Việt Nam Thời Báo

VNTB- Dư âm biểu tình ngày 5/3/2017

Nguyễn Tường Thụy

(VNTB) – Cuộc tranh luận đã gây ra sự chia rẽ không nhỏ trong phong trào dân chủ và giữa những người đấu tranh trong nước với hải ngoại. Điều này thật đáng buồn. Nếu chỉ là sự khác nhau về cách nhìn thì không nên gay gắt như vậy.



Cuộc biểu tình ngày 5/3/2017 đã nổ ra ở Sài Gòn, Nghệ An, Hà Tĩnh. Hà Nội thì không. Tại Sài Gòn, cuộc biểu tình đã bị đàn áp, nhiều người bị bắt đi, có người đến bây giờ (gần hết ngày 6/3) vẫn chưa biết bị giam ở đâu.
Nếu xét về tính chất, cuộc biểu tình ngày 5/3 không có gì đặc biệt hơn trước. Biểu tình đã nổ ra ở một số nơi với hàng nghìn người xuống đường. Việc đàn áp bắt bớ của nhà cầm quyền lại xảy ra như nó đã nhiều lần xảy ra. Nếu đáng nói thì đó là chuyện Hà Nội không nổ ra biểu tình và qui mô biểu tình không xứng với một cuộc biểu tình toàn quốc như lời kêu gọi. Nhưng dù sao cũng mới chỉ bắt đầu cho một đợt biểu tình lớn.
Dù sao thì như thế cũng là thành công. Thứ nhất là đã nổ ra biểu tình và thứ hai là có rất nhiều gương mặt mới tham gia trong khi nhiều gương mặt quen thuộc trong các hội nhóm xã hội dân sự vắng bóng.

Điều đặc biệt ở chỗ khác
Nhưng cuộc biểu tình lần này có một điều rất đặc biệt, không phải vì cuộc biểu tình diễn ra như thế nào. Trước ngày biểu tình đã có một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình thất bại tới 99%. Ngoài ra còn những ý kiến có thể khiến nhiều người phân tâm.
Ngay sau khi cuộc biểu tình kết thúc, trên mạng xã hội đã xảy ra những cuộc tranh cãi gay gắt mà khởi đầu từ một số người chỉ trích người kêu gọi biểu tình bằng những từ ngữ khá thô tục, độc địa. Sự gay gắt đến mức làm tôi liên tưởng tới một trận đánh bị thất bại nặng nề, chưa từng bao giờ hao quân tổn tướng như thế nên giờ phải kiểm điểm, qui trách nhiệm.

Về lời kêu gọi
Mọi người đều biết, cuộc xuống đường ngày 5/3/2017 là do Linh mục Nguyễn Văn Lý kêu gọi. Đúng ra là Cha Lý kêu gọi xuống đường vào các ngày nghỉ, bắt đầu từ 5/3, chứ không chỉ kêu gọi vào ngày 5/3. Gần ngày biểu tình, có một số người kêu gọi theo như nội dung mà Cha Lý đã nêu. Số này có ông Đào Minh Quân và Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài đang bị truy nã (cũng cần tính đến khả năng ai đó giả mạo Trịnh Xuân Thanh).
Như vậy, người xuống đường nghe theo Cha Lý, Ông Quân hay là Trịnh Xuân Thanh? Rõ ràng là nếu xét về uy tín thì nếu ai có nghe là nghe theo Cha Lý chứ không phải là ông Quân hay ông Thanh. Ngoài uy tín, Cha Lý là người đứng ra kêu gọi, còn hai ông kia chỉ là “ăn theo”. Dù có tập trung sự chỉ trích vào ông Quân thì Cha Lý cũng bị tổn thương vì ông là người kêu gọi. Đã có cả những lời khiếm nhã nhằm vào Cha Lý.
Về Tập hợp Quốc dân Việt, trả lời BBC, Linh mục Nguyễn Văn Lý xác nhận ông là người thay mặt cho THQD Việt kêu gọi biểu tình. Ông cũng cho biết, vì một số vấn đề tế nhị nên tổ chức này tạm thời ẩn danh, chưa thể ra mặt”.
Việc THQD Việt tạm thời ẩn danh là do yêu cầu hoạt động. Chỉ cần biết họ là cộng sự của Cha Lý là được. Không nên chửi họ là tổ chức ma, nói thế cũng là xúc phạm đến Cha Lý. Tôi tin Cha Lý không bao giờ đi với ma quỷ. Ông thay mặt tổ chức này kêu gọi biểu tình là ông đã xác định trách nhiệm. Cha Lý đâu phải là người ngây thơ, dại dột.
Cho rằng kêu gọi biểu tình phải là người có uy tín – điều này không sai nhưng nói ra điều này trong khi chỉ trích cuộc biểu tình ngày 5/3 thì các bạn đã xúc phạm đến Cha Lý, cho rằng Cha Lý không có uy tín.
Nhưng, điều này mới là chính. Người xuống đường biểu tình là do nhu cầu của bản thân chứ không phải xuống đường vì người kêu gọi. Họ bức xúc, họ cần cất lên tiếng nói đòi quyền sống, quyền làm người, thì họ xuống đường. Họ biết cả cái giá phải trả. Cha Lý hay ông Quân, ông Thanh không thể xúi giục họ được. Đừng chê người biểu tình ngu dại nghe theo lời kêu gọi viển vông. Không thể cho rằng mấy ông kêu gọi đẩy người dân vào chỗ chết. Mà nói thế chẳng hóa ra các bạn khuyên người ta đừng đi biểu tình nữa, ở nhà cho an toàn?

Tội của người kêu gọi?
Có một điều lạ là cho đến bây giờ, sau một ngày quy tội, các bạn ấy vẫn không vạch ra tội của người kêu gọi là như thế nào để có thể thuyết phục người khác?
– Biểu tình bị đàn áp ư? Thì trước nay có mấy cuộc biểu tình không bị đàn áp?
– Người biểu tình bị bắt ư? Đi biểu tình không có ai bị bắt mới là chuyện lạ
– Người biểu tình bị đánh ư? Chuyện này cũng xưa như trái đất.
Chuyện bị đàn áp, bắt bớ, đánh đập là do nhà cầm quyền gây nên, người kêu gọi muốn cũng không được. Thế nhưng, thay bằng việc lên án nhà cầm quyền thì các bạn lại đổ lỗi và quy trách nhiệm cho người kêu gọi.
Các cuộc biểu tình trước đây cũng diễn ra như thế sao không thấy ai quy kết cho người kêu gọi?
Khó hiểu ở chỗ ấy.
Không thể đổ việc biểu tình bị đàn áp, bị đánh đập bắt bớ cho người kêu gọi. Ngược lại người kêu gọi còn có công làm nổ ra cuộc biểu tình ngày 5/3/2017. Công này nếu tính đến thì là của Cha Lý chứ không phải là ông Quân hay ông Thanh nào đó.
*
Những ý kiến quy kết gay gắt về cuộc biểu tình ngày 5/3/2017 là không đáng có, nó chẳng có cơ sở nào. Những bạn có quan điểm ấy không nhiều và lý lẽ không chắc nếu không nói là phi lý. Vì vậy, rất đông bạn đứng về phía phản biện. Tuy nhiên, cuộc tranh luận đã gây ra sự chia rẽ không nhỏ trong phong trào dân chủ và giữa những người đấu tranh trong nước với hải ngoại. Điều này thật đáng buồn. Nếu chỉ là sự khác nhau về cách nhìn thì không nên gay gắt như vậy.

Tin bài liên quan:

VNTB – Luật sư Nguyễn văn Đài bị bắt theo điều 88

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Nguyễn Tường Thụy đối thoại với báo Petrotimes

Phan Thanh Hung

VNTB- Đi bộ đội

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo