VNTB – Đồng loạt kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

VNTB – Đồng loạt kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Hùng – Sơn

 

(VNTB) – Cần bãi bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vì làm khổ doanh nghiệp…

 

Tại hội nghị lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức, lãnh đạo Petrolimex, PVOil đã kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, vì việc duy trì quỹ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Tại Dự thảo lần 2 về Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương quy định trường hợp xăng dầu thế giới tăng ở mức…, chẳng hạn là 120 USD/thùng trở lên và duy trì trong 15 ngày liên tục, Bộ Công thương có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo chính phủ xem xét, quyết định trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu theo quy định tại Luật Giá.

Ở hội nghị lần này, Bộ Công thương xin ý kiến các tổ chức, cá nhân về mức giá xăng dầu thế giới cụ thể để áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhận định, thời gian qua, Quỹ Bình ổn gần như không cần trích chi sử dụng và thị trường vẫn diễn ra bình thường. Do vậy, việc duy trì quỹ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. “Trong khi duy trì quỹ, doanh nghiệp rất khổ do phải làm bảng kê lượng xuất bán, báo cáo, kiểm kê rồi thanh, kiểm tra. Như với Petrolimex, một năm thực hiện 11 triệu m3/tấn, số lượng rất lớn, kể cả dùng máy tính cũng có độ chênh lệch. Chỉ cần sai lệch nhỏ thì bị quy là sai phạm. Rất khổ”, ông Trần Ngọc Năm nói.

Ông Cao Hoài Dương – Chủ tịch Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) bày tỏ việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng khiến cho mỗi lần điều chỉnh giá, doanh nghiệp đau đầu tính toán xem quỹ sử dụng thế nào. Bởi giá xăng dầu hiện nay phụ thuộc vào giá thị trường, nhưng việc hình thành quỹ là từ nguồn lực của người dân đóng góp. “Từ trước đến nay, Nhà nước xây dựng quỹ bình ổn với thiện chí bình ổn cho người dân, nhưng giờ người dân cũng không cần thì sao chúng ta vẫn cố làm?” – ông Dương thắc mắc.

Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh trong trường hợp duy trì Quỹ bình ổn thì cần thiết lập cơ chế hình thành quỹ nộp vào Nhà nước như một khoản thuế và thay đổi cách thức sử dụng. “Quỹ này Nhà nước nên tập trung vào dự trữ xăng dầu quốc gia và khi cần bình ổn giá thì bán hàng dự trữ quốc gia ra thị trường. Việc sử dụng quỹ như vậy để thay cho cách làm hiện nay – sẽ khiến nhiều doanh nghiệp càng vướng vào lao lý vì thực hiện chi/trích lập quỹ bình ổn không thể kịp thời” – ông Bảo nhấn mạnh.

“Tôi cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây là Bộ Công thương điều hành giá xăng dầu nhưng chưa hướng đến người dân và doanh nghiệp. Ví dụ, trong các kỳ điều chỉnh vừa qua, nhẽ ra phải trích Quỹ bình ổn để chặn đà tăng hoặc những biến động trái chiều của giá xăng dầu, nhưng cơ quan điều hành không làm điều đó. Tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng cao không tính bằng việc tăng mấy nghìn đồng khi đi đổ xăng mà quan trọng là tính vào giá thành của doanh nghiệp, của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không kiểm soát giá xăng dầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chỉ số CPI, lạm phát” – ông Vũ Vinh Phú, cựu phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, ý kiến.

Trước hàng loạt kiến nghị trên về đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Phan Văn Chinh cho biết, trong Luật Giá, có quy định về 4 loại hình bình ổn giá, và mặt hàng xăng dầu thuộc 1 trong 4 loại hình này. Do vậy, ngay cả khi không nêu Quỹ Bình ổn giá trong Nghị định, thì quản lý giá xăng dầu vẫn phải duy trì quỹ này theo Luật Giá.

“Dự thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện và sẽ có giải trình cụ thể về các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm và xin ý kiến”, Vụ trưởng Phan Văn Chinh khẳng định.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)