Dân Trần
(VNTB) – Pháp luật Việt Nam không cấm chơi hụi, những bị giật hụi vẫn khó kiện cáo do không có giấy tờ, hợp đồng góp tiền rõ ràng.
Mới đây, một chủ hụi ở Đề Gi (Bình Định) đã tuyên bố vỡ nợ, giựt hụi, khiến nhiều người đứng ngồi không yên. Hầu hết những người bị giựt hụi là muốn dành dụm tiền để cuối năm trang trải tiền tết cho gia đình.
Được biết, chủ hụi là bà Hà Thị Thơm, bắt đầu mở dây hụi từ đầu năm 2023 và cho nhiều người tham gia góp hụi với số tiền 5-10 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài chơi hụi, bà Thơm còn lợi dụng tình làng nghĩa xóm để vay mượn thêm. Tới khi vỡ ra, có những người bị giật số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. (1)
Số tiền hàng trăm triệu đồng là cả một gia tài với người dân trong thời buổi kinh tế khó khăn này. Thế nhưng đây không phải là vụ bể hụi lớn nhất.
Năm ngoái, hàng chục người dân đã kéo theo loa máy, nhang đèn tới tụ tập khấn vái trước nhà của một chủ hụi ở Huế để xin được trả nợ tiền. Được biết, ban đầu, bà chủ hụi này tạo uy tín bằng cách tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
Sau khi đăng tải hình ảnh rầm rộ trên trang facebook cá nhân thì đầu năm 2022 bà này bắt đầu dụ dỗ khoảng 100 người tham gia chơi hụi với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Có những nạn nhân bị giựt số tiền lên tới hàng tỷ đồng, nhưng ra công an không được giải quyết, đành phải đốt nhang cầu khấn chủ hụi trả tiền, nhưng cũng không được.
Không chỉ dân thường, mà ngay cả cán bộ, đảng viên nhà nước cũng đứng ra làm chủ hụi. Với cái danh chủ tịch Hội phụ nữ xã Thái Học (Hải Dương) bà Nguyễn Thị Thu Hường đã huy động người dân trong địa bàn tham gia chơi hụi với lãi suất trung bình lên tới 18%/tháng. Tới tháng 10/2023, khi số tiền huy động lên tới hàng tỷ đồng thì bà chủ tịch hội phụ nữ này tuyên bố vỡ nợ vì không kiểm soát được tài chính.
Ngoài việc góp tiền hụi cho những người có sự tin tưởng, biết nhà cửa chủ hụi. Hiện nay còn xuất hiện hình thức chơi hụi online trên mạng xã hội, khiến nhiều người lao đao. Khó tin nhất là cả người chơi hụi và chủ hụi chưa một lần gặp nhau nhưng vẫn dám chuyển hàng tỷ đồng cho chủ hụi. Đặc biệt, tại Nghệ An, có gia đình gồm cả 3 chị em cùng tham gia chơi hụi online để rồi mất trắng cả gia tài.
Pháp luật Việt Nam không cấm chơi hụi, và chơi hụi được coi như là một hình thức giao dịch tài sản từ lâu đời nay trong xã hội.
Khái niệm về hụi đã được nêu rõ ràng theo Khoản 2 Điều 471 Luật Dân sự. Theo đó, hụi là một hình thức giao dịch tài sản, dựa trên tập quán đã có từ lâu đời và căn cứ theo thỏa thuận của một nhóm người để cùng định ra số người, số tiền, cách thức góp, quyền và nghĩa vụ của các thành viên, thời gian, số tiền lĩnh, .. (2)
Tuy nhiên chơi hụi thường dẫn tới các hành vi biến tướng, bị nghiêm cấm như: huy động vốn trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi… Người bị giật hụi có thể dựa vào các quy định này làm đơn trình báo lên công an, khởi kiện chủ hụi. Mặc dù vậy, những trường hợp bị giật hụi vẫn khó kiện cáo do không có giấy tờ, hợp đồng góp tiền rõ ràng. Cơ quan chức năng thì ngó lơ dẫn tới tình trạng giật hụi diễn ra thường xuyên tại Việt Nam, có địa phương hầu như tháng nào cũng bị vài vụ giật hụi.
_______________
Tham khảo:
(1) https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-lang-bien-dung-ngoi-khong-yen-vi-chu-hui-tuyen-bo-vo-no-truoc-tet-2239143.html
(2) https://luatvietnam.vn/linh-vuc-khac/choi-hui-la-gi-choi-hui-co-bi-cam-khong-883-95178-article.html