Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đổi mới công an là sống còn chế độ?

Ngân Bình

  

(VNTB) – Ông Nguyễn Hữu Vinh, từng là cán bộ thuộc Cục bảo vệ chính trị 1 đã có những góp ý trên BBC Việt ngữ, mà theo tác giả là cực kỳ đáng giá trong cải tổ, đổi mới, hay khiến cho lực lượng công an xác hợp với cụm từ Công an nhân dân.

 

Ông đề cập đến số lượng an ninh vượt trội so với cảnh sát, đề cập đến tình trạng chính trị hoá trong lực lượng an ninh khiến cho lực lượng lực chú trọng bảo vệ quyền lực của đảng, thay cho hoạt động phản gián và bảo vệ an ninh quốc gia trước các thế lực bên ngoài.

 

Thực tế cho thấy, khi nhắc đến bộ máy an ninh hiện tại, nhận diện ngay tình trạng ‘bảo vệ an ninh quốc gia’ chính là ‘chống phản động’.

 

Giới phản động lại chính là nhóm người thực hiện các hành vi theo đuổi quyền con người, điều mà Việt Nam từng bước buộc phải cam kết gắn với các Công ước quốc tế.

 

Cho đến nay, nhóm phản động trong mắt bộ máy an ninh tập hợp các nhóm dân oan liên quan đến đất đai, nhóm trí thức liên quan đến lĩnh vực xuất bản, báo chí,… mà cả nhóm liên quan đến tôn giáo.

 

Các khía cạnh của đa phần nhóm phản động thực hiện không hướng đến thành lập một đảng phái chính trị nhằm cạnh tranh quyền lực trực tiếp với với đảng chính trị – ĐCSVN. Mà là những người thực hiện các quyền về tự do ngôn luận, tự do lập hội, và tự do biểu đạt.

 

Thế nhưng, cho đến nay, cách nhìn của chính quyền ĐCSVN vẫn coi các hành vi thực hiện quyền, hay các tổ chức – cá nhân tham gia cổ vũ thực hiện quyền là những đối tượng nguy hiểm.

 

Giống như thời Đông Đức, tại Việt Nam xuất hiện những cá nhân không đáng tin cậy về mặt chính trị. Hay nói cách khác, các cá nhân – tổ chức bị quy chụp mọi lúc, mọi nơi như là yếu tố chống phá đảng, chống phá nhà nước và hoạt động lật đổ. Điều này khiến cho toàn bộ xã hội trở thành một cuộc chiến giữa người Việt với nhau, tạo ra rào cản lớn về mặt đoàn kết dân tộc, tích tụ thêm các tư tưởng phản kháng và hận thù trong lòng chế độ.

 

Chỉ một sự kiện Đồng Tâm mà toàn bộ giới hoạt động miền Bắc bị canh giữ, với tương quan trung bình 3 viên an ninh cho một người thuộc loại  ‘không đáng tin cậy’. Nếu xét 50 nhà hoạt động, thì tương đương với 150 viên an ninh ăn lương chỉ để canh những người không làm mất đi chủ quyền quốc gia, hay tổn hại quyền độc lập, tự chủ của dân tộc.

 

Câu chuyện trở nên càng lúc càng khó hiểu hơn khi hết các hội đoàn và cá nhân bị buộc tội vì ‘an ninh quốc gia’, khái niệm được hiểu là sẽ làm mất quyền lực của ĐCSVN.

 

Thế nhưng, các tổ chức – cá nhân ‘phản động’ lại không hoạt động nhằm khiến cho quyền lực của ĐCSVN mất đi, mà ngược lại, trợ giúp cho chính ĐCSVN kiểm soát quyền lực vô biên của mình.

 

Hãy xem quyền lực vô biên của ĐCSVN cách hành xử có phần đứng ngoài vòng pháp luật của lực lượng Công an.

 

Vợ ông Lê Đình Kình, bà Dư Thị Thành khi đối mặt với lực lượng công an đến Thôn Hoành vào sáng sớm 9/1 đã nhận thông điệp ‘đầy nhân văn’: cho mày về để mày lo hậu sự cho chồng cho con mày.

 

Nghệ sĩ Thịnh Nguyễn, người bị vô cớ bắt giữ, tạm lưu bởi lực lượng an ninh với tuyên bố: vì an ninh quốc gia, bắt thì khỏi cần nhân chứng luôn.

 

Cách làm việc chỉ dựa trên quan điểm mơ hồ là ‘an ninh quốc gia’ khiến cho tinh thần góp ý, phản biện đối với ĐCSVN trở nên dè dặt, trong lúc ĐCSVN trở nên xấu xí hơn trong mắt người dân.

 

Cải tổ hay đổi mới lực lượng công an theo cách góp ý của ông Nguyễn Hữu Vinh tức làm nghĩa vụ của lực lượng này đối với xã hội xác hợp hơn, hành xử văn minh hơn, và đưa lực lượng này về đúng với tinh thần ‘vì dân phục vụ’.

 

Nhưng để đổi mới được lực lượng này, thì trước hết phải đến từ nhận thức đổi mới của người đứng đầu ĐCSVN. Và có lẽ, ông Trần Quốc Vượng là người có ‘tư duy’ về chế độ phù hợp thực tiễn hơn so với ông Nguyễn Phú Trọng trong một quan điểm liên quan đến vấn đề chế độ gần đây. Và có thể chính ông Vượng nếu cởi mở tiếp tục về tư duy lãnh đạo của Đảng, có thể thiết lập một mô hình chủ nghĩa xã hội thị trường tại Việt Nam trong tương lai, mô hình đảm bảo dân chủ, tự do và công bằng thực tế như ở các quốc gia Đông Âu.

 

Mọi sự thay đổi đối với lực lượng công an sẽ là cứu nguy của chế độ này. Và cần phải duy trì một yếu tố cốt lõi, trong đó phân biệt rạch ròi, các tiếng nói ‘đồng thuận tuyệt đối’ đối với các chủ trương – chính sách của ĐCSVN không làm cho chính đảng hay chế độ này tốt lên, mà thúc đẩy nhanh hơn sự suy tàn của một chế độ. Thực tế quá trình hình thành của ĐCSVN cho đến nay cho thấy, những quan điểm khác biệt, thậm chí xét lại, phá rào đã trở thành một yếu tố giúp chính chế độ vượt qua những thời điểm nguy cấp nhất trong lịch sử.

Đổi mới lực lượng công an, là không tìm cách chụp mũ những người bất đồng chính kiến trong xã hội là ‘những đối tượng hoạt động nhằm xâm hại an ninh, chủ quyền và độc lập, tự chủ của quốc gia.’ Bởi làm sao một chủ thể hoạt động, vận động quyền con người dựa trên các Công ước quốc tế lại khiến cho chủ quyền quốc gia, hay an ninh quốc gia bị xâm hại cho được? Trừ phi chính nhà nước coi các Công ước đó là yếu tố gây xâm hại an ninh quốc gia và quyền tự chủ đất nước.

Đổi mới lực lượng công an theo quan điểm của ông Nguyễn Hữu Vinh là phương cách, là hướng đi đúng cho lực lượng này trong tương lai, để xứng đáng hơn với đồng thuế mà nhân dân bỏ ra để nuôi lực lượng này.

Tin bài liên quan:

VNTB – Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu báo chí phải độc lập

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Công dân Bùi Thị Minh Hằng không phạm tội hình sự (Bài 1)

Phan Thanh Hung

VNTB – Báo chí quốc doanh là “gánh nặng” của doanh nghiệp 

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.