Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đóng tiền bảo hiểm xã hội ở mức 70% bình quân thu nhập

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Kiến nghị mức đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu bằng 70% bình quân tổng thu nhập của người lao động.

 

Với lý do nhằm hạn chế khả năng trốn tránh các khoản phải đóng của doanh nghiệp, tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị mức đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu bằng 70% bình quân tổng thu nhập của người lao động.

Lý do tăng: tại chủ doanh nghiệp ‘né’ đóng

Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một tổ chức thuộc Chính phủ, tổ chức này yêu cầu chủ doanh nghiệp phải đưa các khoản thu nhập khác như: Khoán sản phẩm (ngoài định mức lương), tăng năng suất lao động tính theo tỷ lệ %, hỗ trợ tiền nhà, tiền điện thoại, xăng xe, chuyên cần (chăm chỉ – ngày công lao động trong tháng) vào tính toán là thu nhập mà người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội.

Phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, lâu nay việc xây dựng tương quan giữa mức lương và các khoản thu nhập chưa có. Ví dụ như mức lương bằng bao nhiêu % tổng thu nhập, các khoản phụ cấp và phúc lợi khác.

Do phần đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của chủ sử dụng lao động chiếm tới 2/3 tổng số tiền phải đóng, dẫn tới nhiều doanh nghiệp cố tình lách để giảm bớt phần trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó – vẫn theo tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhiều chủ sử dụng lao động cố tình giảm mức đóng bảo hiểm xã hội để tăng trả cho người lao động, làm tăng cạnh tranh trên thị trường lao động.

Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội quy định mức đóng bảo hiểm xã hội là 32% mức tiền lương của lao động. Trong đó, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động đóng 21,5%, người lao động đóng 10,5%.

Cụ thể mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội 26% trong đó: người lao động đóng 8%, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động đóng 18%. Ở phần 18% doanh nghiệp, chủ sử dụng đóng  bao gồm: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Mức đóng bảo hiểm y tế 4,5% trong đó: người lao động đóng 1,5%, đơn vị đóng 3%. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 2%, trong đó người lao động đóng 1%, đơn vị đóng 1%.

Đừng so sánh thiệt hơn làm chi cho nhọc…

Giả sử, nếu tổng thu nhập của lao động được 10 triệu đồng/tháng, thì lao động phải đóng bảo hiểm xã hội dựa trên 70% trên mức thu nhập; tức là trong 10 triệu đồng đó, sẽ có 7 triệu đồng được tính làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội.

Với mức này, lao động và doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động sẽ phải đóng mức tiền bảo hiểm xã hội là trên dưới 2 triệu đồng. Trong đó, lao động đóng 10,5% và người lao động đóng 21,5%.

Phía tổ chức Bảo hiểm xã hội kêu gọi người lao động đừng so sánh thiệt hơn với Bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, nghĩa là không bị phá sản. Trong khi đó, các ngân hàng, công ty bảo hiểm thương mại hoạt động kinh doanh với mục đích sinh lời và có thể bị phá sản. Trong trường hợp ngân hàng, công ty bảo hiểm thương mại phá sản, tiền gửi tiết kiệm có thể bị mất trắng.

“Đừng so sánh thiệt hơn với Bảo hiểm xã hội”, vì người lao động được hưởng lợi khi chủ doanh nghiệp đã trả thay cho mình đến 21,5% trên tổng số tiền tương đương 32% mức tiền lương của lao động. Trong khi đó, nếu người lao động tham gia ‘bảo hiểm’ với các tổ chức khác, thì không nhận được sự bảo hộ của nhà nước khi phá sản, và cũng không có ai ‘đóng thay’ dù ở tỷ lệ phần trăm nào.

Nếu đúng như những tốt đẹp mà tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra qua cách tính toán thiệt hơn cho người lao động, vậy thì vì sao người lao động không thông qua tổ chức công đoàn cơ sở để đưa ra những đòi hỏi quyết liệt việc chủ doanh nghiệp phải tham gia đóng đầy đủ các yêu cầu bảo hiểm xã hội?


Tin bài liên quan:

VNTB – 3 đời thủ tướng vẫn nguyên một yêu cầu

Do Van Tien

VNTB – Vì sao tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam luôn thấp?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tham nhũng không vụ lợi?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo