VNTB – Năng lực quản trị quốc gia có vấn đề hay phe nhóm Đảng đang ‘đánh nhau’?

VNTB – Năng lực quản trị quốc gia có vấn đề hay phe nhóm Đảng đang ‘đánh nhau’?

Hiền Vương

 

(VNTB) – Ngày 11-11, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký công điện đóng dấu “hỏa tốc” yêu cầu Bộ Công thương khắc phục ngay thiếu hụt xăng dầu cục bộ từ 12-11.

 

Tuy nhiên thực tế thì đến tối ngày 12-11 theo báo chí tại Sài Gòn ghi nhận thì Bộ Công thương vẫn chưa thể “khắc phục ngay thiếu hụt xăng dầu cục bộ” theo mệnh lệnh hành chính của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Không có xăng, lấy gì bán?

Theo khảo sát của phóng viên báo Tuổi Trẻ, ngày 12-11 tại TP.HCM, nhiều hệ thống bán lẻ xăng dầu tư nhân vẫn treo biển “hết xăng”, “tạm dừng sửa chữa” hoặc bán buôn cầm chừng trong khi những cây xăng còn hoạt động thì số lượng người xếp hàng chờ vẫn rất đông.

Trạm xăng dầu số 99 trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) vừa bán với định mức 50.000 đồng/lần, vừa hạn chế lượng khách mua bằng cách dựng hàng rào thép phân luồng khách. Quản lý cây xăng cho biết nếu bán thả ga, không rào chắn thì khách đổ tới dồn dập, không chỉ hết hàng nhanh mà còn rất nhốn nháo.

“Bán theo định mức chỉ muốn cho hài hòa, ai đến cũng đều đổ được xăng, không ai phải dắt bộ đi về. Nếu bán tẹt ga thì cây xăng rất nhanh sẽ phải dừng hoạt động”, vị này nói.

Cách đó 500m, trạm xăng dầu khác treo bảng “hết xăng” trước ba trụ bơm. Nhân viên cho biết tình trạng này đã diễn ra cả tuần nay, khi nào có xăng sẽ bán lại nhưng khi nào thì nhân viên cũng chưa rõ.

Trong khi đó, cửa hàng xăng dầu Nguyễn Oanh trên đường Phan Văn Trị (Gò Vấp) dù mở cửa, cả ba trụ bơm đều sáng đèn nhưng khi có khách tạt vào mua xăng, nam nhân viên liền xua tay ra hiệu hết xăng và chỉ khách đi cây xăng khác.

Tương tự, cửa hàng bán lẻ xăng dầu Hoàng Phong trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cũng rào chắn tứ phía, bốn trụ bơm tối đèn, tạm dừng bán hàng.

Nhập về bán theo giá quy định là lỗ

Giải thích cho thực trạng trên, ghi nhận ý kiến từ một nhà báo chuyên trách về kinh tế, thì mệnh lệnh hành chính mà Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đưa ra với thời hạn phải hoàn thành trong tối đa 24 tiếng sau khi công văn hỏa tốc được phát hành, là bất khả thi.

“Bất khả thi vì Bộ Công thương và doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thời gian này vẫn đang thực hiện yêu cầu từ phía Bộ Tài chính là báo cáo chi tiết chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, kể cả các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, hao hụt, giám định… không bao gồm VAT. Thời kỳ thu thập số liệu báo cáo từ 21-10 đến 14-11.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi các báo cáo nêu trên, có so sánh, phân tích đánh giá so với kỳ báo cáo trước (1-6 đến 20-10); đánh giá cụ thể về tính bất thường và tác động đến hoạt động kinh doanh của đơn vị, kiến nghị, đề xuất. Thời hạn báo cáo trước 10g sáng ngày 15-11.

Thế nhưng ngay trong cả chuỗi yêu cầu trên của Bộ Tài chính cũng cho thấy bộ này đang ‘cố chấp’ về trình tự, khi trong văn bản trước đó từ phía thương nhân đầu mối gửi liên bộ Công thương – Tài chính, và gửi cả Chính phủ đều giải thích rõ về nguyên nhân khiến xăng dầu ách tắc. Theo đó, liên quan đến mức chi phí, phụ phí nhập khẩu đã được điều chỉnh tăng thêm 560 đồng/lít lên 1.280 đồng/lít áp dụng từ ngày 11-11, doanh nghiệp đầu mối cho hay “chưa dứt lỗ”.

Một thương nhân nhẩm tính mức tăng chi phí nhập khẩu ngày 11-11 vừa qua là khoảng 3,6 USD/thùng, lên mức 8,1 – 8,2 USD/thùng, trong khi chi phí nhập khẩu thực tế đã 9 – 10 USD/thùng. Như vậy, doanh nghiệp vẫn lỗ 1 – 2 USD/thùng riêng chi phí, phụ phí nhập khẩu.

“Hiện nay do chiến tranh, bất ổn nên chi phí nhập khẩu, phụ phí không theo mức bình thường, dẫn đến dù Nhà nước đã điều chỉnh chi phí lên nhưng vẫn không đủ với thực tế của doanh nghiệp, chúng tôi chỉ cần không lỗ là sẽ nhập”, thương nhân này nói.

Thấy ‘không còn đúng’, sao không thay thế?

Không riêng thị trường xăng dầu, đến nay thị trường dược phẩm điều trị, sinh phẩm y tế cũng tiếp tục khủng hoảng, bất chấp các ‘lệnh’ của Thủ tướng Chính phủ.

Trong phiên họp ngày 13-9-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói sẽ hỗ trợ hết sức để giải quyết tình trạng thiếu thuốc điều trị này. Thủ tướng đã tuyên bố rất hùng hồn: “Đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc tại một số cơ sở y tế, trong khi người dân ốm đau cần thuốc, chúng ta không thể ngồi nhìn.

Cương quyết không để vì vướng mắc quy định, thiếu trách nhiệm dẫn tới thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài. Ai làm sai phải xử lý, kỷ luật nhưng không để vì xử lý, kỷ luật mà ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân. Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm”.

Tuy nhiên, những quy định là nguyên nhân vướng mắc liên quan đến thiếu thuốc và vật tư y tế như Nghị định 98, Thông tư 14 và 15 mà các cơ sở y tế viện dẫn, hiện vẫn trong quá trình được các bộ liên quan thảo luận sửa chữa, chưa xong để có thể tháo gỡ các vướng mắc.

Và để giải quyết cho tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, nhiều nơi nhà chức trách dùng loại lý do là “đứt gãy nguồn cung”.

Nếu trong dịch Covid-19 thì chuyện “đứt gãy” hoàn toàn có lý và được thông cảm, nhưng đến nay gần như toàn thế giới đã bãi bỏ giãn cách xã hội, trở lại hoạt động bình thường, Việt Nam thực hiện bình thường mới từ tháng 10-2021, tức đã gần một năm, mà nguồn cung vẫn “đứt” là điều hết sức khó hiểu…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)