Minh Quân
(VNTB) – Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đầy hãnh diện có đến 900 ngàn tỷ đồng nợ xấu, chiếm ít nhất 15% tổng dư nợ cho vay vào khoảng thời gian này.
Kết thúc nửa đầu năm 2017, bất chợt rộ lên những thông tin không thể bỏ qua về hàng loạt ngân hàng nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam.
Gần nhất là sự kiện Ngân hàng CommonWealth Bank of Australia (CBA) chuyển giao toàn bộ hoạt động kinh doanh của chi nhánh tại Tp.HCM cho ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB).
Hơn hai tháng trước đó, thị trường đã đón nhận sự kiện ngân hàng ANZ Việt Nam ra thông cáo cho biết đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho ngân hàng Shinhan Việt Nam.
Cùng với trường hợp CBA, và gần đây là HSBC thoái vốn tại Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), một số bình luận đặt ra xu hướng ngân hàng nước ngoài đang bắt đầu thoái vốn tại Việt Nam, kèm đó là đánh giá sự chia tay với một thị trường đã kém hấp dẫn và tính minh bạch chưa cao…
Nhưng cũng có bình luận rằng hiện tượng trên chỉ là những trường hợp cục bộ và có tính đặc thù của từng ngân hàng.
Cho tới nay, hiện tượng ngân hàng ngoại rút vốn hỏi Việt Nam vẫn là một dấu hỏi chưa có lời giải, do đó vẫn chưa có cơ sở để kết luận về hiện tượng này là có tính xu hướng hay chỉ mang tính cục bộ, đặc thù.
Tuy nhiên, rất cần chú ý là hiện tượng trên lại xuất hiện trong bối cảnh thị trường tín dụng ở Việt Nam đang nổi lên hai vấn nạn – mà nếu không cẩn thận thì có thể trở thành quốc nạn: bế tắc nợ xấu và “phá sản ngân hàng”.
Hiện thời, số báo cáo chính thức cho biết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã lên đến 600 ngàn tỷ đồng. Cả một kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2017 đã chỉ có thể “ra nghị quyết”, nhưng về thực chất không xử lý được một đồng nợ xấu nào.
Nhưng đó là chưa kể 300 ngàn tỷ đồng nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã “xử lý” – mà thực chất chỉ là hành động mua trên giấy, còn số nợ xấu này vẫn y nguyên.
Cộng cả hai khoản nợ xấu trên, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đầy hãnh diện có đến 900 ngàn tỷ đồng nợ xấu, chiếm ít nhất 15% tổng dư nợ cho vay vào khoảng thời gian này.
Với tình trạng nợ xấu vô phương cứu chữa như thế, rõ ràng hơn bao giờ hết, trong tổng số hơn 30 ngân hàng thương mại đang tồn tại hiện thời, chắc chắn có ít nhất 30% có thể phải “đội nón ra đi”, trước khi kế hoạch “tái cơ cấu ngân hàng” đạt mục tiêu giảm phân nửa số tổ chức tín dụng hiện có.
Cuối năm 2016, Chính phủ Việt Nam bắt đầu lộ rõ ý “thí điểm phá sản ngân hàng”, để đến giữa năm 2017 thì ý này có thể đã được Chính phủ chính thức thông qua với một lộ trình cụ thể.
Tháng 6/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo quyết định này, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi là 75 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2017.
Bảo hiểm tiền gửi lại là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Những dấu hiệu trên cho thấy “đảng và nhà nước ta” không còn sức để trì níu những ngân hàng thương mại làm ăn bết bát và ngập ngụa nợ xấu.
Không thể loại trừ bất ổn về nợ xấu và ngân hàng ở Việt Nam là một nguyên do, thậm chí là nguyên do chính, khiến dẫn đến xu hướng một số ngân hàng nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam. Xu hướng này còn có thể gia tăng trong thời gian tới chứ không còn mang tính “cục bộ” hay “đặc thù” như một số trấn an của các cơ quan nhà nước.