Loan Thảo
(VNTB) – Nếu muốn sử dụng bảo hiểm y tế thì đừng có bệnh nặng vào quý cuối năm!
Đơn giản thôi: bảo hiểm y tế không chịu trả tiền, thì ngưng không nhận khám chữa bệnh nữa, khi nào có tiền thì hoạt động lại. Cấp quản lý nào có bức xúc, thì cấp tiền cho bệnh viện đi…
Nghe cứ như đang giỡn cù nhây: các bệnh viện luôn phải nhận một hạn ngạch về chuyện chữa trị bệnh nhân có sử dụng bảo hiểm y tế. Khi đã hết “quota” vì bệnh nhân đổ xô tìm đến khám đông quá thì cơ quan bảo hiểm y tế sẽ không chi trả số tiền vượt “hạn ngạch” đó. Chính điều này dẫn tới lời khuyên là nếu có bị bệnh nặng tới mức phải nằm điều trị nội trú và có sử dụng bảo hiểm y tế, tốt nhất là hãy chọn thời gian bệnh trong khoảng từ 6 đến 9 tháng đầu năm (!?).
Lý do, hiện nay, tiền thu bảo hiểm y tế nộp hết về trung ương, và từ đó giao về lại cho các tỉnh theo định mức hạn ngạch nào đó. TP.HCM cũng được giao khoán, kể cả khoán bệnh nhân từ các tỉnh về khám chữa bệnh… Điều này dẫn đến hiện tượng vào các tháng cuối năm, dự toán chi các tỉnh gần hết thì những bệnh nhân nặng sẽ được chuyển lên TP.HCM, và các bệnh viện ở TP.HCM phải gánh. Mặt khác, còn có hiện tượng các bệnh viện trong cùng tỉnh sẽ “chuyển qua, chuyển lại” để giúp ‘cân bằng’ dự toán.
Theo báo cáo của bệnh viện Ung bướu TP.HCM, năm 2019, bệnh viện vượt chi 50 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm nay bệnh viện vượt chi 50%, 8 tháng vượt chi 70% và dự báo đến cuối năm sẽ vượt chi tiếp. Nguyên nhân được những nhà quản lý nơi đây đưa ra, là do bệnh ung thư nặng từ các tuyến chuyển lên rất nhiều mà bệnh viện thì không thể từ chối. Bệnh viện cũng đã báo cáo Sở Y tế TP.HCM để làm cơ sở giải trình khi vượt chi.
“Đa số bệnh nhân đã điều trị ở các tuyến trước rồi nên khi đến bệnh viện Ung bướu đã rất nặng, cần dùng biệt dược, mà biệt dược thì rất mắc tiền. Bệnh viện đã cố gắng cân nhắc giảm nhiều loại biệt dược từ 50% xuống còn 40%, 35%” – trích báo cáo của bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Bệnh viện tuyến cuối sợ “ôm bệnh” là vậy.
Hồi đầu năm nay, trong hội nghị triển khai công tác phối hợp giữa cơ quan bảo hiểm xã hội TP.HCM với báo chí, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, năm 2019 TP.HCM hơn 7,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tỉ lệ bao phủ đạt 89,1%. Nhóm hộ gia đình tăng mạnh nhưng còn thấp, học sinh sinh viên tham gia cũng đạt mức cao.
Năm 2019, TP.HCM thu quỹ bảo hiểm y tế là 12.400 tỉ đồng, quỹ được sử dụng 90% (11.200 tỉ đồng), chi bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của TP.HCM là trên 10.000 tỉ đồng, như vậy kết dư quỹ bảo hiểm y tế của TP.HCM xấp xỉ 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, quỹ bảo hiểm y tế ở TP.HCM chi cho bệnh nhân ngoại tỉnh tại TP.HCM là khoảng 10.000 tỉ đồng, tăng chi 10% so với năm 2018.
Theo ông Mến, giải quyết thanh toán tiền bảo hiểm y tế năm 2019 với cơ quan cấp trên là đầy khó khăn, vì giao quỹ bảo hiểm y tế theo phương thức giao tổng mức thanh toán 2019 trên cơ sở thanh toán của năm 2018.
Vấn đề đặt ra: vì sao Chính phủ Việt Nam không để việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế diễn ra tự nhiên – nghĩa là, các khoa lâm sàng điều trị người bệnh chỉ chú trọng vào công tác chuyên môn, chờ cơ quan bảo hiểm xã hội giám định và khi có thông báo xuất toán thì mới giải trình; hoặc khi bị vượt quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, hoặc vượt trần đa tuyến đến (là những thuật ngũ được dùng trước đây, hiện nay không còn khái niệm vượt quỹ hay vượt trần), thì báo cáo giải trình, và chờ được giải quyết.
Theo cách phân bổ dự toán chi như trong tình hình vài năm trở lại đây, chắc chắn rằng các bệnh viện sẽ rơi vào tình trạng vượt dự toán chi, và phải tự giải quyết vì kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được giao hết theo dự toán, mặc dù quỹ bảo hiểm y tế vẫn được giữ lại 10% để điều phối khi có biến động khách quan về tình hình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện – như phát sinh dịch vụ kỹ thuật mới; mở rộng phạm vi chuyên môn, mở thêm cơ sở khám chữa bệnh,…
Bệnh viện Chợ Rẫy từng yêu cầu Bảo hiểm xã hội TP.HCM đưa ra cơ sở pháp lý của việc giao dự toán chi khám chữa bệnh cho bệnh viện. Tuy nhiên, khi tiếp nhận câu hỏi này, ngành bảo hiểm đã không đưa ra được văn bản nào, chỉ giải thích việc giao dự toán chi khám chữa bệnh là căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bởi vậy nên nhớ cho kỹ nếu muốn sử dụng bảo hiểm y tế thì đừng có bệnh nặng vào quý cuối năm, tội cho thầy thuốc xứ mình lắm!