Kỳ Lâm
(VNTB) – 20 danh mục ngành nghề được Bộ Công thương đưa vào dự thảo nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước gây ra nhiều tranh luận, đa phần là trái tinh thần cạnh tranh của nền kinh tế thị trường.
Thủ tướng Phúc đang muốn gom độc quyền nhà nước đến mức tối đa? |
Trái tinh thần Thủ tướng và tinh thần thị trường
20 danh mục ngành nghề độc quyền nhà nước do Bộ Công thương công bố đi từ hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; phát hành xổ số; sản xuất vàng miếng, dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng cho đến xuất bản, công ích phát hành báo chí…
Báo Tuổi Trẻ 15/02 đã đặt câu hỏi, liệu rằng dự thảo có trái với tinh thần Thủ tướng? Người từng nhấn mạnh tại cuộc họp tổng kết ngành công thương diễn ra đầu năm 2017 là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển với tinh thần “nếu tư nhân làm tốt, hiệu quả, chúng ta để cho tư nhân và doanh nhân làm”.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được Bizlive dẫn quan điểm phản đối. Theo ông, Điều 4.1 của Dự thảo cho biết lý do vì sao nhà nước độc quyền là không thuyết phục, bởi: dù một số ngành nghề mà tư nhân không muốn tham gia do doanh thu không đủ bù chi phí, tuy nhiên xã hội vẫn có nhu cầu dưới hình thức hàng hóa, dịch vụ công ích (1); “độc quyền Nhà nước” là hệ quả của việc tư nhân không muốn tham gia, biến thành “cấm tư nhân tham gia” là bất hợp lý nếu một ngày tư nhân muốn tham gia (2); việc cấm tư nhân tham gia một số ngành nghề liên quan đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia là chưa thỏa đáng bởi có thể kiểm soát tác động tiêu cực có thể được thực hiện bằng phương pháp điều kiện kinh doanh, cơ chế kiểm tra, giám sát.
Trên tinh thần đó, ông Đậu Anh Tuấn yêu cầu “loại bỏ toàn bộ các ngành nghề được đưa vào danh mục với lý do tư nhân không thể hoặc không muốn tham gia”; xác định thời hạn độc quyền nhà nước với ngành nghề; và thay Nghị định trên bằng một đạo luật bởi chỉ đạo luật của Quốc hội mới hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân.
Ngoài ra, sự độc quyền 20 ngành nghề cũng trái ngược với tinh thần tự do cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Vốn là một nguyên tắc mà Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn muốn được quốc tế công nhận để giành thế chủ động hơn trong vay mượn tín dụng quốc tế; chống bán phá giá hàng hóa,… Tuy nhiên, hiện nay – 2 thị trường lớn của Việt Nam là EU và Mỹ vẫn chưa công nhận, lý do vì chính quyền Hà Nội vẫn chưa chuyển đổi nền kinh tế theo 5 tiêu chí đề ra. Trong đó có tiêu chí “không phân biệt đối xử giữa các khu vực doanh nghiệp”, loại bỏ vai trò can thiệp của nhà nước khiến hoạt động của các khu vực doanh nghiệp bị biến dạng. Nhưng với dự thảo nêu trên, thì Việt Nam đã chà đạp lên tiêu chí này, điều đó đồng nghĩa, tìm kiếm sự công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường từ Mỹ – EU là khoảng cách còn rất xa.
Nhìn sang Trung Quốc, Ấn Độ
Khu vực châu Á nổi lên hai nền kinh tế năng động là Ấn Độ và Trung Quốc, và động lực phát triển của cả hai là nằm ở vai trò được đề cao của khu vực kinh tế tư nhân. Thống kê trong lĩnh vực công nghiệp vào năm 2001, số lượng công ty tư nhân tham gia là 110.634 (chiếm 86,1%), so với 11.670 công ty thuộc khu vực công. Đặc biệt, khu vực tư nhân đóng vai trò chủ đạo trong tạo ra cơ hội việc làm trong nước. Một số lượng lớn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, nằm dưới sự kiểm soát của khu vực tư nhân. Nó chứng tỏ rằng ngành công nghiệp quy mô vừa và nhỏ tạo ra gấp nhiều hơn lượng việc làm hơn so với các ngành công nghiệp quy mô lớn. Ở mức độ đóng góp 51,2% so với 44,3% của khu vực công.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai nền kinh tế tăng trưởng nóng trên thế giới, với động lực lớn từ khu vực DNTN |
Bản thân khu vực tư nhân đóng vai trò đầu tàu trong cho ra kỹ thuật mới, với sản xuất và thiết bị nhà máy – máy móc trên cơ sở lợi nhuận. Trong lĩnh vực nghiệp, khu vực tư nhân chiếm 22% ngành nghề với 60% tổng số lao động.
Trong khi đó, tư nhân là khu vực thúc đẩy nền tăng trưởng mạnh của Trung Quốc trong những năm gần đây, nhất là khi nước này mở cửa – đặc biệt là với việc cho ra đời Luật doanh nghiệp năm 1993 xác định lại vai trò đúng đắn của DNTN trong nền kinh tế. Việc nhà nước Trung Quốc từ bỏ kiểm soát giá thị trường của hầu hết mặt hàng tiêu dùng, cho phép công ty tư nhân tham gia và rút sự “chủ đạo” của hệ thống nhà nước đã tạo điều kiện cho tự do hóa tài chính mạnh hơn trong nền kinh tế.
Từ năm 1970 đến nay, sự tham gia của khu vực KTNN trong một số lĩnh vực đã giảm. Trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp nhà nước chỉ còn giới hạn sản xuất trong nông trường quốc doanh vốn chiếm 1% về lực lượng nông nghiệp và 3% giá trị sản lượng nông nghiệp trong năm 2011. Trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm sản xuất, khai thác mỏ, các công ty nhà nước chiếm gần 80% vào năm 1980, nhưng đến năm 2011, giảm xuống còn 25%.
Quay trở lại Việt Nam
Sự độc quyền ngành giúp cho khu vực DNNN tồn tại được trong thời điểm cạnh tranh và toàn cầu hóa hiện nay. Tuy nhiên, nó cũng khiến cho ngân sách nhà nước bị thâm thủng nghiêm trọng.
Năm 2015, thống kê cho thấy nửa triệu DNTN đang hoạt động và đóng góp khoảng 30% ngân sách nhà nước và 40% GDP. Năm 2016, thống kê trước khi đẩy mạnh cổ phần hóa, DNNN chiếm 60% nguồn lực, nhưng chỉ đóng góp 40% tổng GDP. Trong khi các DN ngoài nhà nước chỉ chiếm 40% nhưng lại đóng góp đến 60 % tổng GDP của cả nước.
Nợ công Việt Nam vượt trần dẫn đến báo động tài khóa nhà nước có sự đóng góp không nhỏ từ nhiều tập đoàn nhà nước chủ đạo kinh doanh theo triết lý “lấy lỗ làm lãi”.
EU và Hoa Kỳ làm thế nào công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường khi Hà Nội không tôn trọng tính cạnh tranh và bình đẳng doanh nghiệp |
Trong khi đó, DNTN nhiều lần được nhấn mạnh là cứu cánh của nền kinh tế. Theo TS. Đinh Tuấn Minh – Thành viên Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho biết, trong bối cảnh Mĩ rút khỏi TPP thì muốn đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,7% như kế hoạch đề ra, Việt Nam cần ban hành các chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết, bên cạnh thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Trước đó, trong Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”. Điều đó cho thấy, việc Bộ Công thương ban hành danh sách “cấm” DNTN tham gia 20 ngành nghề đã – đang và sẽ đẩy nền kinh tế Việt Nam rơi vào thế khó.