VNTB – Xuân Bắc xin lỗi, Xuân Phúc thì… chưa thấy

VNTB – Xuân Bắc xin lỗi, Xuân Phúc thì… chưa thấy

Ngọc Linh Lan

 

(VNTB) – Xuân Bắc xin lỗi vì đã chửi dân. Trong vụ kit-test Việt Á, Xuân Phúc đã… giết dân, sao chưa thấy ông xin lỗi?

 

Ngành chức năng đã lên tiếng trước sự phẫn nộ của khán giả khi Xuân Bắc tung “cái tát vào mặt khán giả”, nhưng, Bộ (Văn hóa, Thể thao và Du lịch) “sẽ xem xét xử lý nếu nghệ sĩ Xuân Bắc vi phạm”, cá nhân tôi và chắc là nhiều người dõi theo vụ Xuân Bắc mong bộ, với quy định hiện hành, cần dứt khoát gọi tên vi phạm, nghiêm khắc cũng là cách giáo dục hiệu quả.

Cần tiếp cận vấn đề của Xuân Bắc xúc phạm khán giả một cách thẳng thắn để anh ấy sửa tật mình, và chỉnh huấn cho nhiều người khác – người của công chúng. Đông đảo khán giả mong “Bao Công sớm thăng đường” xử vụ “truyện ngụ ngôn” của Xuân Bắc!

Và từ cách mà nhà chức trách đang muốn xử trí vụ việc trên, cho thấy cũng cần đặt tiếp vấn đề xử trí chuyện “giết dân” bằng chính sách “zero Covid – cứ 3 hôm là 1 lần chọt” thời bộ đôi Xuân Phúc – Đức Đam. “Từ chức” nhưng họ không có lời “tạ lỗi” nào trước quốc dân.

Một người bạn là bác sĩ ngoại thần kinh từng làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy, dịp Tết vừa qua đã nói rằng có trách bộ đôi Xuân Phúc – Đức Đam đến sao đi nữa thì cũng nên thông cảm cho họ, bởi chế độ này nó vốn vậy mà: “Giới thầy thuốc tụi tui lúc cà rỡn hay nói vui rằng duy chỉ có một nghề, bạn không cần phải biết nhiều, nhưng vẫn làm được, và rất dễ thành công. Đó là nghề y.

Bạn không cần học ra bác sĩ, hay điều dưỡng, kỹ thuật viên. Bạn chỉ cần làm sao có chân trong bảo hiểm y tế là bạn có quyền quy định bác sĩ phải chữa làm sao, cho thuốc gì. Tất cả bọn bác sĩ, từ giáo sư, tiến sĩ, đến chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 cứ là phải nghe răm rắp.

Hồi dịch vừa qua, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thường chỉ có một bác sĩ có mặt cho nó sang, chứ cũng có quyền gì đâu. Mọi việc do lãnh đạo quyết. Bao nhiêu hoa hồng kit-test lãnh đạo nhận. Bọn bác sĩ chỉ có trách nhiệm làm theo nghị quyết. Hàng ngàn tỷ đồng tiền hối lộ vụ kit-test, làm gì có bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên nào được nhận, dù chỉ 1 đồng xu lẻ. Chỉ có mấy lãnh đạo ngành y mới được nhận tiền phần trăm hộ, hy vọng được mấy sếp cho hưởng xái chút chút. Và sau dịch thì đi tù thay cho các sếp…”.

Từ nhận xét trên của ông bác sĩ, cho thấy quả tình người dân còn mù mờ không rõ cái sự thật, cái thực chất tội lỗi của quan chức bị kỷ luật. Vậy là chừng đó dân bị tước cái quyền đòi hỏi tòa án phán xử đúng tội của quan chức ấy.

Sự ra đi của các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam vừa qua còn để lại nhiều dấu hỏi trong dân. Chính vì vậy dư luận không tỏ sự hồ hởi cho lắm về sự kiện các lãnh đạo cao cấp trên bị kỷ luật. Bởi ai cũng hiểu rằng khó có quan chức nào tự nguyện rời ghế quyền lực và bổng lộc của mình. Đa số cố bám rịt cho đến khi còi xe cảnh sát rú lên trước cổng…

Tóm gọn ở đây là sự thật cần phải được phơi bày. Khi sự thật chưa được phơi bày thì sự bất công đối với người dân vẫn còn đó. Và cái xấu xa, cái ác vẫn còn đó. Điều quan trọng nữa, sức ép từ chức không thể chỉ là màn diễn của phe nhóm quyền lực, mà phải với bất cứ ai dù ở vị trí cao nào.

Đó cũng là sự công bằng dành cho người dân vì người dân luôn phải có quyền được phục vụ bởi những quan chức thực sự tử tế, chứ không phải những quan chức chưa bị lộ sự không tử tế.

“Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” – trích Điều 3, Hiến pháp 2013.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)