ngày 5/5/2021 cho đến khi có thông báo mới; triển khai truy vết F1, F2, F3; lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp F1 trong đêm 5/5, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên của bệnh viện; quản lý bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đảm bảo phân luồng cách ly điều trị.

Bác sĩ Phan Xuân Trung làm việc tại Medic Hòa Hảo, đặt vấn đề: “Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương là đại bản doanh chống Covid, có các chuyên gia chống dịch hàng đầu và đề ra quy trình chống lây nhiễm làm chuẩn mực cho các nơi khác.

Với vị thế đó hẳn là sẽ rất nghiêm nhặt trong mọi mặt phòng chống như 5K, khai báo, khẩu trang, khoảng cách… Thế nhưng bây giờ chính nơi này lại là nơi siêu lây nhiễm, còn hơn cả Bệnh viện Đà Nẵng trong đợt 2. Lý giải thế nào và học được điều gì từ sự kiện này?

5K không đủ tạo thành rào cản ngăn lây virus. Bởi, trước hết, khẩu trang không ngăn được virus. Đây là điều chắc chắn bởi vì khẩu trang không phải màng lọc virus và người ta hít thở không khí lọt qua khe mũi. Còn thở là còn nguy cơ lây nhiễm. Hỏi lại xem các ca dương tính mới đây ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có ca nào không đeo khẩu trang?.

Thứ hai, khai báo không giúp phòng dịch bởi việc khai thật hay khai dối là tuỳ… ý thích. Chủ quan với việc khai báo, dán nhãn… như ca 2 mẹ con từ Campuchia nhập viện Từ Dũ cả tuần lễ, là mang hoạ.

Thứ ba, khoảng cách? Hơi bị khó. Người nhà chăm bệnh hay bác sĩ khám bệnh thì giữ khoảng cách kiểu gì?

Thứ tư, không tụ tập. Làm sao kiểm soát được? Người ta vẫn phải xếp hàng đóng viện phí hay chờ lãnh thuốc. Đi ngang qua nhau vô tình thì giữ khoảng cách làm sao?

Thứ năm, khử khuẩn. Nghe có lý. Ai đó mách cho tôi xem khử Covid bay trong không khí bằng cách nào? Làm sao biết chỗ nào sạch, chỗ nào dơ? Tôi không nghĩ rằng những chiếc xe đặc chủng phun hoá chất lại có thể làm sạch Covid.

Tất nhiên mỗi chữ K đóng góp một phần vào chống lây lan. Thực tế Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương áp dụng 5K nghiêm nhặt nhất nhưng vẫn cứ lây. Có thể người ta sẽ giải thích rằng đây là biến thể mới, khả năng lây cao hơn. Chờ thêm bằng chứng.

Tôi không phản bác 5K nhưng tôi quan tâm đến yếu tố môi trường. Qua quan sát các đợt dịch trong nước, hầu hết các ca lây xảy ra trong không gian kín: quán bar, karaoke, khoang máy bay, nhà trọ tập thể, buồng bệnh… Rõ ràng Covid ưa không gian kín. Một người hút thuốc lá trong phòng kín sẽ gây nồng hơn người hút thuốc lá ngoài hiên gió…”.

Tạm kết bài viết ghi nhận này bằng một thông tin rất đáng lo ngại cho những chính khách cấp cao nhất đang sống ở Hà Nội: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã trở thành ổ dịch cộng đồng lớn nhất trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam (kể từ 27/4) với tốc độ lây lan rất nhanh; và đáng nói là hiện vẫn chưa rõ nguồn lây bệnh của ổ dịch này.

Trung bình, mỗi ngày có thêm trên 30 ca bệnh Covid từ ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)