VNTB – Bạn đọc viết: Nhìn từ “sai phạm” của trường đại học Tôn Đức Thắng

VNTB – Bạn đọc viết: Nhìn từ “sai phạm” của trường đại học Tôn Đức Thắng

Ngọc Linh Lan

 

(VNTB) – 70% công bố quốc tế của trường đại học Tôn Đức Thắng là người ngoài trường; giảng viên là người chủ trì mở ngành đào tạo nhưng chỉ ký hợp đồng thỉnh giảng, hợp đồng ngắn hạn…

 

Nguyên nhân nào đưa đến việc “nôn nóng”?

Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện kiểm tra tại Đại học Tôn Đức Thắng từ ngày 9 đến 11/5/2022, về việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ; tuyển sinh, liên kết, đào tạo từ xa, tự chủ mở ngành, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Kết quả kiểm tra này phải đến hạ tuần tháng 10-2022 mới công khai trên báo chí.

Những “sai phạm” của trường đại học này được đoàn kiểm tra đưa ra như sau:

Thứ nhất, từ năm 2019-2020, trường có biểu hiện “nôn nóng” trong việc công bố quốc tế, không dựa trên định hướng thế mạnh thực tế của Trường, số lượng công bố quốc tế không dựa vào tiềm lực sẵn có của Trường mà chủ yếu dựa vào cán bộ kiêm nhiệm (trong nước và nước ngoài) ngoài Trường.

Công bố quốc tế của Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tác giả là người nước ngoài và cán bộ kiêm nhiệm là người trong nước rất cao, chiếm tới 70% tổng số công bố quốc tế của Trường trong giai đoạn 2019-2021.

Thứ hai, kinh phí chi cho công bố quốc tế năm 2019, 2020 của trường chiếm tỷ lệ 10-14% nguồn thu từ học phí là không phù hợp với Nghị định 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ.

Thứ ba, Trường Đại học Tôn Đức Thắng ký hợp đồng với các nhà khoa học trong và ngoài nước để hợp tác trong nghiên cứu khoa học có nhiều nội dung không phù hợp. Qua kiểm tra xác suất một số hợp đồng, nội dung hợp đồng không thể hiện rõ thông tin cũng như nhiệm vụ cần thực hiện: đơn vị công tác, lĩnh vực chuyên môn.

Trong những năm trước, trường đã xây dựng và ban hành một số chủ trương chính sách thúc đẩy công bố quốc tế chưa tập trung vào việc ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ các nhà khoa học cơ hữu của Nhà trường, các kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế chủ yếu dựa vào việc hợp tác với các nhà khoa học ngoài trường, đặc biệt là các nhà khoa học nước ngoài.

Kinh phí chi trả cho hoạt động công bố quốc tế không hợp lý, mất cân đối với các nguồn kinh phí đầu tư cho các lĩnh vực hoạt động khác của Nhà trường; chưa có chính sách phù hợp cho hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Bộ Giáo dục và đào tạo cho rằng việc một số ngành có chủ trì ngành là giáo sư, phó giáo sư người nước ngoài là trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Một số ngành có chủ trì ngành là người đã nghỉ hưu, và có ngành không đủ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ ngành phù hợp. Chẳng hạn các ngành bậc tiến sĩ như khoa học máy tính, giáo sư Keon Ho Ryun chủ trì ngành là người nước ngoài đã nghỉ hưu. Ngành khoa học tính toán, giáo sư Phan Quốc Khánh chủ trì ngành là người đã nghỉ hưu.

Ngành kế toán, giáo sư Qian Long Kweh và phó giáo sư Irene Wei Kiong chủ trì ngành là người nước ngoài… Nhiều ngành trình độ thạc sĩ không có giáo sư, phó giáo sư hoặc đã nghỉ hưu, người nước ngoài.

Người viết không có điều kiện tiếp cận văn bản gốc về kết luận trên của đoàn kiểm tra, do vậy xin được nêu ý kiến ở đây về cách hiểu của quyền tự do học thuật đặt trong các cáo buộc “sai phạm” về sử dụng các giảng viên người nước ngoài giữ vai trò đứng đầu ngành đào tạo.

Chất lượng đào tạo ra sao với những “sai phạm” đó?

Dường như ở đây là vấn đề của quyền tự chủ đại học. Theo đó, tự do học thuật được quan niệm rộng rãi là một phần của quyền tự do ngôn luận vốn đã được luật nhân quyền quốc tế và các Hiến pháp Việt Nam ghi nhận.

Thời đại ngày nay, tự do học thuật là cốt lõi của tự chủ đại học, vốn thường được phân tích ở bốn khía cạnh tổ chức, tài chính, nhân sự và học thuật.

Tự do học thuật thường được hiểu là quyền tự quyết của nhà trường trong các vấn đề học thuật như tuyển sinh, nội dung đào tạo, đảm bảo chất lượng, mở ngành và ngôn ngữ giảng dạy.

Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh của tự do học thuật dưới góc độ quyền tự chủ của tổ chức (nhà trường, cơ sở giáo dục – đào tạo). Dưới góc độ cá nhân người giảng dạy – nghiên cứu, tự do học thuật được hiểu là “tự do của một người trong việc giảng dạy và nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thật không giới hạn mà không gặp phải nỗi sợ hãi về hình phạt hay mất việc vì đã xâm phạm một quan điểm chính thống về chính trị, tôn giáo hay xã hội”.

Như vậy cho thấy tự do học thuật được hiểu rất rộng là “sự tự do của người dạy và người học trong việc dạy, học, tìm hiểu kiến thức và nghiên cứu mà không có sự can thiệp hay giới hạn vô lý của pháp luật, nội quy hay áp lực công cộng”.

Theo đó, tự do học thuật cần được đảm bảo cho cả giáo viên và sinh viên. Người dạy có quyền tìm hiểu những chủ đề mà họ quan tâm, quyền trình bày nghiên cứu của họ tới người khác, quyền công bố những dữ liệu và kết luận mà không bị kiểm soát và có quyền dạy theo cách họ thấy phù hợp. Người học có quyền học những lĩnh vực họ quan tâm, có quyền trình bày ý kiến và rút ra kết luận riêng.

Từ góc nhìn tóm lược ở trên về quyền tự do học thuật, người viết bài này cho rằng sở dĩ trường đại học Tôn Đức Thắng bị cáo buộc “sai phạm”, vì đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và đào tạo đã định hướng quyền tự do học thuật trong một khuôn khổ tạm cho là theo đường lối của Đảng Cộng Sản.

Quan trọng nhất cho mọi vấn đề, là vì sao đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và đào tạo không cho biết về chất lượng sản phẩm kiến thức mà sinh viên ở trường này thụ hưởng, ứng dụng ra sao trong đời sống và cả trong thói quen định hình của quyền tự do học thuật có được từ các “sai phạm” trên?


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)