VNTB – Mối duyên của tôi với Trần Thuỳ Mai

VNTB – Mối duyên của tôi với Trần Thuỳ Mai

Bùi Minh Quốc

(VNTB) – Đó là mối duyên trên con đường chiến đấu cho tự do (chứ không phải…)

 

Sự này được “cấp chứng từ” bằng 2 câu thơ của Nguyễn Duy (trong diễn ca về đại hội lần thứ 4 Hội Nhà văn Việt Nam tháng 10-1989, một đại hội được chờ đợi suốt 6 năm kể từ đại hội 3 họp đại biểu năm 1983, viết nóng và lan truyền ngay khi đại hội sắp bế mạc):

Thuỳ Mai nước mắt lưng tròng

Cõng Bùi Minh Quốc thoát vòng hiểm nguy

Chả là dạo tháng 6-1989, tôi và Tiêu Dao Bảo Cự bị bí thư tỉnh uỷ Lâm Đồng ký quyết định khai trừ, cách chức, sau khi chúng tôi thực hiện một chuyến công tác mà công luận gọi là “chuyến đi Xuyên Việt” lấy chữ ký vào TUYÊN BỐ CỦA CÁC CÔNG DÂN VÀ VĂN NGHỆ SĨ HƯỞNG ỨNG ĐỔI MỚI đòi tự do sáng tác, thực hành dân chủ.

Vụ này đã gây sôi động dư luận trong và ngoài nước suốt một năm cho đến trước ngày đại hội của Hội Nhà văn. Ban tổ chức đại hội thông báo sẽ họp đại hội toàn thể, nhưng tôi, và nhiều bạn hữu trong và ngoài Hội vẫn phấp phỏng không biết Bùi Minh Quốc có được mời dự hay không.

Tuy vậy, trong khi chờ đợi, tôi vẫn chuẩn bị bản tham luận của mình.

Cùng với bản tham luận, tôi viết kèm một đề nghị về đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Hội (căn cứ nghị quyết Đại hội 6 của Đảng). Đề nghị này mang tên “Thành lập UỶ BAN CÁC NHÀ VĂN VIỆT NAM THAM GIA ĐẤU TRANH LÀM SÁNG TỎ NHỮNG ĐIỀU OAN ỨC TRONG XÃ HỘI”.

Tôi viết như một “Dự án”, nêu ra rất cụ thể về cơ cấu tổ chức, nhân sự, nội dung và phương thức hoạt động của UỶ BAN. Chủ tịch uỷ ban toàn quốc là nhà văn Trần Bạch Đằng, phó chủ tịch thường trực là nhà văn Nguyên Ngọc (khi ấy đã bị mất chức tổng biên tập báo Văn Nghệ, về cơ quan Hội phụ trách công tác hậu cần cơm áo gạo tiền chuẩn bị cho đại hội).

Bên dưới Uỷ Ban toàn quốc có các Uỷ Ban vùng miền. Phương thức hoạt động là phát huy tính tích cực chủ động của các nhà văn có nhiệt huyết tham gia đấu tranh, hoàn toàn không xin kinh phí nhà nước mà dùng nhuận bút của bản thân và các bạn đọc hâm mộ góp nên quỹ của Uỷ Ban.

Viết xong tôi rất đắc ý với cái “Dự án” này, cho là mình đã làm được nhiệm vụ tiên phong thực hiện chủ trương “Đổi mới tư tưởng gắn liền với đổi mới tổ chức” của đại hội Đảng lần thứ 6.

Tôi cũng biết tuy đại hội 6 đã đề ra như thế nhưng cái “dự án” này vẫn là chuyện cấm kỵ.

Bằng chứng là chuyến đi xuyên Việt của tôi và Tiêu Dao Bảo Cự lấy chữ ký hưởng ứng đổi mới, chúng tôi làm rất đúng điều lệ Đảng, rất đúng chủ trương Đại hội 6, nhưng vẫn bị quy kết phi lý và khai trừ cách chức.

Vậy thì việc quan trọng có tính quyết định là làm sao công bố được “Dự án” tại đại Hội của Hội nhà văn. Làm sao đây?

Chỉ có mỗi cách tìm nhờ một bạn văn nào đó cùng chung tâm huyết có nhiều khả năng lên diễn đàn, bởi vì có thể tôi không được mời dự đại hội, mà nếu được mời cũng khó có thể giành được mươi phút trên diễn đàn. Nhờ ai đây? Tôi nghĩ ngay đến Trần Thuỳ Mai.

Bởi Mai là người rất nhiệt tình với hoạt động của tôi và Tiêu Dao Bảo Cự, khi nghe tin chúng tôi bị kỷ luật, Mai thường xuyên viết thư chia sẻ và động viên, gửi cả sữa bột cho Cu Boong (Bùi Minh Quân) nhà tôi khi ấy mới hơn 1 tuổi.

Mà nữ sĩ Trần Thuỳ Mai, một ngòi bút tinh tế nổi tiếng, một tính cách dịu dàng hiền hậu hiếm thấy, hiển nhiên là người khiến các vị chức sắc điều hành đại hội khỏi phải lăn tăn gì khi xếp cho một xuất trên diễn đàn.

Thế là tôi lên đường ra Huế ngay khi nhận được giấy mời. Trên đường đi, tôi dừng lại ở Nha Trang một ngày, gặp Cao Duy Thảo, người bạn chiến đấu thân thiết từ thời Văn nghệ Giải phóng Khu 5, và mới năm ngoái đã cùng anh Đào Xuân Quý với tôi và Tiêu Dao Bảo Cự thông qua và tổ chức công bố lấy chữ ký vào TUYÊN BỐ CỦA CÁC CÔNG DÂN VÀ VĂN NGHỆ SĨ HƯỞNG ỨNG ĐỔI MỚI.

Nha Trang là nơi khởi phát bùng nổ sự kiện ký tên vào TUYÊN BỐ chính là nhờ tinh thần tích cực đổi mới của anh Đào Xuân Quý và Cao Duy Thảo, hai cán bộ trụ cột của Hội Văn Nghệ Phú Khánh lúc bấy giờ.

Đọc “Dự án”, Thảo rất nhất trí với tôi. Tôi đưa Thảo cầm một bản đánh máy và nhờ: Cậu phải đăng ký phát biểu sớm và nếu lên được diễn đàn thì ngay sau phần tham luận, phải tranh thủ trình bày “Dự án” này. Thảo vui vẻ nhận lời.

Ra Huế thì đoàn nhà văn Huế đã đi Hà Nội. Ra Hà Nội, tôi liền tìm gặp Trần Thuỳ Mai, trình bày công việc và nhờ Mai như đã nhờ Cao Duy Thảo. Mai vui vẻ nhận lời ngay.

Đại hội 4 Hội Nhà văn Việt Nam mở ra sôi động ngay từ phút đầu khi bầu Đoàn chủ tịch. Theo thông lệ trước nay, Ban tổ chức đại hội giới thiệu danh sách Đoàn chủ tịch, mọi thành viên tham dự đại hội giơ tay thông qua là xong, rất nhanh, không đầy 5 phút.

Nhưng nay thì khác, danh sách vừa đọc xong, nhà nghiên cứu phê bình Phan Hồng Giang giơ tay và đứng lên phát biểu, ông nêu thắc mắc:

 – Trong danh sách giới thiệu có nhà văn Tô Hoài, nhưng tôi biết chắc trong túi ông Tô Hoài đang có tấm vé ngày mai bay đi Cai-rô (Ai Cập), vậy không nên để một người trong Đoàn chủ tịch mà người ấy lại vắng mặt.

Ông Tô Hoài vốn nổi tiếng là người đi nước ngoài nhiều nhất trong Hội nhà văn, đã đạt mức một trăm mấy chục chuyến, nay lại thêm nổi tiếng về sự ham hố vừa muốn giữ xuất đi nước ngoài lại đồng thời giữ luôn cả một ghế (rồi để trống) trong chủ tịch đoàn đại hội.

 Cả đại hội ầm ầm cười rộ và biểu thị nhiệt liệt đồng ý với ý kiến nhà văn Phan Hồng Giang. Ông Tô Hoài đành phải đứng lên xin rút tên khỏi Đoàn chủ tịch. Đại hội bầu bổ sung nữ thi sĩ Ý Nhi vào Đoàn chủ tịch. Thế là cái sự sắp đặt theo nếp cố hữu bấy lâu tưởng không bao giờ thay đổi đã bị xô rệu.

Một thắng lợi bước đầu của đổi mới, trước hết là đổi mới phương thức tiến hành đại hội. Tinh thần đổi mới bắt đầu dâng cao, khí thế đổi mới bắt đầu dậy sóng.

Sóng cuộn lên dữ dội với tham luận rực lửa của nhà văn nữ Dương Thu Hương khi chị khẳng định quan điểm cần phải đảo ngược định đề “Nhân Dân biết ơn Đảng” thành “Đảng biết ơn Nhân Dân”; chị dõng dạc nhấn mạnh giữa hội trường Ba Đình: với tất cả sự hy sinh vô bờ bến của Nhân Dân cho đất nước này mà Đảng được cầm quyền thì Đảng phải biết ơn Nhân Dân chứ không thể Đảng lại tự hô lên “Nhân Dân biết ơn Đảng”.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo lên diễn đàn, mở đầu tham luận của mình bằng câu chuyện cười ra nước mắt: “Bố tôi hỏi tôi, nhà văn các anh là cái thứ gì mà người ta trói, rồi cởi, rồi lại trói như trói gà trói vịt thế hả ?”T rần Mạnh Hảo nêu rõ tình trạng nhà văn đang bị trói trở lại, bằng chứng là vụ khai trừ, cách chức Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự.

Trần Thuỳ Mai lên diễn đàn, với một giọng Huế ngọt ngào nhỏ nhẹ, chị đề cập thẳng vào sự kiện 118 (sau này thống kê đầy đủ là 128) công dân và văn nghệ sĩ ký tên hưởng ứng đổi mới và vụ khai trừ cách chức Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, hai cán bộ chủ chốt của Hội Văn Nghệ Lâm Đồng.

Chị nói:

– Đảng và nhà nước nắm quyền lực trong tay, quyền lực ấy là sức mạnh thiêng liêng do Nhân Dân giao phó để lãnh đạo và quản lý đất nước này. Nếu dùng quyền lực ấy để làm những điều kinh động nhân tâm, ta cũng có thể làm cho công chúng phục tùng trong một thời gian nào đó.

Nhưng đó chỉ là sự phục tùng giả tạo, xây dựng trên nỗi sợ hãi và bất bình câm lặng. Đó không phải là sự ổn định và trật tự lý tưởng của đất nước này mà chỉ dẫn đến sự tê liệt tinh thần của xã hội mà thôi.

Sợ hãi, phục tùng và tê liệt tinh thần, đó là bi kịch của một thời đã xảy ra mà chúng ta bây giờ không ai còn muốn nhắc đến, càng không muốn quay trở lại. (…) Quyền lực của lãnh đạo chỉ thực sự là sức mạnh khi đi đôi với quyền lực của chân lý .(…)

Chúng tôi nói lên những điều này không chỉ vì sinh mệnh chính trị của hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự. Chúng tôi nói với tất cả tấm lòng của người công dân nhiệt thành để báo động với Đảng của mình rằng khi con đường dẫn đến với Đảng bị ngăn trở, khi trong xã hội không có không khí đối thoại thực sự, khi quyền lực đã ra mặt bất chấp lý lẽ, khi các nguyên tắc của một xã hội dân chủ bị vi phạm, đấy là khi khởi đầu một điều rất lớn, rất đáng sợ, đáng sợ hơn cả âm mưu của chủ nghĩa đế quốc, đó là THẢM HOẠ MẤT LÒNG TIN.

Những điều đanh thép chí lý ấy, Trần Thuỳ Mai nói lên trong nghẹn ngào, cố ngăn nước mắt, gây xúc động mạnh cho toàn đại hội (sau đại hội vài hôm, tôi được nhà văn Hoài Vũ thuật lại cho biết: “Ông Chín Cần, tức Nguyễn Văn Chính, phó ban thường trực Ban tổ chức trung ương Đảng,  đã khóc khi đọc bản tham luận của Trần Thuỳ Mai”).

Cùng với bản tham luận dưới hình thức “Thư gửi đại hội” của nhà văn Trần Độ, trưởng Ban văn hoá văn nghệ trung ương Đảng, vì vắng mặt nên uỷ quyền cho giáo sư Nguyễn Văn Hạnh phó ban đọc vào cuối phần tham luận, bản tham luận của Trần Thuỳ Mai được đại hội dành cho những tràng vỗ tay sôi động nồng nhiệt kéo dài nhất.

Trần Thuỳ Mai rời diễn đàn ngay khi đọc xong tham luận, không thấy tranh thủ công bố “Dự án” giúp tôi như đã hẹn.

Sau đại hội, Mai cho tôi biết có một sự cố xảy ra bất ngờ nên không thể thực hiện được lời hứa: Bản “Dự án” Mai cất trong túi xắc để trong phòng (nhà khách chính phủ) bị ai đó lấy mất.

Cao Duy Thảo cũng kể với tôi: không biết làm thế nào mà ông Nguyễn Chí Trung (nhiều năm sau làm trợ lý cho tổng bí thư Lê Khả Phiêu) biết Thảo có bản “Dự án”, ông ấy đòi bằng được, Thảo đành phải nộp, và ông đem đi báo cáo Ban bí thư (ông Trung là cấp trên trực tiếp của tôi và Thảo trong thời chiến).

Nhà văn nữ Lê Minh, một trong hai nhân vật nữ trong Đoàn chủ tịch đại hội, gặp riêng tôi, tỏ ra rất lo lắng cho tôi, chị nài nỉ: “Ôi Quốc ơi, việc của em nghiêm trọng lắm, để chị đưa em lên gặp anh Nguyễn Đức Tâm (trưởng Ban tổ chức trung ương Đảng), em trình bày với anh ấy để anh ấy thông cảm…”.

Tôi trấn an lại chị “ Chị yên tâm, em làm theo đúng nghị quyết đại hội 6 mà, để từ từ em sẽ liệu…”, tất nhiên tôi thừa biết cái sự “đúng nghị quyết”  chẳng là cái đinh gì với các ông ấy, chị Lê Minh lại càng biết điều đó, biết từ lâu rồi.

Tôi gửi cho Ban chấp hành Hội nhà văn bản tham luận của mình tại đại hội mang tên “Trách nhiệm của nhà văn với sự nghiệp dân chủ hoá” (không được lên diễn đàn vì không đến lượt dù đăng ký sớm với Đoàn chủ tịch), kèm theo là bản “Dự án”.

Sau đó hơn 1 tháng, tôi nhận được công văn của Ban chấp hành Hội Nhà văn VN do chủ tịch Hội Vũ Tú Nam ký ngày 10/01/1990 có đoạn như sau:

“ …

6/- Về đề nghị của đ/c thành lập “Uỷ ban các nhà văn Việt Nam tham gia đấu tranh làm sáng tỏ những điều oan ức trong xã hội”, Ban chấp hành đã thống nhất ý kiến như sau:

– Công việc tổ chức “Uỷ ban” này không phù hợp với chức năng của Hội ghi trong Điều lệ đã được Đại hội thông qua.

– Bằng sáng tác và phát biểu trên công luận các nhà văn còn tham gia đấu tranh chống sự bất công trong xã hội. Còn về tổ chức, các cơ quan chức năng của Nhà nước, Quốc hội và Đảng đã có sẵn bộ máy chuyên lo. Hội ta không thể có đủ người, thời gian, phương tiện để làm việc này.

Xin trả lời đ/c rõ.

Kính chúc đ/c sức khoẻ”.

Đấy, đầu đuôi mối “duyên” của tôi với Trần Thuỳ Mai là như thế. Mong Trần Thuỳ Mai, Cao Duy Thảo sẽ đọc bài này và đính chính giùm những chỗ tôi nhớ nhầm.

 Đà Lạt 04-04-2021


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)