Hàn Lam
(VNTB) – Nhiều doanh nghiệp điều năm 2022 bị thua lỗ và thậm chí đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất xuất khẩu
Doanh nghiệp Việt Nam trước giờ đầu tư một nhà máy chế biến hoàn chỉnh từ điều thô thành điều nhân mất từ 100 – 500 tỷ đồng, nhưng nhập điều thô giá cao bởi châu Phi đánh thuế xuất khẩu điều thô, miễn thuế xuất khẩu điều nhân nên bị mất lợi thế cạnh tranh.
Tại Hội nghị giao ban giữa Lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các Hội – Hiệp hội Doanh nghiệp diễn ra chiều 19-4, tại TP.HCM, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã dùng từ “kêu cứu khẩn cấp” đề cập đến những kiến nghị của ngành.
Mối đe dọa đến từ châu Phi
Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, bên cạnh nguồn cung trong nước, ngành điều vẫn phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu nguyên liệu điều thô về để chế biến. Theo Tổng cục Hải quan, trong quý 1, xuất khẩu hạt điều ước đạt 122.000 tấn, trị giá 708 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 14,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt mức 5.826 USD/tấn, giảm 2,1%.
Ghi nhận của Vinacas, 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 272.000 tấn hạt điều thô, trị giá hơn 360 triệu USD; tăng 78,2% về lượng và tăng 52,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trước đây, châu Phi hoàn toàn bán điều thô cho Việt Nam. Bây giờ, họ nhập khẩu máy móc từ Việt Nam về để chế biến hạt điều. Nhưng vì nền sản xuất còn non trẻ, nước này chỉ mới tách vỏ cứng bên ngoài ra và phần nhân điều đã qua sơ chế họ sẽ bán trở lại cho Việt Nam.
Phía Hiệp hội cho rằng, câu chuyện đáng nói ở đây là nhập nguyên liệu thô về Việt Nam chế biến sẽ rất tốt, nhưng nếu nhập bán thành phẩm sẽ gây ra nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài cho ngành. Theo đó, ngành sẽ mất công ăn việc làm của công nhân, việc tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu bán thành phẩm sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tại châu Phi nâng cao trình độ sản xuất, chất lượng kỹ thuật.
Từ đó, nước này sẽ cạnh tranh trực tiếp với thị trường mua điều nhân của Việt Nam trên thế giới. Ngoài ra, chúng ta cũng không biết được là chất lượng có đảm bảo không, dẫn đến hệ lụy khách hàng nhập khẩu điều nhân sẽ đánh giá chất lượng của doanh nghiệp Việt là không đảm bảo, thị trường mua bán điều nhân sẽ bị co cụm, mất thị phần.
Ngoài châu Phi, Việt Nam hiện cũng đang nhập điều sơ chế từ Campuchia, nỗi lo của ngành sẽ càng nhiều trong thời gian tới. Vì vậy, nhiều nhà máy chế biến mong muốn Hiệp hội Điều Việt Nam đề xuất Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị Chính phủ có chính sách can thiệp trong việc nhập khẩu điều sơ chế để bảo vệ ngành điều trong nước, giảm bớt áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Vốn lưu động đang gặp khó
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, ngành điều Việt Nam có giá trị xuất khẩu khoảng 3,5 – 3,8 tỷ USD/năm, dẫn đầu toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu trong nhiều năm liền nhưng vị trí này đang bị lung lay. Đó là là tình trạng điều nhân nhập khẩu tăng lên nhanh chóng, cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp chế biến điều trong nước.
Các doanh nghiệp nhập khẩu điều nhân hiện phần lớn do doanh nghiệp FDI làm đầu mối thực hiện, lợi nhuận chủ yếu tập trung cho số doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp này tận dụng ưu đãi của các nước châu Phi nên xây nhà máy sơ chế tại đây. Sau đó chuyển điều nhân giá rẻ về Việt Nam (chi phí vận chuyển ít vì 1 container điều nhân được chế biến từ hơn 4 container điều thô), chế biến đơn giản tại Việt Nam sau đó xuất khẩu.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam trước giờ đầu tư một nhà máy chế biến hoàn chỉnh từ điều thô thành điều nhân mất từ 100 – 500 tỷ đồng, nhưng nhập điều thô giá cao bởi châu Phi đánh thuế xuất khẩu điều thô, miễn thuế xuất khẩu điều nhân nên bị mất lợi thế cạnh tranh.
Và nếu doanh nghiệp chuyển sang nhập điều nhân từ châu Phi thì sẽ chỉ thực hiện 1 đến 3 công đoạn cuối để có thành phẩm xuất khẩu (khoảng 20% toàn dây chuyền chế biến nếu tính từ điều thô), từ đó lãng phí dây chuyền đã đầu tư và phải sa thải lao động, công nhân mất việc.
Một vấn đề khác, theo Vinacas, từ năm 2022 đến nay, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới hầu hết đều phải điều chỉnh tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Việc này dẫn đến việc thắt chặt cung tiền, giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, thất nghiệp có xu hướng tăng và người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Điều này dẫn đến nhu cầu tiêu dùng trên toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, xuất khẩu nhân điều đi Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật, các nước Trung Đông bị suy giảm nghiêm trọng.
Nhiều doanh nghiệp điều năm 2022 bị thua lỗ và thậm chí đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất xuất khẩu vì không thể cứ chấp nhận bán lỗ để giữ chân khách hàng, duy trì công ăn việc làm cho công nhân.
Ngoài ra, lãi suất tại Việt Nam cũng tăng làm cho chi phí sản xuất tăng theo, cùng với đó là room tín dụng bị giới hạn, điều kiện giải ngân vay vốn ngân hàng khó khăn hơn dẫn đến các doanh nghiệp chế biến điều đã khó khăn lại càng thêm khó khăn, rất khó để cạnh tranh giá bán với các doanh nghiệp chế biến điều của các quốc gia khác…
Ghi nhận ở thủ phủ điều Việt Nam, đầu vụ năm nay ở tỉnh Bình Phước, giá thu mua hạt điều tươi từ 25.000 – 26.000 đồng/kg, tuy nhiên từ đầu tháng tư 2023 đến nay giảm chỉ còn khoảng 21.000 đồng/kg, có những nơi còn thấp hơn. Bên cạnh đó, thời tiết bất thường dẫn đến sản lượng điều năm nay dự báo giảm 30 40% so với mùa vụ trước.
Bình Phước là địa phương trồng điều nhiều nhất cả nước với hơn 150.000 ha, chiếm hơn 50% diện tích điều của cả nước. Bình Phước có hơn 100 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở chế biến, sản xuất hạt điều. Nông dân đang sống nhờ kinh tế vườn điều khoảng 75.000 hộ, trong đó phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số.