VNTB: Từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là một trong hiếm hoi chính khách Việt mang khẩu khí bớt đi âm giọng dè dặt thái quá. Có lẽ ông cũng là một trong những chuyên gia “phản biện trung thành” bức xúc nhất về truyền thuyết ‘GDP có chân” – như cách ví von của Trưởng ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ tại một kỳ họp quốc hội.
Thật ra không phải đến lúc này nỗi nghi ngờ “GDP có chân” mới hiện ra. Từ năm 2011 khi chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ bắt đầu tỏ uy lực, cùng lúc nền kinh tế bị siết tín dụng đến mức nghẹt thở và đầy nghi ngờ, cũng là lúc các chính quyền địa phương vẫn tới tấp “báo tin vui” về kinh thành rằng GDP của họ đạt trên 10%, thậm chí đến 15%! Chính vào cuối năm 2011 khi công nhân không có đủ tiền để mua vé tàu xe về quê ăn tết, một chuyên gia phản biện độc lập khi đề cập về GDP đã không kìm nổi giận dữ “Nói láo!”.
Thế nhưng bất chấp tất cả, báo cáo chính thức của Chính phủ vẫn ghi nhận mức tăng GDP như một thành tích, khác hẳn với điều mà chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu mới đây về cách tính GDP là “không giống ai”.
Còn bây giờ, xem ra với tư duy “đổi mới thể chế” như thông điệp đầu năm của Thủ tướng, có thể GDP sẽ không còn chân nữa. Nhưng không có chân không có nghĩa là căn bệnh thành tích sẽ cụt đầu. Với lối tuyên giáo công thần bất hủ ở Việt Nam qua quá nhiều triều đại, chắc chắn GDP sẽ biến tướng sang một thể tuần hoàn khác và sẽ có một bộ cánh mới sao cho thành tích không thể mất đi. Nền kinh tế Việt Nam cũng vì thế sẽ còn lâu mới được cải hóa tính giả dối của nó.
————-
“Cách tính GDP hiện nay không thể chấp nhận được”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. |
Địa phương nào cũng có mức GDP tăng trưởng 9-10%/năm, thậm chí tăng đến 15%, nhưng GDP cả nước chỉ đạt 5-7%.
Với chúng ta, đây là thời kỳ chuyển đổi và phải dám làm để thực sự có chuyển đổi vì lợi ích chung của đất nước. Nếu cứ duy trì cách tính GDP như hiện nay sẽ dẫn đến nhiều quyết sách sai, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bình luận.
Tính sai GDP sẽ sai nhiều quyết sách
Giới chuyên gia cũng như nhiều đại biểu Quốc hội thường nhận xét, mức tăng GDP hàng năm của chúng ta là con số “bí hiểm”. Còn ý kiến của ông?
Quy trình tính GDP hiện đang bộc lộ hạn chế, bất cập cả về chất lượng số liệu, tính đồng bộ, thống nhất trong phương pháp thu thập nguồn thông tin, cách thức tổ chức thực hiện dẫn đến chênh lệch ngày càng lớn giữa GDP toàn nền kinh tế và tổng cộng GRDP tỉnh cho 63 tỉnh, thành.
Tôi có thể khẳng định rằng, cách tính GDP hiện nay không thể chấp nhận được trong kinh tế, khi mà địa phương nào cũng có mức GDP tăng trưởng 9-10%/năm, thậm chí tăng đến 15%, nhưng GDP cả nước chỉ đạt 5-7%.
GDP ở các địa phương tăng đột biến bởi cách tính bị trùng, “ảo”. Chẳng hạn, tại các địa phương có cửa khẩu như Tp.HCM hay các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn… mỗi năm có thể xuất khẩu 3-5 tỷ USD/cửa khẩu, nhưng toàn bộ giá trị sản xuất đó không phải do tỉnh này làm ra mà do các địa phương khác. Cả nước đã tính, tỉnh lại tính tiếp nên bị trùng.
Đây không phải là vấn đề mới nhưng lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quyết tâm tạo ra bước chuyển căn bản?
Nếu cứ để tình trạng này diễn ra, các địa phương tính sai về tăng trưởng GDP sẽ dẫn đến nhiều quyết sách sai.
Các nước trên thế giới không ai tính GDP cho tỉnh, thành mà chỉ tính GDP chung cho cả quốc gia. Với chúng ta, đây là thời kỳ chuyển đổi. Chúng ta tạm chấp nhận tính GDP cho địa phương, vì chưa có cách nào khác thay thế để đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương.
Trên cơ sở số liệu của các địa phương cung cấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giao Tổng cục Thống kê loại trừ những nhân tố tính trùng, sau đó thống nhất lại lần cuối và so sánh với mức tăng GDP của cả nước để có được công bố chính thức tốc độ tăng trưởng cho các địa phương.
Mỗi địa phương đều có cục thống kê nên lấy số liệu đầu vào tương đối chính xác. Điều này sẽ thu hẹp khoảng cách và thực chất hơn. Từ năm 2018, Tổng cục Thống kê trực tiếp tính tăng trưởng GDP cho các địa phương thay vì tỉnh, thành tự tính hiện nay.
Siết lại việc tính “ảo” cũng là vấn đề rất nhạy cảm, nhất là trong bối cảnh chúng ta tiến hành tổng kết nhiệm kỳ như hiện nay, thưa ông?
Đúng vậy, đây là vấn đề rất nhạy cảm vì đảng bộ các địa phương sắp đại hội vào năm sau. Mọi năm, các tỉnh đều báo cáo tăng 10 – 15%, bây giờ chỉ còn 8 – 9%, thậm chí 6 – 7%, kể cả chỉ 4 – 5% là một điều khó giải thích.
Chúng tôi hiểu rằng, nếu không làm tốt công tác tư tưởng thì địa phương sẽ không chấp nhận, cho rằng cách này tính chưa đúng song đây là điều cần phải làm vì lợi ích chung của đất nước.
Chúng tôi dám làm và hoàn toàn nghĩ rằng, các địa phương sẵn sàng ủng hộ vì là một quyết định rất đúng đắn.
Đầu tiên là phải đánh thông tư tưởng
Có ý kiến cho rằng, nếu GDP đang là câu chuyện đau đầu của ngành kế hoạch và đầu tư, thì việc chấn chỉnh tình trạng đầu tư dàn trải đã trở thành niềm tự hào của ngành. Ông cũng có đồng tình quan điểm này?
Lâu nay, chúng ta làm theo kế hoạch hàng năm nên không thể biết năm sau công trình được đầu tư bao nhiêu. Trong cả nhiệm kỳ 5 năm, các chủ tịch tỉnh, bộ trưởng các bộ không biết mình có bao nhiêu nguồn lực.
Do vậy, khi được trao quyền quyết định chủ trương đầu tư thì họ không thể biết mình quyết định như thế nào là phù hợp với khả năng. Từ đó tạo ra tình trạng phê duyệt lớn hơn rất nhiều so với khả năng đầu tư. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới đầu tư dàn trải, kém hiệu quả trong nhiều năm qua.
Nhưng từ năm 2011, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 1792/TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ nên đến nay, chúng ta đã kiểm soát được tình hình.
Như Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói, đây là biện pháp mạnh chặn đứng được đầu tư dàn trải trong 3 năm qua, nợ đầu tư xây dựng cơ bản ở các địa phương, bộ, ngành giảm rất nhiều. Có thể nói sau nhiều năm không ngăn chặn được tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả thì đến nay, đã dần dần tập trung hơn, hiệu quả hơn.
Với kết quả như vậy, ông có tin rằng hoạt động đầu tư công thời gian tới sẽ đi vào trật tự?
Hiện tại, chúng tôi còn rất lo lắng về vấn đề nhận thức. Cả bộ máy từ trung ương đến địa phương mấy chục năm nay đã quen làm theo cách phân bổ nguồn vốn hàng năm, bây giờ chuyển qua làm trung hạn là phải biết dự báo cho cả 5 năm.
Nói như Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, điều đầu tiên là phải đánh thông được tư tưởng từ trên xuống dưới. Đây là lợi ích của dân tộc, của đất nước, chúng ta phải làm chứ không phải vì lợi ích cá nhân mà chúng ta không làm.
Tuy nhiên, chúng ta đã có bài học rất tốt từ 3 năm thực hiện Chỉ thị 1792/TTg nên chúng tôi tin tưởng, tình hình đầu tư công sẽ có bước chuyển tích cực trong 5 năm tới và nhiều năm tiếp theo.