Việt Nam Thời Báo

VNTB – Độc quyền còn lỗ

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Tiền điện tăng mà ngành điện lực vẫn báo lỗ hoài

Không những cần thiết cho người dân mà còn là một trong số những ngành độc quyền tại Việt Nam,  song lâu lâu lại thấy ngành điện lực báo giá lỗ…

Mới đây, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), doanh nghiệp quản lý ngành điện lỗ ròng hơn 26.700 tỉ đồng (khoảng 1,05 tỉ USD) do chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp ăn mòn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

Báo cáo cho thấy, năm 2023, tổng doanh thu hợp nhất của EVN đạt hơn 500.700 tỉ đồng. tăng 8% so với năm 2022. Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 13.000 tỉ, tăng hơn 20%. Trong đó, doanh thu từ bán điện của EVN năm 2023 đạt hơn 498.436 tỉ đồng, chiếm 99% doanh thu hợp nhất. Tuy nhiên, con số này không đủ để bù đắp chi phí lãi vay, chưa tính tới các chi phí hoạt động và quản lý.

EVN đã phải trả gần 19.000 tỉ đồng lãi vay trong năm ngoái, chiếm khoảng 83% chi phí tài chính và tăng hơn 4.000 tỉ đồng so với năm 2022. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp phải trả hơn 52 tỉ đồng tiền lãi vay.

Ngược dòng thời gian, chỉ tính sơ sơ vài cái tiêu đề, thì:

Bài đăng trên báo Thanh Niên online ngày 11/7/2023: “Tập đoàn Điện lực Việt Nam chính thức công bố số lỗ gần tỉ USD” (Báo cáo tài chính năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do Công ty kiểm toán Delloitte thực hiện vừa được công bố với khoản lỗ gần tỉ USD).

Bài đăng trên tạp chí điện tử VnEconomy ngày 20/9/2023: “Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo lỗ lũy kế lên 1,8 tỷ USD” (Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy số lỗ lũy kế ở thời điểm hiện tại là hơn 43.800 tỷ đồng tương đương với khoảng 1,8 tỷ USD…).

Bài đăng trên Tuổi Trẻ online ngày 14/12/2023: “2 lần tăng giá điện, EVN vẫn báo lỗ lớn năm 2023” (Mặc dù được điều chỉnh tăng giá điện thêm 3% và 4,5%, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn có kết quả lỗ trong năm 2023).

Bài đăng trên báo Lao động ngày 10/05/2024: “EVN lỗ hơn 32 nghìn tỉ trong 6 tháng, trả lãi vay đến 8.744 tỉ đồng (Tình hình kinh doanh tại EVN trong 2 năm qua thua lỗ nặng, trong khi đó chi trả lãi vay lên đến 8.744 tỉ đồng).

Có thể thấy, trong suốt những năm qua, ngành điện lực liên tục báo lỗ. Đầu năm 2024, Tổng giám đốc EVN cũng cho hay, năm nay sẽ tiếp tục là năm khó khăn về tài chính, cung ứng điện với tập đoàn này nếu không có thay đổi về chính sách, giá. Theo EVN, số lỗ của tập đoàn này chủ yếu do giá bán ra vẫn thấp hơn giá thành. Tính toán của EVN vào đầu năm nay, cứ mỗi kWh điện được bán ra, doanh nghiệp này lỗ gần 142,5 đồng.

Hiện EVN và các Tổng công ty phát điện (các Genco) chiếm khoảng 37,5% nguồn điện; 62,5% còn lại phụ thuộc vào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, các nhà đầu tư tư nhân, BOT…

“Tôi không hiểu nổi, mấy ổng lỗ là lỗ sao? Người dân dù nhà có tiền hay nhà không tiền đều xài điện. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… dù Nhà nước hay tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài, cũng phải xài điện. Còn bệnh viện, trường học thì khỏi nói luôn rồi. Một mình EVN độc quyền về điện, thường xuyên tăng giá điện, gần như không có đối thủ cạnh tranh mà đụng chuyện kêu lỗ, là lỗ sao?”, ông Út, cư dân Bình Dương thắc mắc.

“Cách đây mấy tháng, nhận được hoá đơn tiền điện, cao hơn bình thường một triệu mấy là thấy muốn tá hoả rồi. Cũng xài như vậy, mà sao cao quá vậy? Lên Internet, thấy cộng đồng mạng “show” hoá đơn tiền điện, mới biết, à té ra nhà nào cũng tăng tiền chứ không phải có mình  nhà mình. Vì sao tiền điện tăng mà ngành điện lực vẫn báo lỗ hoài?”, chị Thu, một cư dân ở Sài Gòn thắc mắc.

Cũng theo lo ngại từ nhiều người dân, với thông tin điện lực Việt Nam lại tiếp tục báo lỗ, liệu rằng, sắp tới đây, điện sẽ còn tăng giá? Hoá đơn tiền điện sẽ bất ngờ nhảy vọt trước sự bàng hoàng của người dân?

Càng lo ngại hơn khi theo Quyết định 05/2024 thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ 15.5 năm nay, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Tức là, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Theo Quyết định này, giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Nếu tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.


 

Tin bài liên quan:

SJC phải hủy thu phí “vàng miếng một chữ”

Phan Thanh Hung

VNTB – Không công khai giá điện là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng

Do Van Tien

Đến 2019: EVN vẫn muốn giữ thế độc quyền?

Phan Thanh Hung

1 comment

Dan Sg 12.07.2024 2:25 at 14:25

Mỗi lần nhắc đến ” ông này ” là người dân…nổi ốc!!!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo