Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đoàn Thị Hương: Việt Nam bảo vệ công dân Việt Nam như thế nào?

Hàn Giang (VNTB) Gần một tháng sau khi vụ án ông Kim Jong Nam- anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bị mưu sát tại sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) hôm 13/2/2017, hiện vẫn còn nóng trên khắp các bản tin thời sự quốc tế lẫn ở Việt Nam, bởi một trong những hung thủ thực hiện vụ mưu sát này có một phụ nữ người Việt Nam tên Đoàn Thị Hương (Sinh ngày 31/5/1988, thôn 3, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định). Hôm 01/03/2017, tại phiên tòa luận tội ở Malaysia, bà Hương đã phạm tội giết người, dựa theo Điều 302 Bộ luật hình sự của Malaysia, tội này phải chịu án tử hình. Tuy nhiên, tại quê nhà Việt Nam, người thân của bà Hương đã cho Việt Nam Thời Báo biết hiện gia đình chưa biết cách nào để cứu cánh cho bà Hương trong vụ án này…

Liệu Chính phủ Việt Nam có bỏ rơi công dân Việt Nam ở nước ngoài…?

Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, trước câu hỏi đến bây giờ phía gia đình đã biết rõ về vụ án bà Đoàn Thị Hương cùng đồng phạm Siti Aishah (quốc tịch Indonesia) và những đồng phạm khác hiện đang còn tẩu thoát, tham gia mưu sát ông Kim Jong Nam ở Malaysia đang vào giai đoạn xét xử ở Malaysia hay chưa? Chị dâu của bà Hương là bà Hà cho biết đến bây giờ thì báo đài, cộng đồng sinh hoạt mạng đặc biệt là mạng xã hội Facebook đưa rất nhiều thông tin vụ án, gia đình cũng chỉ biết dựa vào những nguồn thông tin thế này. Bà Hà nói:

“Vụ án này trên Facebook chắc chắn ai cũng biết rồi. Mọi vấn đề xem trên Facebook vậy thôi.”

Hôm 01/03/2017, tại phiên tòa luận tội ở Tòa án quận Sepang, bang Selangor, Malaysia, bà Hương đã phạm tội giết người, dựa theo Điều 302 Bộ luật hình sự của Malaysia, tội này phải chịu án tử hình. Theo như luật sư biện hộ cho bà Hương là ông S Selvam Shamugam, do phía Tòa án Malaysia chỉ định có mặt trong phiên luận tội các nghi phạm đã cho báo đài, truyền thông biết, tại phiên tòa, sau khi người phiên dịch đọc bản cáo trạng và hỏi bà Hương có hiểu nội dung cáo trạng không? Bà Hương đã nói rằng: “Tôi hiểu, nhưng tôi vô tội”.

Ngoài ông S Selvam Shamugam thì phía Chính phủ Việt Nam hiện chưa có thông tin nào là đưa luật sư sang Malaysia để bảo vệ pháp lý cho công dân của mình là bà Đoàn Thị Hương. Trong khi đó, luật sư bảo vệ cho nghi phạm Siti Aishah gồm 5 người và ông Gooi Soon Seng là người đại diện.

Dự kiến phiên tòa xét xử tiếp theo của vụ án sẽ diễn ra vào ngày 13/04/2017, truyền thông báo chí trích lời của Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Quốc Dũng chuyển lời xác nhận từ phía Malaysia là tình hình bà Hương hiện vẫn ổn, tình trạng sức khỏe tốt. Còn Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời ban Việt Ngữ đài BBC qua điện thoại liên quan đến vụ án rằng; “Nếu là người Việt Nam thì chúng tôi phải bảo hộ và đưa về Việt Nam xử lý theo pháp luật Việt Nam. Nhưng điều đầu tiên là phải xác minh đúng là người Việt Nam và có liên quan đến vụ án. Sau đó sẽ phải đánh giá có vi phạm như thế nào theo luật pháp Việt Nam.”

Một ngày sau khi phiên luận tội ở Malaysia diễn ra, báo đài Việt Nam thông tin là đại diện Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao đã có cuộc gặp với gia đình bà Hương để giải thích tiến trình tố tụng của vụ án và hướng dẫn gia đình về việc hỗ trợ pháp lý. Nội dung làm việc của cuộc gặp gỡ Việt Nam Thời Báo có hỏi bà Hà nhưng bà Hà nói không biết do gia đình đã ra ở riêng, yêu cầu Việt Nam Thời Báo gặp trực tiếp ông Đoàn Văn Thạnh, tức là người cha của bà Hương để trao đổi sẽ rõ hơn. Tuy nhiên, bà Hà có tiết lộ là sáng ngày 02/03/2017 có thấy ông Thạnh ở nhà.

Việt Nam Thời Báo liên lạc ông Đoàn Văn Thạnh bằng điện thoại nhưng không thấy bắt máy. Như vậy, vụ án bà Hương tham gia mưu sát anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên ông Kim Jong Nam mang tính quốc tế nhưng thông tin hiện còn rất hạn chế để dư luận ở Việt Nam được biết.

Trước nguy cơ người thân phải nhận bản án tử hình ở một quốc gia khác là Malaysia, bà Hà cho biết gia đình quá khó khăn khi không có điều kiện qua Malaysia để tham dự phiên xử. Tuy cho rằng con cái, người thân của mình vô tội nhưng hiện chưa có khả năng nào để cứu cánh và mọi sự đành phó thác cho phía Chính quyền Malaysia xét xử, hy vọng là một phiên xử đúng người đúng tội.

“Chúng tôi ở riêng nên làm sao mà biết được, cái này phải hỏi bố tôi. Chúng tôi chỉ cầu xin làm sao Chính quyền bên ấy xử đúng người đúng tội chứ tôi bất khả khi mà vụ ấy oan như vậy.” – Lời của bà Hà.

Trở lại vụ án, hôm 13/02/2017, tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) chấn động với vụ việc một người đàn ông mang hộ chiếu có tên Kim Chol, được cho là ông Kim Jong Nam bị hai người phụ nữ tiếp cận và xịt chất lỏng vào mặt. Khoảng độ từ 15 đến 20 phút sau, ông Kim Jong Nam chết trên đường tới bệnh viện Putrajaya .

Dựa vào những phân tích mẫu vật trên mắt và trên mặt nạn nhân Kim Jong Nam, phía Malaysia cho biết hai phụ nữ đã dùng đến hóa chất có độc tính VX để mưu sát ông Kim Jong Nam.

Theo những thông tin được tìm hiểu thì độc tính VX được cho là mạnh hơn 100 lần so với sarin, có dạng lỏng, không mùi vị, màu hổ phách. VX bị Cơ quan phòng chống vũ khí hóa học cấm hoàn toàn vào năm 1993. Chỉ cần một giọt VX tiếp xúc lên da nếu nặng có thể gây tử vong trong vài phút và nhẹ thì có thể gây chảy nước mũi, đau mắt, mờ mắt, thở không bình thường và buồn nôn…

Theo hình ảnh trích xuất từ camera an ninh tại sân bay, cơ quan an ninh Malaysia xác định hai nữ mưu sát ông Kim Jong Nam vào ngày 13/2/2017, là bà Đoàn Thị Hương (quốc tịch Việt Nam) và bà Siti Aishah (quốc tịch Indonesia). Ngày 15/02/2017, bà Hương bị bắt tại sân bay Kuala Lumpur. Theo luật Malaysia, bà Hương bị giữ 7 ngày để điều tra và bà Hương đã khai là mình không biết tên nạn nhân, tưởng là một trò đùa trên đài truyền hình trong đó có những người bạn của bà Hương cùng tham gia. Tuy nhiên, sau khi mưu sát ông Kim Jong Nam thành công, ngoại trừ bà Siti Aishah cùng bị bắt thì những người khác cùng tham gia vụ mưu sát theo như bà Hương nói là đã lên taxi rời khỏi sân bay, phía Malaysia hiện vẫn chưa thông tin là bắt thêm được người nào.

Như đã thông tin ở trên, vụ án Đoàn Thị Hương mưu sát ông Kim Jong Nam hiện đang vào tiến trình xét xử, hiện bà Hương đã bị luận tội giết người theo Điều 302 Bộ luật hình sự Malaysia. Trước tòa, bà Hương nói mình vô tội và phía người thân của bà Hương là bà Hà cũng khẳng định với Việt Nam Thời Báo là bà Hương vô tội, bị người khác hại. Bà Hà cho biết bà Hương từ trước giờ rất hiền lành, không làm điều ác với ai thậm chí cả gà chuột còn không dám giết huống chi là giết người. Bà Hà nói:

“Vụ án này đúng thật là em tôi từ bé giờ chẳng làm điều ác gì với ai, mà gia đình tôi cũng nề nếp, cả họ hàng nhà tôi không ai như vậy. Tôi tin chắc rằng em tôi vô tội. Em tôi bị lừa rồi điều này tôi xác định và khẳng định như thế. Riêng em tôi ngay cả con gà, con chuột còn không dám giết huống chi là đi giết người. Tôi tin chắc em tôi vộ tội. Em tôi bị oan. Em tôi bị lừa rồi.”

Theo báo PLO cho biết, pháp luật Malaysia có quy định không cho phép luật luật sư nước ngoài mà không hành nghề tại Malaysia tham gia tranh tụng với tư cách luật sư nên các luật sư Việt Nam không thể bào chữa cho bà Đoàn Thị Hương trong phiên xử tại Malaysia. Tuy nhiên, do phía Việt Nam và Malaysia chưa ký hợp định tương trợ tư pháp nhưng đều là thành viên của Hiệp định ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự ký vào ngày 29/11/2004 tại Kuala Lumpur. Hiệp định này có hiệu lực ràng buộc các quốc gia tham gia ký kết, qua đó phía Việt Nam vẫn có thể cử luật sư qua Malaysia để hỗ trợ pháp lý cho bà Đoàn Thị Hương với những công việc mà các luật sư Việt Nam làm được là; Thu thập chứng cứ hoặc lấy tờ khai tự nguyện từ những người có liên quan; bố trí để những người có liên quan cung cấp chứng cứ hoặc trợ giúp trong các vấn đề hình sự; thực hiện việc tống đạt giấy tờ, tài liệu tư pháp…

Bà Hà nói để thuê luật sư sang Malaysia bào chữa pháp lý cho bà Hương là điều rất khó khăn đối với gia đình.

“Nói thật với anh là gia đình chúng tôi điều kiện không có về mặt tiền bạc để thuê luật sư, nói thật như vậy. Còn nếu mà thuê luật sư đi thì nói thật là bán hết cả cái làng xóm tôi mới đủ thuê luật sư. Có điều giờ em của mình nó bị oan như vậy thì xét xử kiểu gì thì xét xử”

Trong phiên luận tội của vụ án, dư luận Việt Nam có sự so sánh rằng, đồng là nghi phạm trong cùng một vụ án nhưng phía bà Siti Aishah được Chính phủ Indonesia cử đến 4 luật sư sang Malaysia trực tiếp có mặt tại tòa để phối hợp với một luật sư do Malaysia chỉ định là 5 để bảo vệ quyền lợi cho công dân nước mình. Trong khi đó, phía bà Đoàn Thị Hương ngoài luật sư là ông S Selvam Shamugam, do phía Tòa án Malaysia chỉ định thì Chính phủ Việt Nam không cử một luật sư nào khác sang Malaysia để phối hợp, bảo vệ quyền lợi pháp lý cho công dân nước mình như phía Indonesia đã làm. Một câu hỏi đặt ra và đầy lo lắng rằng; liệu Chính phủ Việt Nam có bỏ rơi công dân nước mình khi gặp khó khăn pháp lý ở nước ngoài hay không?

Tin bài liên quan:

VNTB- Việt Nam thẳng tay xử tù người vượt biển sang Úc: Bản án tàn bạo và vô nhân đạo

Phan Thanh Hung

VNTB- Dân oan bị đàn áp khốc liệt, ai giúp đỡ?

Phan Thanh Hung

Vì sao Kim Jong Un hủy chuyến xuất ngoại đầu tiên tới Matxcơva?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo