VNTB – Facebook giúp nhà cầm quyền kìm hãm tự do ngôn luận

VNTB – Facebook giúp nhà cầm quyền kìm hãm tự do ngôn luận

(VNTB) – Facebook từng giúp mang lại tự do ngôn luận ở Việt Nam giờ lại đang giúp kìm hãm tự do ngôn luận.

 

HÀ NỘI — Khi phát triển mạnh ở Việt Nam khoảng mười năm trước, Facebook  giống như một “cuộc cách mạng,” hai nhân viên đầu tiên của công ty ở châu Á cho biết. Lần đầu tiên, người dân cả nước có thể trao đổi trực tiếp về các vấn đề thời sự. Người dùng Facebook đã đăng bài về sự lạm dụng của cảnh sát và sự lãng phí của chính phủ, chọc thủng lỗ hổng trong tuyên truyền của Đảng Cộng sản cầm quyền. Một trong những nhân viên của Facebook cho biết: “Nó giống như một sự giải phóng, và chúng tôi là một phần của nó.”

Nhưng khi Facebook bùng nổ và nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành thị trường lớn thứ bảy trên thế giới của công ty, chính phủ Việt Nam ngày càng yêu cầu nhiều hạn chế hơn.

Kể từ đó, hãng truyền thông xã hội Meta, công ty sở hữu Facebook, đã nhiều lần nhượng bộ chính phủ độc tài Việt Nam, thường xuyên kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến và để cho những người bị chính phủ coi là mối đe dọa bị ép buộc phải rời khỏi Facebook, theo bốn cựu nhân viên của Meta, các nhóm quyền, các nhà quan sát và các nhà vận động hành lang.

Meta đã thông qua một danh sách nội bộ với các quan chức Đảng Cộng sản Việt Nam không nên bị chỉ trích trên Facebook, hai cựu nhân viên ở châu Á ẩn danh cho biết để tránh bị trừng phạt. Danh sách này, được giữ kín ngay cả trong công ty và chưa từng được công khai trước đây. Danh sách này được đưa vào hướng dẫn kiểm soát nội dung trực tuyến và do chính quyền Việt Nam định hình phần lớn, các cựu nhân viên cho biết. Họ nói rằng đây là danh sách duy nhất đối ở Đông Á.

Hiện nay chính phủ đang gia tăng còn nhiều hạn chế hơn. Meta đang chuẩn bị thắt chặt kiểm soát nội dung hơn nữa sau khi được quan chức Việt nam cho biết trong những tháng gần đây rằng Facebook sẽ phải lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ tại Việt Nam, cảnh báo về quyền riêng tư và bảo mật thông tin.



Các giám đốc điều hành của Meta đã không trả lời trực tiếp các câu hỏi về kiểm duyệt, bịt miệng người dùng hoặc danh sách các quan chức của Đảng Cộng sản. Trong một tuyên bố, ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công của Meta tại Đông Nam Á, cho biết công ty tự hào về các khoản đầu tư của họ tại Việt Nam. Ông nói: “Trọng tâm của chúng tôi là đảm bảo càng nhiều người Việt Nam có thể sử dụng nền tảng của chúng tôi để xây dựng cộng đồng và thể hiện bản thân thì sẽ càng tốt.”

Facebook không phải là công ty duy nhất phải gỡ bỏ nội dung nhạy cảm ở Việt Nam. Kể từ năm 2019, Google, công ty sở hữu YouTube, đã nhận được hơn 2.000 yêu cầu của chính phủ về việc gỡ bỏ nội dung ở Việt Nam và đã tuân thủ phần lớn các yêu cầu đó, theo dữ liệu của công ty. TikTok cho biết họ đã xóa hoặc hạn chế hơn 300 bài đăng vào năm ngoái vì vi phạm luật Việt Nam. Cả hai công ty đều cho biết họ coi trọng quyền tự do ngôn luận.

Tuy nhiên, đối với nhiều người ở Việt Nam, Facebook đồng nghĩa với internet. Dữ liệu của chính phủ cho thấy hơn 70% trong số 97 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook để chia sẻ nội dung, điều hành doanh nghiệp và gửi tin nhắn. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nền tảng này có nhiều người dùng nhất và chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số lớn nhất.

Và mặc dù các chính phủ trên khắp thế giới có thể yêu cầu Facebook gỡ bỏ nội dung, nhưng những nhượng bộ mà Meta đã thực hiện để duy trì quyền truy cập tại Việt Nam — quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới — vượt xa những nhượng bộ mà Meta đã đưa ra ở bất kỳ nơi nào khác ở Đông Á, theo cho các chuyên gia tư vấn và nhân viên cũ. (Facebook không hoạt động ở Trung Quốc.)

Trần Duy Đông, thứ trưởng bộ kế hoạch và đầu tư của Việt Nam, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng đã có “sự hợp tác tốt” với Meta trong việc loại bỏ nội dung “không phù hợp”. “Càng ngày, họ càng hiểu rõ hơn các yêu cầu của luật pháp Việt Nam,” ông nói thêm.

‘Những công ty này sẽ cúi đầu’

Cho đến vài năm trước, quan chức Việt Nam lo lắng rằng các công ty ở Thung lũng Silicon sẽ áp dụng đường lối cứng rắn đối với tự do ngôn luận, từ chối các yêu cầu của chính phủ về kiểm soát nội dung, theo năm chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước có liên hệ thường xuyên với các nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam. Các chuyên gia tư vấn cho biết không còn phải lo lắng cho việc này nữa.

Một chuyên gia tư vấn đã làm việc với các công ty công nghệ ở châu Á và nói với điều kiện giấu tên để bảo vệ lợi ích kinh doanh cho biết: “Người Việt Nam hiện nay có biết rằng họ phải thử và họ đã chiến thắng. Họ biết là các công ty này sẽ cúi đầu.”

Theo các báo cáo minh bạch, Meta đã theo dõi các yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ tại Việt Nam từ năm 2017. Tính đến tháng 6 năm 2022, Facebook đã chặn hơn 8.000 bài đăng trong nước, hầu hết bị cáo buộc chứa “nội dung chống Đảng và Chính phủ” hoặc thông tin “xuyên tạc, vu khống hoặc xúc phạm” các tổ chức hoặc cá nhân.

Đỉnh điểm là năm 2020 với 3.044 lượt xóa bài trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2021, sau đó giảm xuống vào năm 2021. Dữ liệu chưa được công bố trong 11 tháng qua, nhưng Bộ Thông tin Việt Nam cho biết từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5 năm nay, chính phủ coi hơn 400 bài đăng trên Facebook là lừa đảo hoặc “chống phá nhà nước” và Meta đã loại bỏ 91% số bài này.



Meta cho biết vào năm 2021 rằng họ kiểm duyệt nội dung ở Việt Nam để tránh bị chặn hoàn toàn trong nước. Frankel, giám đốc chính sách công, cho biết công ty “tự hào rằng nền tảng của chúng tôi đã giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ Việt Nam phát triển và thịnh vượng.”

Trần Phương Thảo, vợ của nhà hoạt động Đặng Đình Bách, một luật sư môi trường Việt Nam đang thụ án 5 năm tù về tội trốn thuế, nhớ lại trước khi bị kiểm duyệt gắt gao ở Việt Nam, Facebook là một trong những không gian duy nhất cho tự do ngôn luận. Thảo, 29 tuổi, cho biết khi Facebook bị hạn chế hơn, “không ai có thể lên tiếng ủng hộ Bách.”

“Tôi chỉ có một mình,” cô nói thêm.

Mười ba nhà hoạt động độc lập người Việt cho biết trong các cuộc phỏng vấn với The Washington Post rằng Meta đã tăng cường kiểm duyệt kể từ năm 2017. Họ kể những câu chuyện tương tự về việc bị buộc tội oan vì vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook và các bài đăng của họ bị gỡ xuống hoặc tài khoản của họ bị đóng băng mà không có lời giải thích nào.

Các nhà hoạt động cho biết từ năm 2018 đến năm 2021, một số nhân viên trong bộ phận nhân quyền và chính sách công của Facebook gọi giúp đỡ người dùng ở Việt Nam. Các nhà hoạt động cho biết, nhiều đường dây trong số đó đã ngừng hoạt động.

Dan, 34 tuổi, một nhà hoạt động bắt đầu sử dụng Facebook gần chục năm cho biết: “Facebook và chính phủ Việt Nam đã bắt tay nhau.” Trong số các đồng nghiệp của ông, nhiều người hiện đang bị giam cầm hoặc đang lẩn trốn, 10 năm từ 2008 đến 2018 là thập niên lên tiếng, ông nói.

Những năm sau đó mang một cái tên khác: thập niên im lặng.



Đối mặt với một chính phủ hung hăng hơn

Các chính phủ trên khắp thế giới có thể gửi yêu cầu Meta gỡ bỏ nội dung mà họ cho là bất hợp pháp. Mỗi yêu cầu được đánh giá bằng cách sử dụng các nguyên tắc cụ thể của quốc gia và tại Việt Nam, những yêu cầu này bao gồm danh sách các quan chức cấp cao nhất của đảng, cựu nhân viên của công ty cho biết. Những người này đã rời công ty từ năm 2018 đến năm 2023, họ cho biết họ chia sẻ thông tin chi tiết về hoạt động nội bộ tại Meta vì lo ngại về sự nhượng bộ của Facebook trước chính quyền Việt Nam và khả năng chống lại áp lực thêm từ chính phủ sau những đợt sa thải gần đây.

Các bài đăng chỉ trích bất kỳ ai trong danh sách này thường bị xóa, các cựu nhân viên cho biết, mặc dù một số trường hợp được chuyển đến các nhóm pháp lý và nhân quyền để đánh giá. Một cựu nhân viên cho biết những người đưa ra quyết định nhận ra cái giá phải trả cho quyền tự do ngôn luận, đồng thời nói thêm, “Không ai xem nhẹ điều này.”

Các nhà hoạt động xác nhận rằng họ đã liên tục thấy các bài đăng chỉ trích các quan chức cấp cao bị gỡ xuống.

Vào năm 2020, các giám đốc điều hành của Meta nói với Los Angeles Times rằng họ hoãn các yêu cầu gỡ bỏ khi nhà chức trách đi quá xa. Nhưng trong ba năm qua, sự phản kháng của công ty đã yếu đi khi chính phủ ngày càng đàn áp hơn.

Phe bảo thủ trong đảng đã loại bỏ những người chủ trương cải cách, an ninh Việt Nam hiện nắm giữ nhiều quyền lực hơn so trước, các học giả cho biết. Ban đầu bị cản trở bởi sự phát triển bùng nổ của internet, Việt Nam đã khẳng định quyền kiểm soát lĩnh vực kỹ thuật số, ban hành một loạt luật để kiểm soát nội dung trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Các nhà nghiên cứu về thông tin sai lệch tại Đại học Oxford và các nơi khác đã tìm thấy bằng chứng tại Việt Nam có một quân đoàn mạng với 10.000 người được giao nhiệm vụ kiềm chế những lời chỉ trích trực tuyến.

Tháng 9 năm ngoái, Việt Nam đã thông qua luật do Bộ Công an soạn thảo trong đó yêu cầu các công ty công nghệ phải thành lập các thực thể bản địa và lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ trong nước.

Theo các cựu nhân viên, mối đe dọa của việc bản địa hóa đã gây ra sự hoảng loạn tại Meta về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Nhưng Vũ Tú Thành, đại diện tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, cho biết ý định của luật đơn giản hơn nhiều: gây áp lực buộc các công ty phải thắt chặt kiểm duyệt.

Trong các cuộc họp riêng, chính phủ đã nói rằng Meta sẽ chỉ buộc phải bản địa hóa dữ liệu nếu vi phạm luật về nội dung, cựu nhân viên và chuyên gia tư vấn công nghệ cho biết. Đáp lại, Meta đã ra sức đổi mới để tăng cường việc kiểm soát nội dung.

Meta cho biết họ không lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam nhưng không cho biết liệu họ có kế hoạch làm như vậy trong tương lai hay không.

Nguyễn Khắc Giang, một nhà nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS Yusof-Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết bất chấp lời kêu gọi của các nhóm nhân quyền, phản ứng của chính quyền Biden đối với cuộc đàn áp quyền tự do ngôn luận của Việt Nam đã bị hạn chế. Ông Giang cho biết, Washington thỉnh thoảng đưa ra các tuyên bố nhưng không gây áp lực rõ ràng về ngoại giao hoặc tài chính, thay vào đó đặt ưu tiên cao hơn cho việc cải thiện quan hệ với Việt Nam nhằm góp phần đối đầu với Trung Quốc.

Cameron Thomas-Shah, phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết quan chức Hoa Kỳ đã “trực tiếp, công khai và thẳng thắn” bày tỏ quan ngại về nhân quyền.

Đại sứ Liên minh châu Âu Giorgio Alberti thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng chính phủ Việt Nam đã không tuân thủ đầy đủ những lời hứa với EU về cải thiện nhân quyền. Nhưng ông nói thêm, nếu chỉ tập trung vào điều đó sẽ là “thiển cận”  khi xét đến tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam.



Facebook im lặng

Năm 2018, sau khi viết một bài quan điểm trên tờ The Post về việc Facebook bị “quân đội lừa đảo và quân đội mạng” tràn ngập ở Việt Nam, nhà hoạt động nhân quyền Mai Khôi, 39 tuổi, đã được mời gặp đại diện công ty ở Menlo Park, California. Cô đã trình bày các ví dụ về các mạng ủng hộ chính phủ lạm dụng nền tảng của Facebook để nhắm mục tiêu vào những người bất đồng chính kiến ​​và kêu gọi công ty làm nhiều hơn để bảo vệ người dùng, cô nói.

Cô cho biết sau cuộc gặp đó, Mai Khôi vẫn giữ liên lạc với bộ phận nhân quyền của Meta, đồng thời thông báo cho bộ phận này khi tài khoản của các nhà hoạt động mà cô biết bị đóng băng do nhầm lẫn. Nhưng phản hồi từ công ty chậm lại, sau đó dừng lại hoàn toàn. Cô ấy chẳng cố nữa, cô ấy nói.

Meta đã không trả lời các câu hỏi về Mai Khôi hoặc kháng cáo của cô ấy với công ty.

Với doanh thu giảm, Meta đã sa thải hàng chục nghìn công nhân trên toàn thế giới và kết thúc hiệu lực của các sáng kiến.  Các chuyên gia cảnh báo những việc này có thể ảnh hưởng đến khả năng giải quyết thông tin sai lệch và các thách thức về quy định.

Ở châu Á, một nhóm làm việc với các nhóm xã hội dân sự để đảm bảo các cuộc bầu cử gần đây đã bị sa thải, cùng với ít nhất hơn chục nhân viên nghiên cứu các quy định, định hình chính sách công và theo dõi sự lạm dụng của chính phủ đối với các nền tảng của Meta trên khắp Đông Nam Á, kể cả ở Việt Nam, cựu nhân viên cho biết. Một số nhân viên đã giúp giải quyết các khiếu nại về kiểm duyệt từ người dùng và tổ chức ở Việt Nam đã bị sa thải.

Công ty cho biết họ vẫn có các nhóm làm việc về những vấn đề này ở châu Á. Nhưng tại Việt Nam, một số người đầu tiên sử dụng nền tảng này nói rằng nó đã đi quá xa.

Hoàng Thị Minh Hồng, 51 tuổi, từng dùng Facebook để tổ chức các sự kiện và tuyển nhân viên cho tổ chức phi lợi nhuận về biến đổi khí hậu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng sau khi nhóm CHANGE của cô bị đưa vào danh sách đen của chính phủ, Hồng cho biết, phạm vi tiếp cận của nhóm trên Facebook đã giảm từ hàng nghìn người dùng xuống còn rất ít và cô bị cấm mua quảng cáo để quảng bá cho các sự kiện trên Facebook. Năm ngoái, cô ấy đã giải thể nhóm.

“Thật đau đớn vì chúng tôi đang xây dựng một phong trào,” Hong nói vào tháng Tư, vài tuần trước khi cô bị bắt vì tội trốn thuế – giống những cáo buộc đối với luật sư Bách.

“Tôi ước chúng tôi có thể tiếp tục,” Hồng nói, “Tôi ước Facebook giúp chúng tôi tiếp tục.”

_____________

Nguồn: Washington Post


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)