Đông Đô
(VNTB) – Đỗ Hữu Ca một mực phủ nhận cáo buộc nhận tiền hứa “chạy án”, mà chỉ có mục đích “cứu người em” bằng cách giúp khắc phục hậu quả.
Khi được hỏi về việc đưa tiền cho bị cáo Đỗ Hữu Ca, bị cáo Đước khẳng định đó là tiền để chạy tội. Tuy nhiên, trình bày tại trước tòa, “ông trùm hóa đơn” không nhớ nổi quá trình như nào. Ông Đước cũng khai tại tòa và khẳng định cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh là chính xác. “Việc đưa tiền cho ông Ca để chạy tội là rõ như ban ngày, không tự nhiên tôi cứ cầm tiền đến mà không có việc gì thì chắc đó là điên. Nếu anh Ca không nhận, chỉ cần nói chân tình với tôi, đưa tôi ra pháp luật thì tôi không phải nhận thêm tội đưa hối lộ như này”, bị cáo Đước khai tại tòa.
Theo cáo trạng, vợ chồng bị can Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh ở Hải Phòng đã thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn nhằm kiếm lời bất chính. Kết quả điều tra xác định số lượng hóa đơn Đước và Ngọc Anh mua bán trái phép là hơn 15.600 hóa đơn, thu lời bất chính hơn 41 tỷ đồng.
Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đưa hối lộ cho Nguyễn Đình Đương, Chi cục trưởng và Đỗ Thanh Hoài, cán bộ Chi cục Thuế huyện Cát Hải (Hải Phòng) 362 triệu đồng, để được tạo điều kiện thành lập các công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.
Trong khoảng thời gian tháng 10 đến 12-2022, Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đưa cho ông Đỗ Hữu Ca 35 tỷ đồng để nhờ chạy tội. Cáo trạng kết luận, ông Đỗ Hữu Ca mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước thoát việc bị xử lý tội Mua bán hóa đơn trái phép, nhưng đã gian dối, hứa hẹn giúp được.
Trong đơn gửi đến tòa của Công an thành phố Hải Phòng có nội dung: “Ông Đỗ Hữu Ca là người đã trưởng thành và phát triển trong ngành Công an thành phố Hải Phòng. Trong thời gian còn làm việc, ông là người có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, lãnh đạo, chỉ đạo, có ý thức rèn luyện cấp dưới, được cán bộ, chiến sỹ quý mến. Trong giai đoạn ông làm Giám đốc Công an, đơn vị Công an thành phố Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tích như: Triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự… được nhân dân yêu quý và tin tưởng”.
Công an Hải Phòng liệt kê 5 huân chương, 3 huy chương và 1 số bằng khen của bị cáo Đỗ Hữu Ca tới cơ quan xét xử tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, Công an Hải Phòng đề nghị tòa “xem xét giảm trách nhiệm hình sự đối với ông Ca”.
Theo Công an Hải Phòng, ông Đỗ Hữu Ca đã tự nguyện nộp lại 35 tỷ đồng nhận từ vợ chồng bị cáo Đước.
Phía Ủy ban Mặt trận tổ quốc (UBMTTQ) huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) có đơn nêu nội dung: Ông Ca là người con của quê hương xã Kênh Giang, xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, là cán bộ công an giỏi, là nỗi khiếp sợ của tội phạm. Ông Ca đã có trách nhiệm, tình cảm với địa phương và có nhiều đóng góp khác cho huyện Thuỷ Nguyên.
“Từ những đóng góp, cống hiến của ông Đỗ Hữu Ca với sự phát triển chung của huyện…, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Ban thường vụ UBMTTQ huyện Thuỷ Nguyên kính đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xem xét, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với ông Đỗ Hữu Ca”, đơn của UBMTTQ huyện Thuỷ nguyên nêu.
Tại tòa, bị cáo Đỗ Hữu Ca cho rằng từ xưa bị cáo không quan tâm nhiều đến việc làm ăn của Đước. Đến khi vợ Đước là Nguyễn Thị Ngọc Anh tới nhà ông Ca cầu cứu thì rất lo lắng và suy nghĩ rằng phải cố gắng cứu Đước. Thời điểm này, ông Ca coi Đước như em ruột trong nhà.
“Tôi muốn cứu Đước trên cơ sở quy định của pháp luật, nguyên tắc đã xâm phạm tiền của Nhà nước thì phải hoàn trả lại và bồi hoàn thiệt hại để nhận sự khoan hồng của pháp luật. Tôi không chấp nhận việc Đước đem tiền đi chạy tội. Tuy nhiên lúc đó tôi không hiểu tội của Đước như nào và rất mong được gặp Đước nhưng không được”, ông Ca khai.
“Tôi không hề nói với Ngọc Anh là đem 20 tỷ để chạy tội cho Đước, và tôi cũng không nói mang số tiền đó tới nhà tôi. Đây là một sự hiểu nhầm và ngộ nhận rất lớn từ phía Ngọc Anh”, ông Ca nói. Và sau khi 4 lần nhận tiền từ vợ chồng Đước, ông Ca để tất cả các túi tiền vào chân giường ngủ của mình mà không hề kiểm đếm.
Khi được đối chất với cựu Giám đốc Công an về số tiền này, Trương Xuân Đước cho rằng việc đưa tiền cho ông Ca để chạy tội là “rõ như ban ngày”. “Tự dưng tôi cứ cầm tiền đến mà không có việc gì thì chắc đó là điên. Đấy là biện luận của anh Ca, vô cùng phi lý. Anh dám làm không dám nhận. Nếu anh Ca không nhận, chỉ cần anh Ca nói chân tình với tôi, đưa tôi ra pháp luật thì án của tôi chỉ từ 1-5 năm thôi, chứ giờ tôi không phải đứng đây để nhận thêm cái tội đưa hối lộ như này. Tôi buồn lắm…” – Trương Xuân Đước nói.
Về phần Ngọc Anh, khi được đối chất về số tiền 35 tỷ, bị cáo này cho biết khi đến nhà bị cáo Ca có nói rõ đây là tiền chạy án. Mọi việc y như lời bị cáo đã khai trong quá trình điều tra, thể hiện rõ ở cáo trạng.
Phần xét hỏi đi vào thế trái chiều khi một bên khẳng định đây là số tiền chạy án, một bên khẳng định không rõ mục đích số tiền này.
Phiên tòa vẫn đang tiếp diễn.