Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Du học xong về hay ở” là căn cơ vào sự tự do

Lữ Hành Gia (VNTB) Vấn đề về hay ở sau khi đi du học là một vấn đề nan giải của bất kỳ quốc gia nào chứ không chỉ riêng ở những nước đang phát triển như Việt Nam .Thậm chí là không chỉ nước ta mà bất kỳ quốc gia nào cũng có nguy cơ mất nhân tài nếu đặt trong bối cảnh hiện nay khi mà các giá trị tinh thần đang dời đổi .

Đúng là khái niệm du học để trở về phò trợ quốc gia từ lâu là một giá trị rất thiêng liêng trong tiềm thức của công dân các quốc gia. Ví như Nhật Bản thời kỳ Duy tân đã cho thấy họ phải bôn ba để học hỏi kỹ nghệ khoa học, tư duy xã hội của trời Âu để về thúc đẩy đất nước của họ theo kịp để tránh họa xâm lăng, đặt mình ngang hàng với phương Tây. Việt Nam ta cũng thế, phong trào Đông Du của cụ Phan cũng lại kêu gọi hàng trăm thanh niên đi đến Nhật Bản học tập để về phò trợ cứu quốc, thanh niên trong phong trào như nhận lãnh cái sứ mệnh của cả một tập thể quốc gia phía sau, mang trong mình cái ý chí chung đó là làm sao để nước nhà trước là độc lập sau là phú cường .Và cũng còn nhiều quốc gia trong cơn bĩ cực cũng có những bước đi tương tự .

Nhưng giai đoạn đó đã qua từ lâu lắm rồi mà với bao sự dời đổi tiếp theo của lịch sử thì cái ý chí tinh thần vào thời điểm đó so với thời nay cũng đã thay đổi chuyển dịch theo.


Vì đất nước bây giờ đã độc lập, không còn bị đô hộ vậy nên tinh thần phò trợ quốc gia lúc đang nguy khốn dưới ách đô hộ cũng không còn. Thời thế lúc đó đặt nước ta vào tình trạng khẩn cấp hơn bây giờ rất nhiều tựa như một bệnh nhân cần phải mang đi cấp cứu kịp thời vậy. Nước nhà thì đang bị nô dịch, độc lập chủ quyền bị xếp xó và nghèo nàn vậy nên sự khát khao cống hiến cho cái chung là lý tưởng của thanh niên, sĩ phu lúc đó, thời thế đặt cho họ tư thế dẫu là làm gì cũng phải có lý tưởng mang đến độc lập giàu mạnh cho quốc gia, thế nên thời đó mới có những phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, Đông Kinh Nghĩa Thục của cụ Lương Văn Can, rồi đến cả tư tưởng ‘Khai Dân Trí, chấn Dân Khí, hậu Dân Sinh’ của cụ Phan Châu Trinh... đều là những hành động vì cái ý chí chung mang trong mình trách nhiệm với cả tập thể quốc gia

Thế nên cái tinh thần vì cái sự nghiệp chung đó là chiếc đèn phóng chiếu cho các hoạt động của các thế hệ công dân, vậy thì du học về xây dựng tổ quốc vào thời điểm đó là một trách nhiệm mà thời thế đặt cho.

Những hoàn cảnh lịch sử khi đó đã đặt tầng lớp nhân dân vào một hiện trạng như thế. Nhưng vào thời nay những hiện trạng khẩn cấp đó đã đi vào dĩ vãng mà hiện trạng đất nước hiện nay đã khác hẳn xưa, vì đất nước bây giờ đâu còn phải đối mặt với cơn bĩ cực nô dịch nên cái tinh thần cũng chuyển dịch sang hình thái khác. Trong tiềm thức công dân thì chắc hẳn nghĩ rằng cái căn bản mục tiêu cao nhất là “thoát nô dịch khỏi thực dân đế quốc” thì đã xong, vậy nên cái tinh thần cho sự nghiệp chung bây giờ đã bị chuyển hóa thành phục vụ cái cá nhân là nhiều hơn thành ra nghĩ cũng là cho cá nhân, làm cũng là cho cá nhân, cái “đấu tranh cho độc lập nước nhà” giờ đây nhường chỗ những tinh thần vị bản thân, vị tự do cá nhân trước tiên. Lúc trước là vì nhà mà xông pha, nay thì trước hết là phải vì mình.

Đặt vào bối cảnh giao lưu tư tưởng, văn hóa Đông –Tây thì có thể thấy rằng phương Đông vốn mang những giá trị cộng đồng, tức là cái chung rất mạnh nhưng từ khi có sự giao lưu với trời Tây thì những giá trị tự do cá nhân dần dần đang len lỏi vào tâm thức tư tưởng của những nước Châu Á mà dần dần chúng sẽ làm chuyển hóa hoặc phá vỡ những cấu trúc tinh thần mag tính cộng đồng tập thể tồn tại cố hữu trong xã hội phương Đông, nhu cầu về sự tự do càng mạnh. 

Những cá nhân sống trong tính cộng đồng trong khoảng thời gian quá dài thì chắc hẳn khi tiếp xúc với những giá trị tự do mà nó lại mang tính phục vụ cho cái cá nhân riêng tư thì tất nhiên nó sẽ có sức hấp dẫn rất mạnh. Thế nên bây giờ đừng quá ngạc nhiên khi những du học sinh nước ta hoặc những nước khác có thể sau bao năm du học nước ngoài thì cố gắng ở lại chứ không muốn về vì có thể cái tinh thần cá nhân đang nổi lên thay thế cho những lời kêu gọi tinh thần cống hiến, cũng đừng quá sốc khi nhận ra rằng họ du học vì bản thân nhiều hơn là quê hương, tức là điều mà cha ông họ từng đấu tranh hàng thập kỷ trước đó. Chúng ta nên can đảm nhìn thẳng vào sự thật.

Quốc gia lúc này có thể không là cái ý niệm nặng nề phải tòng phục như trước mà đơn giản chỉ tùy thuộc vào ý muốn của họ đó là “Tôi thích thì tôi làm, không thích thì tôi không làm”. Nói vậy không có nghĩa là họ không còn yêu nước mà là sự yêu nước của họ mang một trạng thái khác hoàn toàn so với thời kỳ cha ông, nó xuất phát từ nền tảng tự do ý chí, tự do cá nhân, tự do tư tưởng thực hiện hoài bão, toàn tâm với điều mình trân quý đối với đất nước nhiều hơn là sự hoà tan vào tinh thần tập thể quốc gia trước kia.

Nhu cầu tự do cá nhân là cái phổ quát vậy nên nó sẽ hiện diện ở bất cứ nơi nào kể cả là Việt Nam hay các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp Những công dân các quốc gia phương Tây được lớn lên trong sự ý thức về tự do cá nhân nên chắn chắn họ cũng lấy đó là cái nền tảng trong hoạt động của mình. Từ đó mới có khái niệm về “Công dân toàn cầu” tức là một người có thể làm việc, sinh sống tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì thế du học sinh sau khi hoàn thành việc học cũng có thể làm việc tại bất cứ đâu theo ý thức tự do cá nhân của họ, hoàn toàn là cái phản chiếu của sự mong muốn tự do cá nhân.

Vậy kết luận rằng hiện nay du học sinh nước ta được gửi đi du học ngày càng nhiều nhưng muốn giữ được chất xám có lẽ là cần thỏa mãn một cách nhất định các giá trị tự do cá nhân của mọi người. Nhất là trong cách hành xử với nhân tài, kể cả điều kiện chính sách đối với họ thì phải xem trọng thay vì gò ép, thậm chí đàn áp nguyện vọng, tự do cá nhân của họ. Bởi vì họ cũng sẽ lấy cái ý thức tự do cá nhân là nền tảng của sự cống hiến, thế thì nơi nào có những điều kiện làm việc phản ánh được ước muốn tự do đó của họ thì tất nhiên sẽ giữ được họ.

Vừa rồi dư luận có nhắc đến anh Doãn Minh Đăng là cựu thí sinh Olympia, hiện là giảng viên Đại học Cần Thơ đang có một số vấn đề với cách quản lý hành xử của trường đối với anh.

Thiết nghĩ anh Đăng có thể không muốn tham gia vào quy hoạch ban giám hiệu là vì anh muốn có sự tự do nhất định trong nghiên cứu khoa học mà nếu tham gia thì có lẽ thời gian dành cho công việc hành chánh, họp hành Đảng ủy chắc chắn sẽ lấn át thời gian dành cho chuyên môn của anh mà thay vào đó là những công vụ mang tính chính trị khô khan. Thế nên lựa chọn của anh Đăng có thể là một sự mong muốn tự do và độc lập trong việc thực hiện hoài bão mà không bị giới hạn bởi ý chí tập thể, đó có thể vừa là đáp ứng được cái cái nhân, vừa là thỏa mãn sự cống hiến của anh cho cái chung.

Trong xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tính động đồng rất mạnh và nó lan tỏa bám rễ vào mọi lãnh vực, nhất là về mặt hành chánh – chính trị vẫn còn cái cơ chế xin-cho, kềm hãm sự tự chủ,cơ quan chủ quản lẫn nhà quản lý đôi khi quản lý một cách chủ quan muốn mọi thứ phải theo ý muốn của mình thì điều này đã mâu thuẫn với cái tâm thức mong muốn sự linh hoạt, thông thoáng, tự do của những cá thể khác.

Các cá nhân muốn cống hiến chắc chắn sẽ bị dội ra nếu họ mắc phải sự cứng nhắc, tính áp đặt quyền lực tập thể quá cao trong việc sử dụng chất xám, thành ra thái độ của nhân tài lúc đó chỉ còn là thái độ đương đầu với cơ quan chủ quản chứ không còn là thái độ cống hiến vì khi họ cảm thấy sự tự do thoải mái bị chèn ép mà hoàn toàn bị hòa tan vào cái quyền lực tập thể.

Vậy thì không thể không thừa nhận sự tự do phải thúc đẩy các giá trị tự do thay vì cứ hô hào tấm lòng yêu nước mà phải khiến người du học phải trở về cống hiến trong sự tù túng.

Tin bài liên quan:

VNTB – Về làm gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tiền đâu để du học?

Do Van Tien

VNTB- Nước mắt người tự ứng cử và ‘quyền lực tập thể’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo