Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đoàn Thị Hương: chủ nghĩa dân tộc hay trách nhiệm Chính phủ

Anh Văn (VNTB) Đoàn Thị Hương, nghi phạm người Việt trong vụ ám sát anh trai lãnh tụ Triều Tiên – Kim Jong Un có khả năng đối diện với án tử hình (treo cổ) tại Malaysia, chiếu theo điều luật nước này. Mọi chuyện trở nên nóng khi Indonesia thuê luật sư để cãi cho một nghi phạm có quốc tịch nước này…
Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi?


Nhiều người lên tiếng ủng hộ sự bị động của Chính phủ Việt Nam đối với trường hợp Đoàn Thị Hương, vì cho đó là một nghi phạm gây ra vụ ám sát.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, sự cảm thán của người Việt đối với Hương chỉ là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trỗi dậy. Nhiều chia sẻ về việc dân Úc đòi Singapore trả 1 công dân Úc về nước để chính quyền nước này xử (dù bị quy tội là buôn má túy) với hàm ý “phải quan tâm tới đồng bào hơn”. Điều này, là không sai tuy nhiên, sẽ tốt hơn là ủng hộ tiền cho bố mẹ nghi phạm qua thăm con hay tiền thuê luật sư.


Bên cạnh đó, không ít ý kiến phản đối sự can thiệp của Chính phủ đối với trường hợp này, vì cho rằng đó là sự tuân thủ pháp lý địa phương. Thậm chí, có trường hợp cực đoan hơn là phản đối sử dụng tiền thuế để biện hộ cho một trường hợp phạm tội ở nước ngoài. Điều này không phải là “cưu mang nòi giống”, mà chính là sự tiếp tay cho các trường hợp phạm tội ở nước ngoài.

Blogger Tran Nguey giả định: “Nếu bạn thuê luật sư cho Đoàn Thị Hương, muốn chính phủ cứu cô ta. Thì bạn có thể ra nước ngoài, cướp ngân hàng và giết người, sau đó chờ Chính phủ cứu.”.

Người dùng Facebook Phạm Việt‎ chia sẻ trong nhóm Bàn Luận về Kinh Tế – Chính Trị trên facebook đã bày tỏ quan điểm, rằng, nếu vụ án xảy ra ở Việt Nam thì không bao giờ có tốc độ Tên lửa như vậy, chí ít cũng phải vài tháng… Việc Chính phủ Việt Nam có yêu cầu Liên đoàn Luật sư Việt Nam cử Luật sư tham gia thì cũng không thể kịp vì chỉ riêng thời gian chuyển công văn cũng chưa đủ. Mặt khác, mỗi quốc gia có chính sách hình sự khác nhau cũng như các quy định cụ thể về tội danh và hình phạt. Như vậy, nếu Luật sư Việt Nam tham gia vụ án thì phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu Luật Hình sự của Malaixia… Thế nên, việc Tòa án Malaixia đã cử Luật sư người bản địa bào chữa cho Bị cáo Đoàn Thị Hương tại Tòa án, theo Phạm Việt “sẽ tốt cho Bị cáo vì chỉ Luật sư sở tại mới hiểu luật pháp của nước họ.” 

Trách nhiệm chính phủ

Việc Indonesia thuê luật sư để cãi cho công dân (và là nghi phạm vụ ám sát) đã làm dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam trong bảo vệ công dân của mình. Trước đó, việc công nhận chậm trễ “quốc tịch” đối với Đoàn Thị Hương cũng khiến Chính quyền Việt Nam bị chỉ trích vì đã “thờ ờ”.

Thậm chí có người đã đặt ra câu hỏi vì sao giữa Indonesia và Việt Nam lại có sự khác biệt? Sau đó lý giải rằng, tất cả nằm ở lá phiếu khi các nhà lãnh đạo không bị áp lực bởi cử tri và các bên đối lập sẽ chẳng có lý do gì khiến họ chịu làm việc. Số phận người Việt có rẻ rúng quá không?

Blogger Bạch Hoàn bức xúc trên Facebook cá nhân, theo đó cô cho rằng, Đoàn Thị Hương là điển hình cho cái gọi là “nỗi đau không chỉ riêng ai”. Cô đã bơ vơ, cô độc vì không được Đại sứ quán Việt Nam đoái hoài, trong khi đó, Siti Aisyah (nghi phạm người Indonesia) lại được Chính phủ nước này thuê đến 5 luật sư bào chữa. Blogger này tự vấn, đừng hỏi ĐSQ Việt Nam ở đâu mà không chỉ định luật sư, bởi “một lẽ đơn giản rằng Hương không mang quốc tịch Indonesia!”.
“Than vãn làm gì? Buồn tủi làm gì? Bởi sinh ra trên đất nước này, mọi công dân đều đã phải gánh nợ rồi. Hãy lo mà trả nợ quốc gia, đừng đỏi hỏi quốc gia phải làm gì cho mình. Quốc gia rất bận.,” blogger Bạch Hoàn cay đắng.

Nhiều quan điểm khác đồng tình với Blogger Bạch Hoàn, bởi Đoàn Thị Hương vẫn trong diện “suy đoán vô tội”, và trách nhiệm của quốc gia đối với công dân của mình vẫn là bảo vệ. Trường hợp này hoàn toàn khác với trường hợp Minh Béo, hay những trường hợp buôn bán cần sa, ma túy của người Việt tại một số quốc gia trên thế giới.

Người dùng facebook Phạm Thành Công đồng cảm rằng, “Chúng ta ko có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra. Nhưng nếu ở 1 quốc gia khác, biết đâu cô ấy sẽ ko phải chiến đấu 1 mình.”

Bạn Lê Hoài Anh, trong chia sẻ với Luật sư Luân Lê và Vu Hai Tran trên facebook cũng bày tỏ sự xót xa với thân phận người con gái Nam Định. Đồng thời kêu gọi, “hãy để quốc tế thấy được người Việt của chúng ta có tinh thần thương yêu và đùm bọc nhau thế nào trong cơn hoạn nạn”, thông qua việc kêu gọi hỗ trợ chi phí thuê luật sư giúp đỡ Đoàn Thị Hương.

Luật sư Vu Hai Tran thẳng thắn trong một chia sẻ rằng, nếu Chính phủ Việt nam không làm, nhân dân và cộng đồng mạng xã hội Việt sẽ thuê luật sư Malaixia giỏi nhất về hình sự cho Đoàn Thị Hương, mặc dù chúng ta tôn trọng luật sư được nhà nước Malaixia chỉ định đang bào chữa cho cô Hương. 



Còn rất nhiều Đoàn Thị Hương

Nhà báo Nguyen Quyet (báo Người Lao Động) khi nhận định về quan điểm xoay quanh trường hợp Đoàn Thị Hương đã cho biết, Đoàn Thị Hương nên được coi là 1 điển hình để có cách ứng xử hợp lý nhất trong các trường hợp người Việt ở nước ngoài bị nghi ngờ phạm pháp. Bởi theo ông, sở dĩ nghi phạm được dư luận quan tâm là vì nạn nhân là anh trai Chủ tịch Kim Jong Un. Vấn đề là có rất nhiều Đoàn Thị Hương khác ở khắp nơi trên thế giới đang không được nhắc đến hoặc không được chú ý. 
Cũng với quan điểm trên, nhà báo tự do Lê Diễn Đức cho rằng, hành vi chụp khăn có thuốc độc lên người lạ rồi gây chết người có thể được “biện hộ” bằng việc tưởng là tham gia một show hài tình huống? Nếu nạn nhân không phải là Kim Jong Nam mà là một em bé thì phản ứng của dân Việt sẽ ra sao? Tại sao dân Việt trồng cần sa ở Ba Lan, CH Czech, Anh quốc khi bị bắt và xử không ai lên tiếng

“Lòng thương hại và nhân đạo thì ra phụ thuộc vào người bị giết là ai?,” ông Lê Diễn Đức tự đặt câu hỏi trong chia sẻ của mình.

“Chính phủ là công cụ – hãy tích cực đòi hỏi”

Trong một động thái mới, Trang tin Chính phủ đã lên tiếng về trường hợp Đoàn Thị Hương. Theo đó, Việt Nam sẽ hỗ trợ tìm Luật sư cho công dân Đoàn Thị Hương. Trang này thông tin, Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có mặt tại Tòa án quận Sepang, bang Selangor, Malaysia để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho công dân. Đồng thời, ngày 02/3/2017, đại diện Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao đã có cuộc gặp với gia đình công dân Đoàn Thị Hương để giải thích tiến trình tố tụng của vụ án và hướng dẫn gia đình về việc hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương theo đúng quy định của pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế. Trước đó, Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao đã thông báo cho gia đình công dân Đoàn Thị Hương về việc thăm lãnh sự và sức khỏe của Đoàn Thị Hương.

Điều này, theo Trang tin Chính phủ là nhằm “triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong phạm vi thẩm quyền để bảo đảm tiến trình tố tụng diễn ra công bằng, khách quan, không phân biệt đối xử, cũng như đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam”.

Đánh giá về điều này, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đã cho hay, đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam tìm luật sư bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng theo ông, nó xuất phát từ, “sức ép mạng xã hội với hàng ngàn bài viết, chia sẻ, status so sánh cách hai chính phủ Việt Nam và Indonesia bảo hộ công dân bên sơ sài bên chu đáo như thế nào.”

Ông bày tỏ, “Facebook, hay lớn hơn là Internet, dường như đang giúp người Việt đi nhanh hơn trên con đường mà Phan Châu Trinh đã vạch ra gần 100 năm trước, khi thông tin tự do đang giúp người dân nâng cao nhận thức để rồi liên kết với nhau đòi hỏi chính phủ phải phục vụ họ ngày một tốt hơn.”
Liên quan đến vấn đề luật sư biện hộ cho nghi phạm, vào ngày 2/3, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương đến Bộ Tư pháp và Bộ ngoại giao. Bản thân những luật sư trong liên đoàn cũng ngỏ ý sẵn sàng tham gia hỗ trợ pháp lý trên tinh thần nếu được nhà nước hỗ trợ thì tốt nhất, còn nếu không thì họ sẽ tự bỏ tiền ra để thực hiện.

Tin bài liên quan:

VNTB- Hà Nội vẫn chơi trò đu dây

Phan Thanh Hung

VNTB – Mùa Valentine đen cho nhà cầm quyền bắt đầu!

Phan Thanh Hung

VNTB- Cửu Long Anh Hùng hay câu chuyện về sự tôn trọng giá trị?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo