Hoài Nguyễn
(VNTB) – Dư luận đã không hề bất ngờ trước chuyện “đóng lại” nghi án kéo dài “đóng – mở lại” này.
Ngày 5-10, liên quan vụ Công ty Thuận Phong (thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) nghi sản xuất phân bón giả, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai xác nhận đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì không có dấu hiệu tội phạm. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản thống nhất quan điểm trên.
Hàng gian hay hàng giả?
Sự việc xảy ra vào ngày 22-4-2015. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 quốc gia) đã phối hợp với Ban chỉ đạo 389 Đồng Nai xác minh thông tin tố giác liên quan đến “hoạt động sản xuất phân bón giả” của Công ty cổ phần sản xuất thương mại và dịch vụ Thuận Phong tại địa chỉ Khu phố 7, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ “MADE IN USA” của Công ty Thuận Phong. Ngoài ra, theo thông báo kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, trong 29 mẫu phân bón đoàn liên ngành 389 gửi đi giám định chất lượng có 19 mẫu có kết quả kiểm tra các chỉ tiêu không phù hợp với mức đăng ký chất lượng trên bao bì sản phẩm.
Hơn 5 năm sau đó, sáng 10-11-2015, trả lời trước Quốc hội câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về việc làm rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc chậm trễ giám định bổ sung vụ việc Công ty sản xuất phân bón Thuận Phong, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, đây là vụ việc mà trước đây Phó Thủ tướng đã có ý kiến phát biểu tại Quốc hội. Trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan tư pháp, phải làm đúng theo quy định của pháp luật.
Theo Phó Thủ tướng, ngày 14-6-2019, Bộ Công an đã có văn bản số 465 báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về việc điều tra, xử lý việc sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong. Nội dung chính nêu do Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có văn bản trả lời yêu cầu giám định, cho nên việc xử lý phải chờ kết quả giám định theo quy định của pháp luật.
Sau đó thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực đã có chỉ đạo: Một là Bộ Công an chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ về quyết định của mình.
Thứ hai, yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực tại văn bản số 518 ngày 23-2-2018 và Văn bản số 2039 ngày 16-7-2018 của Văn phòng Chính phủ. Khẩn trương có văn bản gửi các cơ quan Cảnh sát điều tra về kết luận giám định, các vấn đề khác có liên quan theo đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan điều tra để xử lý dứt điểm vụ việc đúng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Phó Thủ tướng thường trực cũng đã có nhiều cuộc họp với các cơ quan có trách nhiệm liên quan. Theo đó, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan đánh giá về kết quả sản xuất của Công ty Thuận Phong xem ở đây có phải là hàng giả hay không? Vụ việc chưa chuyển sang các cơ quan tố tụng mà đang trong giai đoạn xem xét về hành chính; sau đó nhận thấy cần thiết phải có sự giám định.
Cho nên về mặt trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng cũng đã yêu cầu các bộ, ngành có ý kiến đánh giá, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan điều tra. Sau đó vụ việc đã chuyển sang cơ quan điều tra để tiến hành các hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có trưng cầu giám định.
Lòng vòng chuyển
Khi chuyển sang cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cũng đã có trưng cầu giám định và ngày 20-11-2019 Bộ Khoa học và Công nghệ đã có ban hành văn bản số 3721 kèm theo kết quả giám định theo yêu cầu của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai.
Ngày 3-4-2020, theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 05 gửi Bộ Khoa học, Công nghệ trưng cầu giám định bổ sung và ngày 2-11-2020 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Công văn số 3310 kèm theo kết quả giám định bổ sung theo yêu cầu của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai.
Trước đó, ngày 15-4-2020, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã nhận được kết luận giám định của Bộ Công Thương. Hiện nay vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tố tụng hình sự. Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và công nghệ đã có kết luận giám định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng hình sự.
Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với ngành Tư pháp đánh giá tài liệu, chứng cứ theo thẩm quyền, phải chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo không oan sai, không bỏ lọt tội phạm và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ.
Theo kết quả điều tra, Công ty Thuận Phong được cho là đã sử dụng thủ đoạn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài (năm 2014 nhập khẩu nguyên liệu trị giá hơn 17,5 tỷ đồng), sau đó đóng chai, in nhãn mác giả xuất xứ hàng hóa và tiêu thụ ra thị trường. Do vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, Đoàn công tác đã bàn giao vụ việc và chỉ đạo cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo pháp luật.
Ngày 12-1-2016, Bộ Khoa học và Công nghệ có công văn trả lời Công an tỉnh Đồng Nai liên quan đến vấn đề nhãn hàng hóa chai phân bón 1 lít của Công ty Thuận Phong. Cụ thể, Bộ này dẫn lại công văn đã gửi Văn phòng Chính phủ từ ngày 20-9-2015 khẳng định: Công ty Thuận Phong đóng chai dán nhãn chính bằng tiếng Anh là nhãn gốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ, dán nhãn phụ bằng tiếng Việt là hành vi giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác, giả mạo nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa.
Công văn do Thứ trưởng Trần Việt Thanh ký cho hay, dựa vào Điều 2 và Điều 9 của Nghị định 89 (2006) quy định về nhãn gốc hàng hóa và những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt trên nhãn hàng hóa nhập khẩu, việc chai phân bón 1 lít của Công ty Thuận Phong có gắn nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, nhãn phụ tiếng Việt ghi rõ “Phân Mỹ nhập khẩu” được hiểu là hàng hóa nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong thực tế, sản phẩm này không phải được nhập khẩu nguyên ở dạng chai 1 lít mà doanh nghiệp này tự sản xuất. “Vì vậy, chai phân bón 1 lít của Công ty Thuận Phong có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, thương nhân khác (nước ngoài), giả mạo nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa. Theo quy định tại Nghị định 185 (2013), hàng hóa có nhãn vi phạm như trên là hàng giả”, công văn của Bộ Khoa học và Công nghệ tái khẳng định về sản phẩm phân bón của Công ty Thuận Phong.
Lần thứ hai quyết định “không khởi tố vụ án”
Ở kỳ họp Quốc hội vào tháng 11-2017, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, vụ án phân bón Thuận Phong này có tới 6 bộ, ngành, trung ương đã thống nhất trả lời văn bản của Bộ Công an về kết quả giám định chất chính trong thành phần phân bón. “Có lúc tranh luận với nhau chất chính và thành phần chính, cuối cùng thống nhất thành phần chính là chất chính dưới 70%, nên chưa đạt, theo quy định của pháp luật là giả”, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Theo Phó thủ tướng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai hủy quyết định không khởi tố hình sự vụ án của Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai. Và sau đó thì Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật.
Ngày 5-10-2022, lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự tại Công ty Thuận Phong do không có dấu hiệu tội phạm.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm cộng với kết quả giám định xác định, không có dấu hiệu của tội phạm nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định không khởi tố vụ án.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng cho biết, đã nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự tại Công ty Thuận Phong của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh. Trên cơ sở kết quả kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xác định, quyết định không khởi tố vụ án hình sự là phù hợp nên đã có văn bản thống nhất quan điểm với cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự.
Theo quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, sau kiểm tra, xác minh nguồn tin báo về tội phạm xác định, hành vi nhập khẩu phân bón, sang chiết, đóng chai phân bón nhập khẩu; sản xuất và buôn bán phân bón của Công ty Thuận Phong chỉ là vi phạm hành chính, không cấu thành tội buôn bán hàng cấm và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón được quy định tại các Điều 155 và 158 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Như vậy, đây là lần thứ 2 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại công ty này.
Giới luật sư nói gì?
Hội Nông dân Việt Nam và Hội Phân bón Việt Nam có đơn mời 3 văn phòng luật sư tham gia bảo vệ quyền sử dụng phân bón của người nông dân, và quyền của nhà sản xuất phân bón ở vụ nghi án phân bón giả của Công ty Thuận Phong.
Trong văn bản kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ban ngành và tỉnh Đồng Nai, 3 văn phòng luật là Công ty Luật Hợp Danh Thiên Thanh – Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng – Công ty Luật TNHH Ánh Dương Việt đề nghị khởi tố vụ án hình sự đối với ông Khiếu Mạnh Tường – Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong vì đã có đủ dấu hiệu phạm tội quy định tại các Điều 156, Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo nhóm luật sư, hậu quả của nạn phân bón giả đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới 60 triệu người đang sống bằng nghề nông từ việc tiêu thụ hàng hóa là phân bón giả. Nhẹ thì thiệt hại mùa màng, nặng thì mất trắng. Cây chết là một nhẽ, tài nguyên đất đai bị xâm phạm nghiêm trọng do nạn sử dụng phân bón giả. Đất đai bạc màu, cằn cỗi, dẫn đến bần cùng hóa đời sống bà con nông dân.
Theo ước tính của các cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp mỗi năm thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng vì phân bón giả và ngành sản xuất phân bón thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng vì nạn phân bón giả. “Riêng đối với doanh nghiệp kinh doanh phân bón chân chính, sẽ bị tận diệt đi đến kinh doanh thua lỗ. Do hành vi cạnh tranh không lành mạnh nên đẩy các doanh nghiệp này đến bờ vực phá sản, kiệt quệ”, một đại diện của 3 văn phòng luật, ý kiến.
Vào tháng 3-2016, tại một cuộc họp của Bộ công an, sau khi nghe báo cáo từ các cơ quan tố tụng của tỉnh và các bộ, ngành liên quan, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương kết luận: Những hành vi sai phạm của Công ty Thuận Phong không có dấu hiệu tội phạm, không có căn cứ để xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Những sai phạm của Công ty Thuận Phong chỉ ở mức độ xử lý hành chính.
Trên cơ sở kết luận này, ngày 15-4-2016, Đại tá Lê Văn Hùng, Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ký quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Thuận Phong.
Lịch sử đã lặp lại đối với nghi án phân bón giả Thuận Phong: vi phạm hành chính.
***
Công ty Thuận Phong được Sở Kế hoạch – đầu tư cấp phép kinh doanh phân bón từ ngày 3-3-2003, với ngành nghề kinh doanh là nhập khẩu, sản xuất và buôn bán hóa chất, phân bón.
Công ty có trụ sở tại Khu phố 4, phường Tân Hiệp (thành phố Biên Hòa). Đến tháng 2-2015, vốn điều lệ của công ty lên 20 tỷ đồng. Do không được phép sản xuất tại trụ sở nên tháng 5-2013, ông Khiếu Mạnh Tường ký hợp đồng liên kết có thu với Chủ nhiệm Kho K888 (Bộ Quốc phòng) để sử dụng hơn 18 ngàn m2 đất của đơn vị này (tại khu phố 7, phường Long Bình, Biên Hòa) để lập nhà xưởng sản xuất. Ngoài ra, Công ty Thuận Phong đã xin phép mở 5 văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành: Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Đắk Lắk và Lâm Đồng.
2 comments
Cũng giống như campuchia xử ponpot cứt trâu để lâu hóa bùn
Chung chi đầy đủ, tối ngủ ngon lành!