Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đội trưởng Đội tiên phong của giai cấp đang ở đâu?

Hàn Lam

(VNTB) – Hàng triệu công nhân, lao động đang bị thất nghiệp, mất việc mà không thấy đội tiên phong của giai cấp đâu. 

 

 

Hiến pháp 2013, Điều 4.1: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong quý 2-2023, tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong nửa đầu năm tăng lên hơn 500.000 người.

Ở quý 2-2023, số liệu ghi nhận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết 51,2 triệu người có việc làm, tăng 83,3 ngàn người so với quý 1-2023 và tăng 691,4 ngàn người so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cũng trong quý này, cả nước có 1,07 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 25,4 ngàn người so với quý 1-2023, chiếm 2,30%; trong đó, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên chiếm cao nhất với 7,41%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị chiếm 2,75%.

Có 940,7 ngàn người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, tăng 54,9 ngàn người so với quý trước. Thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cũng phần nào kéo tăng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý 2 tăng mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong quý 2-2023, cả nước có 357.513 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 152.385 người so với quý 1 và tăng 55.927 người so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 348.715 người (quý 1 là 169.846 người), 5.891 người được hỗ trợ học nghề (con số này ở quý 1 là 5.318 người); 670.720 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm (quý 1 là 432.978 người).

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong quý 2 vừa qua phần lớn không có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm 68,9% (tỷ lệ này ở quý 1 là 67%); tiếp theo là nhóm người hưởng có trình độ đại học trở lên, chiếm 13,1%; sơ cấp chiếm 6,8%; cao đẳng 5,8% và trung cấp 5,4%.

Trong quý 2, công nghiệp chế biến chế tạo là nhóm ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 45,9%. Theo sau là nhóm hoạt động dịch vụ khác, với 30,9%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4,4%; xây dựng chiếm 2,7%; nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 2,6%.

Trong khi đó, 5 nhóm nghề có người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất gồm: Thợ may, thêu và các thợ có liên quan với 28,2%; thợ lắp ráp 7,8%; nhân viên bán hàng 2,7%; kỹ thuật viên điện tử 2,5%; kế toán 2,4%.

Ở góc nhìn khác, theo nhận định của bà Nguyễn Thị Lan Hương, cựu Viện trưởng Viện Khoa học xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thì những con số thống kê trên là căn cứ theo hồ sơ phù hợp quy định để xét trợ cấp thất nghiệp. Thực tế vẫn rất nhiều lao động thất nghiệp đã không nhận được chính sách an sinh này.

Theo bà Lan Hương, có tình trạng người lao động nhầm lẫn khái niệm có việc làm, đa số đều cho rằng, bắt đầu được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mới bị cắt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nhiều lao động cũng chưa có sự trao đổi cụ thể rõ ràng với doanh nghiệp về nội dung và hiệu lực của hợp đồng lao động, khi mới vào làm việc trao đổi là thử việc và chưa được nhận hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khi được nhận và ký hợp đồng lao động thì ngày có hiệu lực của hợp đồng lao động lại được xác định từ trước thời điểm ký kết, hoặc thời gian thử việc, doanh nghiệp vẫn báo tăng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Do nhu cầu cần có việc làm nên dù chưa được ký kết hợp đồng, nhiều lao động vẫn đi làm và hưởng lương, dẫn đến không xác định được chính xác ngày có việc làm theo hợp đồng lao động…

Khi xảy ra mất việc, nhìn chung dù là có hay không việc nhận trợ cấp thất nghiệp, với đại đa số người lao động thì mức độ ‘stress’ tỷ lệ thuận với thời gian không có việc làm, và vai trò của người đó với gia đình.

Thời gian không có việc càng lâu, mức độ thiếu thốn tài chính càng tăng lên khiến người đó càng ‘stress’ nhiều hơn, sự tiêu cực chán chường càng được biểu lộ một cách mạnh mẽ hơn!..

Khi mà hàng triệu công nhân, lao động đang bị thất nghiệp, mất việc, đội tiên phong của giai cấp đang ở đâu? Hay chỉ lẩn quẩn tham nhũng và đi chống tham nhũng?!


Tin bài liên quan:

VNTB – Bộ máy cồng kềnh hành dân là chính

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Từ sợ hãi đến hy vọng 

Do Van Tien

VNTB – Nhân Dân có giám sát được Đảng Cộng sản Việt Nam?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo