VNTB – Doanh nghiệp Việt Nam đang khốn đốn chuyện tỷ giá

VNTB – Doanh nghiệp Việt Nam đang khốn đốn chuyện tỷ giá

Hàn Lam

 

(VNTB) – Rủi ro từ hàng chục ngàn tỷ nợ vay bằng USD của doanh nghiệp khi đồng Mỹ kim ở các ngân hàng thương mại Việt Nam đang tăng cao…

 

Ghi nhận trong sáng 30-9, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bán USD tại Sở Giao dịch tăng 225 VND, từ mức 23.700 VND lên mức 23.925 VND. Tính từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 4 Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD. Tổng cộng mức tăng thêm là 905 VND, tương đương tăng 3,9%.

Trưa 30-9, các ngân hàng thương mại đã tăng giá USD thêm 40 đồng so với đầu ngày, giá bán chính thức cán mức 24.000 đồng/USD.

Tại Eximbank, giá mua USD tăng nhẹ 10 đồng, nâng mức giá trong sáng 30-9 thêm 20 đồng, lên 23.700 – 23.720 đồng; trong khi đó, giá bán USD tăng nhanh hơn với 40 đồng, lên 24.000. Vietcombank bán USD với giá 24.000 đồng, mua vào 23.690 – 23.720 đồng. Giá mua USD tại ACB cũng lên 23.700 – 23.760, bán ra 24.000 đồng…

Giá đồng bạc xanh đang cao hơn Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước 170 đồng và mức chênh lệch này ngày càng tăng cao.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng hoãn lại các đợt thanh toán tiền hợp đồng bằng USD với kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt. Hoặc cũng có trường hợp muốn mua USD nhưng lúc đó lại không mua được. Giờ đây, xem ra họ không thể kéo dài việc thanh toán được nữa nên nhu cầu ngoại tệ tăng vọt.

Trên liên ngân hàng, một số thành viên còn phải chấp nhận giao dịch trên giá bán can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trong vài phiên trở lại đây. Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ đang thiếu dòng tiền mạnh và kịp thời. Cụ thể, một số dòng tiền từ đầu tư, kiều hối, trái phiếu quốc tế, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài… rất trầm lắng.

Thống kê từ báo cáo tài chính các doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết thị trường trong nước hiện ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp có cơ cấu nợ vay bằng USD lớn. Theo đó, tại 12 doanh nghiệp đang niêm yết, VNDirect ước tính tổng dư nợ vay bằng USD của nhóm doanh nghiệp này hiện đạt hơn 170.000 tỷ đồng quy đổi. Số dư nợ vay bằng USD này cũng chiếm tới gần 45% tổng cơ cấu nợ vay của các doanh nghiệp.

Theo thống kê trên thị trường, các doanh nghiệp có dư nợ vay bằng USD lớn nhất hiện chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực bất động sản đa ngành (Vingroup; Novaland); hàng không (Vietnam Airlines); xuất nhập khẩu (Dệt may Thành Công; Thủy sản Minh Phú) và đặc biệt là nhóm ngành nhiệt điện (Tổng công ty Phát điện 3; Tổng công ty Phát điện 2; PV Power…).

Trong các doanh nghiệp, Vingroup (VIC) hiện có tổng dư nợ vay đạt khoảng 166.588 tỷ đồng, trong đó khoảng 39,26% là vay bằng USD, tương đương 65.401 tỷ đồng quy đổi.

Trong cơ cấu các khoản vay bằng USD của tập đoàn này, có các khoản vay ngắn hạn và dài hạn. Đối với các khoản vay dài hạn: các khoản vay có tài sản đảm bảo và không có hợp đồng hoán đổi có mức lãi suất thả nổi từ 0,91%/năm đến 5,53%/năm; các khoản vay USD có lãi suất thả nổi đã được hoán đổi thành lãi suất cố định bằng VNĐ là 4,1-9,15%/năm.

Hồi trung tuần tháng 9-2022, tại phiên thảo luận tổng thể Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022, ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, mượn hình ảnh danh tướng Lý Thường Kiệt để cảnh báo, “Việt Nam phải giữ bằng được ổn định tỷ giá. Đây là phòng tuyến sông Cầu, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào”.

Trước mắt, theo VNDirect, với hình thức trả lãi, những doanh nghiệp vay USD với lãi vay cố định và/hoặc thả nổi đều phải chịu áp lực tăng chi phí lãi vay, và lỗ tỷ giá do đánh giá lại khoản vay từ biến động tỷ giá và lãi vay USD tăng.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Có phải đây là hậu quả của việc in tiền VND vô tội vạ?