Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đình bản báo chí ngay dịp Tết: đập cả mâm cơm ngày Xuân…

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Ngày 16/1, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành các văn bản đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam chỉ đạo báo Nhân đạo và Đời sống, Thời báo Kinh tế Việt Nam dừng hoạt động xuất bản báo để tiến hành sắp xếp, thực hiện quy hoạch báo chí. Quyết định này được giới báo chí ở Sài Gòn cho rằng đã đập cả mâm cơm ngày Tết sắp đến của người làm báo.

Thông báo còn ra thời hạn là đến 16g ngày 16/1, nếu các tổ chức hội và các cơ quan báo chí trực thuộc nêu trên không thực hiện ý kiến của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT sẽ dừng hoạt động tên miền của báo.

Tuy nhiên theo ghi nhận đến 0g đêm về sáng 19/1 (tức hai mươi lăm Tết) tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam, phiên bản điện tử vẫn hoạt động với các tin tức được cập nhật – http://vneconomy.vn/

Việc ‘dừng hoạt động xuất bản báo’ mà Bộ TT&TT đã đưa ra ngay trước ngày ‘đưa ông Táo’ 23 tháng Chạp đối với báo Nhân đạo và Đời sống, Thời báo Kinh tế Việt Nam, được căn cứ vào Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành ngày 3/4/2019 (toàn văn nội dung tại https://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/138822/Toan-van-Quy-hoach-phat-trien-va-quan-ly-bao-chi-toan-quoc-den-nam-2025.html).

Có thể tóm tắt việc quy hoạch báo chí theo Quyết định 362/QĐ-TTg, ngày 3/4/2019 như sau: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh. Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Hà Nội và TP.HCM đến hết năm 2020 tối đa được có 05 cơ quan báo in, không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo. Đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch là chỉ còn 01 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ thành phố.

Mỗi tổ chức chính trị – xã hội trung ương có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 01 cơ quan báo in trực thuộc và một số tạp chí của các hội thành viên. Hội Nhà báo Việt Nam, hội Nhà văn Việt Nam có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in. Mỗi tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 01 cơ quan tạp chí in. Yêu cầu đến hết năm 2019, các tổ chức ở trung ương cơ bản hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Đến hết năm 2020, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tối đa được có 03 cơ quan báo in, đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Năm 2020 hoàn thành sắp xếp các đài truyền hình, phát thanh. Đối với hệ thống phát thanh, truyền hình sẽ bao gồm Đài truyền hình VN, Đài Tiếng nói VN bao gồm Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC. Các đơn vị hoạt động truyền hình của bộ, ngành gồm trung tâm truyền hình Thông tấn, cục Truyền thông Công an nhân dân, trung tâm Phát thanh, truyền hình Quân đội; báo Nhân dân; và Truyền hình Quốc hội Việt Nam; Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 đài phát thanh và truyền hình. Mỗi đài chỉ có 01 kênh phát thanh, 01 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Riêng thành phố Hồ Chí Minh có 01 đài phát thanh, 01 đài truyền hình, có cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức và phạm vi thông tin, mỗi đài có tối đa 02 kênh phát thanh, 02 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Đến hết năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình trên cả nước hoàn thành việc sắp xếp theo phương án này.

Với nội dung như trên, thì trong năm 2020 này, Hà Nội và TP.HCM, mỗi nơi chỉ được tối đa 5 tòa soạn báo in. Hiện tại, TP.HCM có các tờ báo in với chủ quản thuộc quyền quản lý hành chính của TP.HCM: Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Khăn Quàng Đỏ, Phụ nữ, Pháp luật, Khoa học phổ thông, Công an, Thể thao TP.HCM. Cả 10 tờ báo này đều có những thế mạnh riêng mang tính đặc thù, nay vì lý do ‘quy hoạch’ để phải đóng cửa ít nhất 5 tòa soạn, là đều gần như duy ý chí và mang tính mệnh lệnh hành chính.

“Thế giới họ không dùng chữ chính xác, không chính xác, vì có nhiều vấn đề đã có kết quả đâu? Họ gọi là độ tin cậy của thông tin. Tờ báo nào giữ được độ tin cậy cao thì tờ báo đó giữ được độc giả. Nếu độ tin cậy không cao, sẽ làm ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt, đầu tư, kinh doanh,… của bạn đọc, người dân. Khi ấy, tất yếu tờ báo sẽ sút giảm lượng phát hành, và nếu cứ cái đà đó mà không chấn chỉnh thì không bao lâu cũng phải tự đình bản.

Tôi cho rằng việc đình bản báo chí với lý do quy hoạch như chính phủ đưa ra theo hướng hạn chế đầu báo, hạn chế các tòa soạn báo độc lập… là hành vi đi ngược lại bối cảnh chung toàn cầu đang ngày đòi hỏi sự minh bạch của thông tin; đặc biệt là các tin tức từ những hoạt động của chính phủ.

Tôi ngờ rằng trong giai đoạn này nhà nước muốn hạn chế tin tức gấu ó nhau ở thời kỳ chuẩn bị bước vào bầu chọn nhiệm kỳ mới của Đảng, nên họ mới đưa ra những quyết sách hạn chế quyền tự do báo chí kiểu ‘dừng hoạt động xuất bản báo để tiến hành sắp xếp, thực hiện quy hoạch báo chí’ – mà cần gọi đúng ở đây là việc đình bản, đóng cửa tòa soạn. Nên nhớ chỉ còn vài hôm nữa là Tết, việc đình bản này coi như đập cả mâm cơm của những gia đình có người làm trong ngành báo chí”. Một cựu trưởng ban Chính trị của Thời báo Kinh tế Việt Nam, chia sẻ bức xúc.

Tin bài liên quan:

VNTB – Khuyến khích người lao động Việt Nam ‘đi luôn đừng về’

Phan Thanh Hung

VNTB – Quốc tế có được quyền lên tiếng về vụ bắt bớ nhà báo Phạm Chí Dũng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo