Phú Nhuận
(VNTB) – Trong 3 ngày liên tục có 20 trận động đất xảy ra ở Kon Tum
Việt Nam hiếm khi xảy ra động đất do vùng bán đảo Đông Dương nằm sâu trong một mảng kiến tạo và có địa hình bằng phẳng.
Ngày 18-4-2022, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết, đã ghi nhận một số thiệt hại ban đầu do các trận động đất liên tục xảy ra gần đây. Cụ thể, ngày 4-1-2022 trên địa bàn huyện có 5 xã gồm: Ngọk Tem, Đăk Tăng, Đăk Nên, Đăk Ring và Măng Bút bị ảnh hưởng bởi dư chấn động đất dự báo khoảng 3,6 độ Richter, thời gian kéo dài khoảng 3 giây.
Sau thời gian trên, số lần dư chấn động đất thêm nhiều đợt kéo dài đến ngày 6-1-2022. Sau khi dư chấn động đất đi qua, không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về một số tài sản tại 2 xã.
Đến ngày 15-4-2022, thống kê ban đầu cho biết xảy ra đến 7 đợt rung lắc, vị trí chấn tâm chủ yếu xảy ra trên địa bàn xã Đăk Tăng, Đăk Ring. Trong đó trận có cường độ cao nhất là 4,1 độ richter. Tiếp đó ngày 16-4-2022, xảy ra 2 trận động đất. Ngày 17-4-2022 xảy ra 1 trận. Ngày 18-4-2022 xảy ra 1 trận, chủ yếu trên địa bàn các xã Măng Bút, Đăk Tăng, Đăk Nên, Đăk Ring, Ngọk Tem, Măng Cành, Pờ Ê, Xã Hiếu, Thị trấn Măng Đen, thuộc huyện Kon Plông với độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Dư chấn các đợt động đất này không gây thiệt hại về người và tài sản cho người dân.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai với các bộ, ngành, chuyên gia để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum sáng 19-4-2022, ông Phạm Trọng Thực – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, thủy điện Thượng Kon Tum đang tích nước đến mức 1.153,1 m, so với mức nước dâng bình thường là 1.160m, tức là còn 7m nước nữa mới đến mức dâng bình thường.
Dung tích toàn bộ mới chỉ đạt 73%. Dung tích hữu ích để phục vụ sản xuất điện đạt 61%. Hiện đang giữa mùa khô ở Tây Nguyên, vì vậy, mực nước hiện tại không quá lớn so với dung tích của hồ (145 triệu m3, hiện mới tích được 106 triệu m3). Về mặt kỹ thuật vẫn đảm bảo quá trình vận hành nhà máy, không có vấn đề gì ngoài kiểm soát.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu đề xuất phải tiến hành đánh giá chi tiết mô hình cấu trúc và độ lớn động đất cực đại có khả năng phát sinh của các hệ thống đứt gãy khu vực huyện Kon Plông và lân cận. Song song với đó, thiết lập thêm 1 mạng quan sát động đất địa phương (gồm 5 trạm) tại khu vực này để kịp thời cập nhật thông tin, có dự báo chính xác hơn về động đất…
Kết luận cuối cùng về nguyên do động đất liên tiếp ở Kon Tum vẫn chưa được đưa ra.
Về nguyên tắc lý thuyết, sinh viên khoa địa chất được lưu ý rằng ở một số quốc gia, ngoài quá trình kiến tạo, động đất còn do các tác động của con người như hoạt động khai thác than đá, kim loại, hoạt động trữ nước lớn tại các đập thủy điện hoặc khai thác dầu mỏ, khí đốt.
Đơn cử, từ năm 2012 đến nay, khi hồ thủy điện sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam tích nước, động đất liên tiếp xảy ra ở khu vực này. Trận động đất lớn nhất ghi được có độ lớn 4,7 độ richter.
Hơn chục năm trước tại một hội thảo quốc tế chủ đề “Nguy hiểm động đất, sóng thần và các hệ thống cảnh báo sớm khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” do Viện Vật lý địa cầu – Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam tổ chức, tham luận cho biết tại Việt Nam, trong lịch sử đã ghi nhận một số trận động đất với cấp độ khá mạnh (6,7 – 6,8 độ richter) tại những đới đứt gãy dài hàng trăm km, như đới đứt gãy sông Hồng, sông Chảy, Sơn La, Sông Mã, đới đứt gãy 109…
Một số khu đô thị lớn hiện đang nằm trên các đới đứt gãy và có khả năng xảy ra những trận động đất có cấp độ rất mạnh như Hà Nội, đang nằm trên các đới đứt gãy sông Hồng, sông Chảy, sông Mã, Sơn La được dự báo phải chịu đựng chấn động cấp độ 8.
Đối với nguy cơ sóng thần ở Việt Nam, theo các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu, động đất có thể gây sóng thần nguy hiểm nhất cho vùng ven biển Việt Nam là động đất xảy ra tại đới hút chìm Manila.
Thời gian lan truyền sóng thần ngắn nhất từ đới này tới bờ biển Việt Nam là hai giờ. Vùng biển miền Trung từ Đông Hà tới Phan Rang là khu vực chịu ảnh hưởng sóng thần lớn nhất trên vùng lãnh thổ Việt Nam.
Khu vực biển miền Bắc và miền Nam ít có khả năng bị ảnh hưởng của sóng thần.
Trở lại với nghi vấn động đất do thủy điện tích nước ở Kon Tum.
Trong một báo cáo công bố vào tháng 11-2018 cho biết, trận động đất 2,6 độ Richter xảy ra ngày 21-11-2018 tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, gần khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 là trận động đất thứ 70 ghi nhận trong vòng 6 năm qua, khi thủy điện này bắt đầu trữ nước.
Đến tháng 10-2020, một báo cáo khác cho biết, sau khi thủy điện Sông Tranh 2 tích đầy nước, tại huyện Bắc Trà My và huyện lân cận xảy ra liên tiếp 5 trận động đất. Cụ thể, ngày 16-10-2020, Trung tâm báo tin động đất Viện Vật lý địa cầu cho biết lúc 7 giờ 19 phút sáng cùng ngày, một trận động đất có độ lớn 3 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 15.184 độ vĩ Bắc, 108.264 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Khu vực xảy ra trận động đất trên có thủy điện Sông Tranh 2. Trước đó, vào ngày 14-10, tại huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) – giáp ranh với huyện Bắc Trà My cũng xảy ra liên tiếp 4 trận động đất chỉ trong vòng 5 giờ.
Điều khá trùng hợp, 5 trận động đất này xảy ra khi thủy điện Sông Tranh 2 đang tích đầy nước. Theo đó, sau đợt mưa lũ từ ngày 6 đến 12-10, cao trình thủy điện Sông Tranh 2 đã dâng thêm hơn 20 m. Cụ thể, vào ngày 7-10, cao trình thủy điện Sông Tranh 2 chỉ tích được 145 m nhưng mực nước chiều 16 – 10 là 170 m.
Dữ liệu lưu trữ cho thấy có thể loại trừ việc “trùng hợp”, khi trận động đất ở Bình Thanh, Hòa Bình năm 1986 là một ví dụ điển hình. Khi đó, hồ thủy điện mới tích nước khoảng 86 m đã gây ra động đất mạnh 4,9 độ richter…