Nguyễn Huỳnh lược thuật
(VNTB) – Để ứng phó với khủng hoảng Ukraine, cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, đồng tiền thanh toán…
“Trong bối cảnh những bất định trên thế giới diễn ra với tần suất dày hơn và khó lường, Việt Nam cần có chiến lược xây dựng thể chế kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế”.
Ông Nguyễn Bích Lâm, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có ý kiến về tác động của khủng hoảng Nga – Ukraine đến kinh tế thế giới và Việt Nam.
Trang Việt Nam Thời Báo xin lược thuật ý kiến này để quý độc giả tham khảo. Nguyễn Huỳnh thực hiện.
“Chúng ta cần làm gì?” – ông Nguyễn Bích Lâm đặt câu hỏi và thử đưa ra một số kiến giải.
Để ứng phó với khủng hoảng Ukraine, cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, đồng tiền thanh toán…
Trong bối cảnh những bất định trên thế giới diễn ra với tần suất dày hơn và khó lường, Việt Nam cần có chiến lược xây dựng thể chế kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế.
Đặc biệt, cần xây dựng Chiến lược an ninh năng lượng, đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng tối đa năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cần bổ sung quan điểm và các giải pháp nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu và quản trị rủi ro.
Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp và chính cộng đồng doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về luật cấm vận của Mỹ, đồng thời tiến hành thảo luận ngay với đối tác Mỹ để tránh bị chế tài khi vi phạm các biện pháp cấm vận đối với Nga.
Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục cải cách hành chính, triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu các hình thức thanh toán và biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi ký kết hợp đồng để tháo gỡ khó khăn về thanh toán do các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu hình thành các kênh chi trả thanh toán với các ngân hàng và doanh nghiệp Nga, cũng như qua các phương tiện chưa bị cấm vận để giúp doanh nghiệp trong nước tiếp tục giao dịch với đối tác Nga một cách hợp pháp.
Nghiên cứu khả năng kinh doanh bằng đồng Rub, hạn chế sử dụng ngoại tệ để tránh biến động tỷ giá, áp dụng các phương thức thanh toán bù trừ bằng đồng Rub, hay đổi hàng với Nga để hạn chế việc chuyển tiền qua ngân hàng.
Bộ Công Thương cần theo dõi nắm bắt, cập nhật thường xuyên tình hình căng thẳng về chính trị, ngoại giao, sự chuyển hướng trong chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư của các nước, cung cấp thông tin kịp thời cho các bộ, ngành có liên quan để có giải pháp xử lý.
Đồng thời, Bộ Công Thương cần theo dõi sát biến động cung cầu các mặt hàng chiến lược nhạy cảm, kịp thời có giải pháp điều hành phù hợp, tận dụng cơ hội về giá để sản xuất, xuất khẩu và đảm bảo cung cầu cho thị trường trong nước; đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA đã ký với các quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á – Âu; các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu, đảm bảo luồng hàng hoá xuất nhập khẩu được thông suốt. Đẩy mạnh hợp tác, kết nối giữa các nền kinh tế.
Để ứng phó với khủng hoảng Ucraina, cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, đồng tiền thanh toán; chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, phương thức kinh doanh; đồng thời rà soát lại hợp đồng và hồ sơ pháp lý bảo đảm chủ động trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi ký kết và thực hiện hợp đồng.
Tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến mau lẹ, khó lường, các biện pháp trừng phạt và trả đũa đang diễn ra khốc liệt chưa từng có, vì vậy những chính sách và giải pháp phải nhanh, điều chỉnh ngay khi có vấn đề phát sinh.
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ không nhất thiết phải ban hành chính sách trung và dài hạn cho 2 năm, 5 năm, mà chính sách, giải pháp cần thiết thực, đảm bảo minh bạch, gắn với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.