Việt Nam Thời Báo

VNTB – Được quyền im lặng thì mất quyền tự bào chữa: Ông Nguyễn Hòa Bình vì ai?

Thiên Điểu

Ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC

(VNTB) – Xét trên vai trò ĐBQH, phát ngôn của ông Nguyễn Hòa Bình rõ ràng chỉ nhằm giành quyền tự quyết định số phận người dân vào tay VKS. Một thứ quyền tréo ngoe với chính chức danh mà VKS đang nắm giữ!
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC, ĐBQH khẳng định: “khi sử dụng quyền im lặng, bị can, bị cáo sẽ phải bỏ đi quyền khác, đó là quyền tự bào chữa. Anh được quyền này, mất quyền khác. Cơ quan điều tra cho phép anh quyền tự bào chữa, nếu anh nói về hành vi tội phạm của mình đúng bản chất anh sẽ được hưởng sự khoan hồng, thậm chí là tình tiết giảm nhẹ. Tôi nghĩ ta phải nói đúng bản chất quyền này”.

Dư luận lề trái trong nước lập tức có những phản ứng trước phát ngôn nói trên. Tuy nhiên, các tờ báo lề phải và thông tin từ các cấp chính quyền liên quan chưa có bất kỳ phát biểu nào về nội dung này. Điểm đáng chú ý là ngay cả các ĐBQH – nơi mà ông Bình đưa ra phát ngôn với tư cách ĐBQH cũng chưa có ai lên tiếng.

Xung quanh nội dung phát ngôn của mình, ông Bình dẫn giải nhiều suy luận… không giống ai khiến người nghe dù là người nông dân thất học cũng lấy làm lạ.

Ông Bình lấy tư cách nào để phát ngôn như vậy?

Lạ thứ nhất là với tư cách Viện trưởng VKSNDTC, phát ngôn của ông có thể nói là thông điệp bác một phần nội dung trong dự thảo về Luật tố tụng hình sự – rõ ràng là một áp đặt vượt quyền với QH vì điều đó đang ở giai đoạn thảo luận và hoàn toàn nằm trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan lập pháp cao nhất là QH chứ không phải ở một đại biểu hay một quan chức chính quyền.

Lạ thứ hai nếu xét trên vai trò là ĐBQH, nội dung ông đề cập là nội dung thuộc về các quyền cơ bản của công dân. Nên nhớ là Công dân chứ chưa phải là tội phạm cho đến khi Tòa án có phán quyết phạm tội hay không! Vậy phát ngôn của ông Bình bảo vệ ai?

Trên thế giới: Hầu như tất cả các nước đều cùng công nhận hoặc mặc nhiên thừa nhận cả quyền im lặng và quyền tự bào chữa. Bởi nó là hai nội dung nhưng chung một vấn đề: Quyền con người cơ bản và nguyên tắc quản lý xã hội.

Quyền im lặng của công dân nhằm xác quyết nhiệm vụ điều tra hành vi tội phạm thuộc về cơ quan điều tra. Lực lượng hưởng lương từ chính công dân đóng thuế để nuôi dưỡng. Đây là khía cạnh phân chia nhiệm vụ quản lý xã hội của chính quyền. Người dân không có nghĩa vụ phải chứng minh mình có tội. Im lặng để tránh những xung đột, mâu thuẫn với tình trạng làm dụng quyền lực, làm dụng nghề nghiêp để bức ép hoặc gài bẫy vì người dân không thể hiểu rõ luật pháp bằng chính nhân viên của cơ quan điều tra.

Quyền tự bào chữa là quyền tự bảo vệ chính đáng các quyền và nghĩa vụ của mình trước luật pháp. Về mặt chuyên chế của chế độ, nó cho phép người dân giảm thiểu thiệt hại khi hệ thống hành pháp bị mua chuộc hay có sai phạm đồng thời là kênh đối chứng tính hợp lý, công bằng của luật pháp trong tố tụng. Những thứ đang bị vi phạm nghiêm trọng đến kinh tởm nhất ở một chế độ tham nhũng mà Việt Nam là một nước điển hình bởi các kiểu xử án bỏ túi, tráo đổi chứng cơ, gày bẫy…

Thử đặt giả thiết: Một bị can bị cáo buộc dùng quyền im lặng để hệ thống pháp luật phải thực thi hết nhiệm vụ của mình, nhưng quyền bào chữa cuối cùng lại rơi vào tay một luật sư được chính quyền chỉ định hay bị bên nguyên mua chuộc bằng tiền bạc thì sẽ ra sao?

Ở một khía cạnh khác: Theo cách thức thực hiện tố tụng ở Việt Nam, Cơ quan CSĐT thụ lý và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. VKS phê chuẩn dựa vào tình tiết giải trình  chỉ mang tính nghi vấn của CSĐT. Sau khi hoàn tất điều tra thì VKS giữ quyền công tố và xác định tội danh trước tòa án. Quy trình này cho thấy một lỗ hổng nghiêm trọng là: Người làm hồ sơ (CSĐT) biết rõ có tội hay không, điều tra viên hoàn toàn có thể thay đổi hồ sơ bất cứ lúc nào cho đến khi hoàn tất  hồ sơ điều tra. Kiểm sát viên của VKS ra cáo trạng trên cơ sở hồ sơ của CSĐT từ vai trò như một người giám sát hoạt động điều tra nhưng lại kết luận và ra cáo trạng trên vai trò Luật sư buộc tội của bên bị hại trước tòa (công tố). Qui trình rối rắm này có vẻ phức tạp, chặt chẽ nhưng trên thực tế việc thông đồng giữa cơ quan CSĐT, VKS, thậm chí cả Tòa án rất dễ thực hiện. Các vụ án oan, các trường hợp bức cung, chết người, giả mạo hồ sơ, án bỏ túi.v.v. xảy ra khắp nơi trong bao nhiêu năm qua là minh chứng rất rõ điều này.

Khi giám sát viên của VKS tham gia vụ án trong giai đoạn điều tra nhưng không có mặt hoặc có mặt nhưng thông đồng, lờ đi các vi phạm của Điều tra viên; bị mua chuộc để làm sai lệch hồ sơ.v.v., bị can dùng quyền im lặng để bảo vệ tính mạng và quyền lợi của mình, nhưng sau đó lại bị tước quyền tự bào chữa trong trường hợp này thì có khác gì “đã ngọng thì cắt lưỡi cho câm luôn”? Trong bối cảnh tham nhũng tràn lan và luật sư lại bị hạn chế bằng rất nhiều ràng buộc, ngăn trở khác nhau, tước quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo thì xem như quyền sinh sát nằm trọn trong một hệ thống áp đặt một chiều. Có thể tước đoạt cả quyền được sống  của người dân hoàn toàn không có gì khó hiểu.
Một thứ quyền tréo ngoe

Xét trên vai trò ĐBQH, phát ngôn của ông Bình rõ ràng chỉ nhằm giành quyền tự quyết định số phận người dân vào tay VKS – cơ quan hiện giữ quyền công tố trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Một thứ quyền tréo ngoe với chính chức danh mà VKS đang nắm giữ!

Cái lạ nhưng… không lạ thứ ba đáng chú ý qua phát ngôn của ông Bình chính là tính khẳng định một vấn đề trong nội dung luật đang được thảo luận. Nó cho thấy những mâu thuẫn và sự thao túng, áp đặt sâu sắc quan điểm bảo vệ chính quyền bằng mọi giá. Bất chấp những bất công và cả bất nhân trong quan điểm xây dựng luật, nếu không có thêm cái chức Viện trưởng VKS, chắc chắn ông Bình không bao giờ dám có phát ngôn kiểu “đặt sẵn, ra điều kiện” như vậy.


Có vẻ như VKS với ông Bình là đại diện có gì đó như cay cú, bất bình với một dự thảo luật có nội dung hướng đến bảo vệ quyền lợi người dân thì phải (?!).

Tin bài liên quan:

VNTB – Đại hội Đảng và “thông tin bịa đặt”

Phan Thanh Hung

VNTB – Quảng Ngãi: Chính quyền xâm phạm tài sản và chèn ép Hội thánh Tin lành?

Phan Thanh Hung

VNTB- Hậu Formosa, tân chính phủ và bóng dáng ‘tân đồng chí X’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.