VNTB – Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhưng lại… không phạm tội?

VNTB – Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhưng lại… không phạm tội?

Cát Tường

 

(VNTB) – Pháp luật về bảo hiểm xã hội không có quy định về việc hủy bỏ thời gian chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

 

Một báo cáo của Công ty cổ phần Dệt 19-5 Hà Nội gửi Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết tình hình tài chính có phần “bế tắc” của Công ty. Con số nợ được thống kê lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, các khoản vay chậm trả đối với 3 ngân hàng tín dụng (chưa kể lãi vay và lãi chậm trả) khoảng 340 tỷ đồng; nợ bảo hiểm xã hội 13,5 tỷ đồng; nợ lương người lao động khoảng 4,5 tỷ đồng; nợ phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp là hơn 1,6 tỷ đồng cho 4 năm; nợ thuế 16,5 tỷ đồng (trong đó nợ thuế tại Cục thuế Hà Nam khoảng 3 tỷ đồng; tại Cục thuế Hà Nội là 13,5 tỷ đồng) khiến Công ty bị thông báo ngừng sử dụng hóa đơn từ tháng 10-2021 đến nay đối với Cục Thuế Hà Nam. Và từ năm 2018 đến nay đối với Cục Thuế Hà Nội; nợ các nhà cung cấp 50 tỷ đồng.

Hơn nữa, Công ty cổ phần Dệt 19-5 Hà Nội không còn đủ điều kiện huy động vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng, không còn đủ điều kiện tham gia đấu thầu cung cấp hàng dệt, sợi theo quy định pháp luật về đấu thầu. Lý giải cho vấn đề kinh doanh tụt lùi được phía Công ty đưa ra đó là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng và thị trường giảm. Do đó, các năm 2019, 2021, 2022, hai nhà máy dệt và sợi sản xuất cầm chừng, giảm dần sản lượng do không có khách hàng, tạm ngừng sản xuất từ 4 – 7 tháng/ năm. Sản lượng bình quân năm chỉ đạt từ 40 – 70% công suất thiết kế. Doanh thu giảm, chi phí tăng dẫn đến lỗ nhiều, kéo dài. Từ những khó khăn đó dẫn đến việc Công ty chậm trả lương và nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Trong khi đó, theo phản ánh của công nhân, tại thời điểm dịch Covid-19, Công ty vẫn có việc đều và Ban lãnh đạo Công ty còn đưa ra chế độ để khuyến khích các cá nhân đi làm có số công thực tế cao hơn 270 công/năm.

Cùng đường, người lao động cũng đã tới Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động, thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội để nhờ trợ giúp. Trước khó khăn của người lao động, cán bộ Trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ người lao động về hồ sơ khởi kiện và khi có quyết định bản án, trung tâm tiếp tục hỗ trợ việc thi hành án.

Đến ngày 28-12-2023, người lao động nhận được thông tin rằng: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Duy Tiên đã thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc có dấu hiệu trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, theo quy định tại khoản 1, điều 157, Bộ luật Tố tụng hình sự (không có sự việc phạm tội). Sau khi nhận được thông tin trên, người lao động rất “sốc” và thêm tuyệt vọng.

Mọi chuyện trở nên khó hiểu, bởi căn cứ quy định tại khoản 1, 2 và 3, điều 17; khoản 2 điều 21; khoản 3, điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hằng tháng người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội và trích tiền đóng bảo hiểm xã hội từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người sử dụng lao động có hành vi vi phạm về trốn đóng, chậm đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên, thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; xử phạt hành chính và khắc phục hậu quả đối với người lao động.

Trường hợp người sử dụng lao động cố tình không thực hiện, cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an điều tra, xử lý theo quy định tại điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán (Tòa án Nhân dân Tối cao) hướng dẫn áp dụng điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động của Bộ luật Hình sự.

Pháp luật về bảo hiểm xã hội không có quy định về việc hủy bỏ thời gian chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để từ đó cơ quan công an cho rằng “không có sự việc phạm tội” ở doanh nghiệp như nêu trên là thiếu căn cứ thuyết phục.

 

_______________

Tham khảo:

Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)