Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dự thảo Luật công đoàn sửa đổi vẫn còn tránh né?

Phương Nguyên

 

(VNTB) – Dự thảo Luật công đoàn sửa đổi, theo hoạch định thì sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

 

Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã trình bày tóm tắt về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) ở kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo quan sát của người viết bài này thì dường như nhà chức trách Việt Nam vẫn tiếp tục đầy thận trọng cho thay đổi về các vấn đề pháp lý để tương thích với những thỏa thuận cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Góc nhìn của luật sư Lữ Bỉnh Huy – một chuyên gia pháp lý về các vấn đề quan hệ lao động, thì trước bối cảnh Việt Nam ngày càng gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như nhiều công ước quốc tế có liên quan đến lao động và công đoàn, cho nên một số điều khoản trong Luật công đoàn năm 2012 không còn phù hợp với thực tiễn.

Trên cơ sở nên Bộ luật lao động ban hành ngày 18-6-2012 và có hiệu lực kể từ ngày 01-5-2013 đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần và bãi bỏ một số nội dung. Đến năm 2019, trước những yêu cầu cấp bách về hội nhập quốc tế dẫn đến cần thiết việc tạo dựng hành lang pháp lý nhằm bảo đảm quyền tự do hiệp hội, và thúc đẩy thương lượng tập thể của người lao động đang trở thành yêu cầu tiên quyết và bắt buộc.

Luật sư Lữ Bỉnh Huy cho rằng theo Bộ luật lao động năm 2019 thì bên cạnh tổ chức công đoàn cơ sở, còn có các tổ chức đại diện của người lao động sẽ được thành lập tại doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề ở đây là việc phân chia tài chính công đoàn như thế nào để công bằng và sử dụng hiệu quả cũng như phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế.

“Có lẽ phương án hợp lý là phí công đoàn cần được phân chia theo tỷ lệ đoàn viên của các tổ chức đại diện người lao động trong doanh nghiệp, những nơi chỉ có tổ chức công đoàn cơ sở mà chưa có thêm tổ chức đại diện nào, thì phí công đoàn do tổ chức công đoàn quản lý và sử dụng cho các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động”, luật sư Lữ Bỉnh Huy đề xuất.

Vấn đề khác. Nếu vẫn giữ nguyên tắc của việc tổ chức công đoàn là tổ chức chính trị xã hội, không phải tổ chức xã hội đơn thuần, thì khi người nước ngoài tham gia thành viên của công đoàn, họ sẽ có quyền, nghĩa vụ tuân thủ luật và điều lệ công đoàn như thế nào để phù hợp cách hiểu tương thích với các thỏa thuận với cộng đồng quốc tế của nhà nước Việt Nam?

Với vấn đề trên, cảm giác chủ quan của người viết bài này thì dường như các nhà làm chính sách vẫn còn ngại ngần chuyện thể chế chính trị trong khuôn phép quy định của Đảng còn cao hơn cả hệ thống pháp luật quốc gia; tức quyền tự do chính trị của giới lập pháp phải chịu giới hạn theo mệnh lệnh của Đảng.

Trong bối cảnh đó thì quả thật khó đối với phía chấp bút soạn thảo, rằng một mặt phải đúng yêu cầu đường lối của Đảng, mặt khác lại phải đáp ứng những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam thỏa thuận ký kết. Theo đó cộng đồng quốc tế đã đặt ra yêu cầu rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ lao động và “nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động – công đoàn”.

Ở đây có lẽ phía soạn thảo lúc chắp bút đã lúng túng đối với trường hợp Luật công đoàn năm 2012 mở rộng đối tượng tham gia công đoàn đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thì cần phải quy định theo hướng nào để một mặt vẫn loại bỏ được các hành vi lợi dụng tự do lập hội để thực hiện mưu đồ chính trị, chống phá đất nước, phá hoại tổ chức công đoàn; mặt khác vẫn đáp ứng yêu cầu “nội luật hóa” về quyền tự do liên kết công đoàn, quyền tự do lập hội?

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nguyên tắc Paris là gây khó với Hà Nội

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Xây dựng cơ chế tài chính độc lập cho hoạt động của công đoàn và các thành viên

Phan Thanh Hung

VNTB – VCCI: thay tên để phù hợp thời thế?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo