VNTB – Làm sao để tạo phong trào dân chủ?

VNTB – Làm sao để tạo phong trào dân chủ?

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

(VNTB) – Công thức đã có, vấn đề là bắt tay thực hiện

Ngày 16 tháng 4, 2021

 

Câu hỏi, “làm sao để tạo phong trào dân chủ?”, đã được nêu lên vài lần trên Facebook và rất cần có câu trả lời. 

Lý thuyết dân chủ hoá được biết đến nhiều nhất nằm trong cuốn tiểu luận “Từ Độc Tài Đến Dân Chủ” của Gene Sharp. Theo đó, muốn dân chủ hoá thì phải tạo được một phong trào đề kháng hoà bình toàn xã hội với sự tham gia của đông đảo người dân. Đề kháng nghĩa là đẩy lùi sự lấn lướt của chế độ độc tài và dành lại không gian xã hội lẽ ra thuộc về người dân. 

Dựa vào công trình nghiên cứu 323 cuộc đề kháng dân sự và phong trào xã hội từ năm 1900 đến năm 2006, nhà nghiên cứu chính trị học Erica Chenoweth nhận xét rằng phong trào đề kháng ôn hoà hiệu quả hơn các chiến dịch vũ lực, và định lượng hoá mức đông đảo trong luận đề của Gene Sharp là 3.5% tổng dân số. (Đọc thêm: https://carrcenter.hks.harvard.edu/publications/35-rule-how-small-minority-can-change-world)

 

Áp dụng cho Việt Nam, muốn tạo phong trào dân chủ thì phải có khoảng 3.5 triệu người dân nhập cuộc. 

 

Làm sao đạt con số 3.5 triệu?

 

Rõ ràng những người hoạt động đơn lẻ, dù có tăng con số lên cách mấy, cũng sẽ không thể tạo nên phong trào với 3.5 triệu người tham gia. Trên thực tế, con số những người hoạt động đơn lẻ này ngày càng giảm. 

Muốn đạt con số hàng triệu, cách duy nhất là huy động từng nhóm đã sẵn gắn bó thành cộng đồng, như các cộng đồng tôn giáo, các cộng đồng sắc tộc, các cộng đồng của những người cùng cảnh ngộ… Một cộng đồng như thế có thể có từ vài chục đến vài nghìn người. Tạm cho dân số trung bình của một cộng đồng là 500 nhân khẩu, thì sẽ cần 7 nghìn cộng đồng.

 Câu hỏi được đặt ra kế tiếp là: Ai sẽ huy động các cộng đồng ấy? 

 

Đội ngũ lãnh đạo cơ sở

 

Nếu cứ một người có khả năng huy động 100 người khác thì sẽ cần đội ngũ 35 nghìn người có khả năng và kinh nghiệm. Tôi gọi họ là những người lãnh đạo cơ sở. Cộng đồng nhỏ có thể chỉ cần 2 hoặc 3 người , cộng đồng lớn thì 20 đến 30 người. Họ phải được đào tạo chuyên sâu về các khả năng huy động và điều động.

Con số 35 nghìn này có thể đạt được theo công thức “đa cấp”. 

Chẳng hạn, nếu 1 nghìn người được đào tạo ở đợt đầu; mỗi người ấy lại đào tạo thành công thêm 5 người ở đợt 2, thì con số 1 nghìn ban đầu đã trở thành 6 nghìn. Tiếp tục đợt 3, thì con số sẽ là 36 nghìn. Chỉ cần 3 đợt là đạt được chỉ tiêu. Nếu mỗi đợt kéo dài 2 năm thì sẽ mất 6 năm. 

 

Làm sao đào tạo?

 

Năm 2015 BPSOS mở chương trình đào tạo về khả năng điều hành và quản trị, gồm khoá căn bản 12 tháng và những khoá bổ sung ngắn hạn. Chương trình đào tạo bao gồm nhận diện vấn đề, tìm giải pháp, đề sách lược, lập kế hoạch, điều hành chương trình, quản lý các nguồn lực (tài chính, nhân sự, tri thức, định chế, và quan hệ xã hội), đối phó tình huống, liên kết, vận động, báo cáo vi phạm, truyền thông… Đến nay, trên 300 người đã qua đào tạo dài hạn và gần 1,600 người đã qua đào tạo ngắn hạn. 

Sắp tới đây, chúng tôi sẽ phổ biến nội dung giáo trình để mọi người có thể tự học, hoặc sử dụng giáo trình ấy để đào tạo cho người khác.

 

Làm sao huy động cả một cộng đồng?

 

Muốn huy động người dân trong một cộng đồng thì phải hướng họ đến một mục đích chung và mục đích ấy phải giải quyết một nhu cầu dân sinh chung. Tuỳ cộng đồng, nhu cầu ấy có thể là quyền tự do tôn giáo, quyền tiếp cận dịch vụ, quyền được bồi thường thoả đáng khi đất đai bị thu hồi, quyền có hộ khẩu và căn cước, v.v. 

Nghĩa là việc đào tạo đội ngũ lãnh đạo cơ sở phải hướng đến hậu dân sinh. Nó phải thực dụng và đáp ứng một nhu cầu thực tế chứ không thể khơi khơi, mang tính từ chương hay học thuật.

 

Làm sao kết nối các cộng đồng thành phong trào?

Các cộng đồng chỉ nối kết với nhau khi có cùng mục đích. Chẳng hạn, các cộng đồng tôn giáo dù có khác nhau về niềm tin tôn giáo vẫn có cùng mục đích là được thực hành tôn giáo riêng của mình. Hoặc các cộng đồng thiểu số dù khác sắc tộc vẫn có cùng mục đích được đối xử bình đẳng với mọi người dân khác.

Yếu tố cần thứ hai là đội ngũ lãnh đạo của cộng đồng phải nắm vững các nguyên tắc về nối kết. Vi phạm các nguyên tắc này thì nỗ lực nối kết hầu như sẽ thất bại. Các nguyên tắc về nối kết và hợp tác là một phần của chương trình đào tạo dài hạn kể trên.

Càng nhiều các cộng đồng hoạt động có quy củ và càng hợp tác chặt chẽ với nhau thì xã hội dân sự càng phát triển. Theo định nghĩa, xã hội dân sự là tổng hợp các tập hợp của người dân. Những người hoạt động riêng lẻ không tạo thành xã hôi dân sự và cũng không góp phần phát triển xã hội dân sự. 

 

Ai?

 

Ai sẽ thuộc đội ngũ nhân sự lãnh đạo cơ sở?

Thứ nhất, chính các cộng đồng sẽ chọn và cử những thành viên nào đáng tin cậy, có tâm huyết phục vụ cộng đồng, và có tinh thần kiên cường và bền bỉ để được đào tạo.

Thứ hai, chính mỗi cá nhân đang khao khát dân chủ tự quyết định trở thành một lãnh đạo cơ sở, chọn một cộng đồng để “hậu dân sinh”, và tự đào tạo. 

Kế đến, mỗi người khuyến khích thêm những người quen biết tham gia. Tự đạo tạo rồi đào tạo người khác chính là khai dân trí. Và việc khai dân trí phải khởi đầu với chính mình, phải thực dụng, và phải hướng đến hậu dân sinh.

 

Chế độ sẽ phản ứng ra sao?

 

Đương nhiên nhóm cầm quyền trong một thể chế độc tài sẽ tìm cách bảo vệ vị thế độc tôn. Họ có 3 cách.

 

Cách thứ nhất là đàn áp bằng bạo lực, án tù, sự sách nhiễu. Biện pháp này là hạ sách vì chỉ có thể áp dụng lên số người hoạt động đơn lẻ hoặc những nhóm người tự xưng là tổ chức nhưng thực tế là lỏng lẻo, ô hợp. Biện pháp này vô hiệu đối với một cộng đồng với hàng trăm con người gắn bó, bền chặt với nhau. Một người bị khựng lại thì trăm người khác vẫn tiến bước. Không những thế, chế độ ở Việt Nam đang có nhu cầu hội nhập quốc tế để sinh tồn và phải e dè và đắn đo trước áp lực của thế giới tự do, nếu áp lực ấy có thực chất. Trong hai thập niên qua, BPSOS đã vận động được quốc tế quan tâm thực sự đến một số lĩnh vực nhân quyền cụ thể như tự do tôn giáo, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền lao động… Tính tổ chức chặt chẽ trong nội bộ cộng đồng cộng với sự lưu tâm của quốc tế có tác dụng “chấn dân khí.”

Cách thứ hai là chia rẽ phong trào bằng những thoả hiệp, dù chỉ trong giai đoạn, với một số thành phần trong phong trào. Đây là trung sách vì chỉ mang tính cách cầm chừng. Số thành phần được thoả hiệp có thể giảm bớt tính năng động trong một thời gian; sau đó, với khả năng, bản lĩnh và kinh nghiệm có sẵn, họ sẽ lại tiếp tục đòi thêm quyền và lợi ích trong những lĩnh vực khác. 

Cách thứ ba, và đây mới là thượng sách, chế độ sẽ chạy đua về tạo phong trào. Muốn thế, họ sẽ phải đào tạo đội ngũ lãnh đạo cơ sở thực sự, nghĩa là có khả năng suy đoán, có tư duy khoa học, biết phân tích vấn đề, biết đề ra giải pháp, biết giải toả mâu thuẫn trong sự tương kính và ôn hoà… Nếu thế thì chế độ cũng đang góp phần dân chủ hoá. Bằng ngược lại, nếu chế độ tiếp tục đào tạo những người chỉ biết tuân phục và theo đuôi thì cả 4 triệu đảng viên cũng sẽ thua 35 nghìn người lãnh đạo thực sự có bản lĩnh, tri thức, kinh nghiệm và năng lực.

 

Kết luận

 

Người ta hay than rằng người Việt thiếu đoàn kết nên không tạo được phong trào. Nhưng thế nào là đoàn kết? Nếu không có định nghĩa mang tính hiện thực hoá thì mãi mãi chỉ là những khái niệm mông lung, không bao giờ thực hiện được. Định nghĩa của tôi về “đoàn kết” là trạng thái của một nhóm người theo đuổi cùng mục đính bằng cùng một công thức – và công thức ấy phải đủ đơn giản và dễ làm để ai ai cũng có thể tự mình ứng dụng. 

Khi các thành viên trong một cộng đồng cùng theo đuổi mục đích chung thì là thoả mãn vế thứ nhất của định nghĩa. Ở mức toàn xã hội, khi các cộng đồng khác nhau kết lại vì cùng mục đích thì cũng đáp ứng được vế thứ nhất. 

Còn vế thứ hai, công thức chung và đơn giản như sau:

(1) Ai đồng ý với những điều trình bày ở trên thì xung phong để tự đào tạo thành nhân tố lãnh đạo cơ sở, hiểu theo nghĩa là trực tiếp phục vụ cho một cộng đồng cụ thể. 

(2) Chọn một cộng đồng cụ thể để “hậu dân sinh”. Ai không có đối tượng phục vụ cụ thể thì kỳ tình là phục vụ cho chính mình.

(3) Học cách tiếp cận các chương trình hỗ trợ mà BPSOS đã thiết lập để dễ dàng hơn trong việc khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Các chương trình này gồm các khoá đào tạo dài và ngắn hạn (nội dung sắp được phổ biến), thông dịch/phiên dịch, báo cáo vi phạm, vận động quốc tế, trợ giúp pháp lý, kết nối với các nguồn lực ở hải ngoại, và truyền thông.

Với công thức này, mỗi người đều có thể chủ động góp phần tạo phong trào, tự kiểm soát tiến độ khai dân trí, tự đo lường mức độ chấn dân khí, và đánh giá kết quả hậu dân sinh của chính mình. 

Nhiều người cùng thực hiện song song, không nhất thiết phải biết nhau hoặc ưa nhau, miễn cùng theo đuổi mục đích chung và dùng chung một công thức thì sự đoàn kết sẽ là đương nhiên. 

Đấy là công thức tạo phong trào quần chúng không cần lãnh tụ mà dựa trên đội ngũ lãnh đạo cơ sở giỏi, có bản lĩnh, có kinh nghiệm và đi sát với quần chúng. Hãy khởi đầu với chính mình. Hãy tự đào tạo thành một người lãnh đạo cơ sở cho một cộng đồng nhất định.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)