Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ghi hình, ghi âm tại phiên tòa hình sự là cản trở hoạt động tố tụng?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Hành vi nào là hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng?

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (HĐTT).

Điều 23 của dự thảo về Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp quy định: Nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh hội đồng xét xử không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ sẽ bị xử phạt từ 7-15 triệu đồng.

Các phóng viên chuyên trách mảng pháp đình nêu hai thắc mắc: nếu dự thảo này được thông qua, thì trong quá trình triển khai có cơ chế nào hỗ trợ nhà báo khi tác nghiệp hay không?. Ví dụ trong phần thủ tục trước khi xét xử hội đồng xét xử sẽ có phần thông báo về việc có cho phép ghi âm, ghi hình; hay là hỏi các đương sự ai cho phép ghi âm, ghi hình… Bởi nếu một phiên tòa có nhiều nhà báo tham dự, mỗi một nhà báo đi hỏi từng người thì chắc chắn sẽ xảy ra sự hỗn loạn, mất trật tự.

Đồng thời, khi đi xin phép thì lấy gì làm bằng chứng là Chủ tọa hay đương sự đồng ý, bởi ở thời điểm họ chưa đồng ý thì không được ghi âm, ghi hình… Theo quy định tại Luật báo chí 2016, nhà báo được quyền đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Và thực tế tác nghiệp hiện nay, đối với các phóng viên mới vào nghề, chưa được cấp thẻ nhà báo thì được nhiều tòa án đồng ý cho phép tác nghiệp khi có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí chủ quản.

Một số luật sư là thân hữu trang Việt Nam Thời Báo trong hội luận về vấn đề trên, có hai luồng ý kiến trái chiều trong việc bảo vệ thân chủ trước chuyện “cần” và “không nên” ghi âm, chụp hình phiên tòa.

Thứ nhất, dường như dự thảo Pháp lệnh Xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở HĐTT là nhằm tới các vụ án có hơi hướm về chính trị nhiều hơn, vì thường các bị can – bị cáo trong vụ án này, lâu nay vẫn phải chịu sự giới hạn đến mức gần như “tối đa” trong chuyện nhà báo được phép ghi hình, ghi âm về những gì mà họ tự bảo vệ mình tại phiên xét xử.

Giờ nếu dự thảo được thông qua thì không chỉ nhà báo, mà ngay cả luật sư ghi hình, ghi âm thân chủ mình “tự bào chữa”, nhưng không được sự đồng ý của một trong số ai đó đang nhân danh rất chung chung là “người tham gia tố tụng”, vậy thì vị luật sư đó cũng sẽ bị phạt hệt như phóng viên pháp đình (?!).

Thứ hai, đúng là trong Bộ luật tố tụng hình sự không quy định về việc cấm nhà báo ghi âm ghi hình, nhưng dự thảo pháp lệnh lại cấm thì điều đó không đồng nghĩa chuyện không phủ hợp với lý do luật cao hơn pháp lệnh.

Trước hết, các văn bản dưới luật được phép quy định chi tiết, cụ thể hơn luật, miễn sao không trái với luật và hiến pháp. Việc Bộ luật tố tụng hình sự không quy định, nhưng văn bản dưới luật của cơ quan có thẩm quyền quy định rõ hơn là hoàn toàn hợp pháp.

Giả sử trong trường hợp như Bộ luật tố tụng hình sự cho phép là nhà báo được phép ghi hình, ghi âm mà pháp lệnh lại cấm không cho phép ghi hình, ghi âm thì mới là vi phạm pháp luật. Ở đây, Bộ luật tố tụng hình sự không quy định là cấm hay cho phép, nên cơ quan có thẩm quyền được phép giải thích theo thẩm quyền mà pháp luật giao cho.

Lập luận trên được căn cứ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là ở Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thẩm quyền ban hành pháp lệnh áp dụng được trên toàn quốc, để giải thích Hiến pháp, luật,…

Dù có hai cách nhìn nhận như vậy nhưng nhóm luật sư thân hữu kể trên đều chung một lập luận, đó là, hành vi cản trở HĐTT không chỉ gây trở ngại, khó khăn, kéo dài việc giải quyết công việc của tòa án, mà còn có thể là công việc của Viện kiểm sát.

Tuy nhiên, Luật xử lý VPHC không quy định cho các chức danh của Viện kiểm sát có quyền xử phạt VPHC. Trên cơ sở này, dự thảo Pháp lệnh cũng không quy định thẩm quyền xử phạt VPHC của Viện kiểm sát.

Khi phát hiện hành vi vi phạm thì người có thẩm quyền lập biên bản thuộc Viện kiểm sát phải chuyển biên bản cho người có thẩm quyền xử phạt để ra quyết định xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản hành vi vi phạm. Tuy nhiên, dự thảo Pháp lệnh lại quy định không chính xác về việc chuyển biên bản VPHC.

Theo khoản 2 Điều 22 của dự thảo Pháp lệnh, đối với hành vi cản trở HĐTT của Viện kiểm sát nhân dân thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản hành vi phạm, người có thẩm quyền lập biên bản thuộc Viện kiểm sát nhân dân phải gửi cho Tòa án nhân dân cùng cấp. Trên cơ sở biên bản do Viện kiểm sát chuyển qua thì Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp xem xét ra quyết định xử phạt.

Quy định như trên là không phù hợp với Luật xử lý VPHC bởi Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp có thể không phải là người có thẩm quyền xử phạt.

Kết buổi hội luận “bỏ túi” kể trên, luật sư T.T., cho rằng việc sử dụng cụm từ “cản trở” trong tên gọi của dự thảo pháp lệnh làm cho nội hàm không có tính bao quát và gần như cụ thể hóa hành vi vi phạm. Trên thực tế, có rất nhiều vi phạm có tính chất xâm phạm các hoạt động tố tụng, mặc dù người vi phạm có lỗi, nhưng họ không có mục đích cản trở hoạt động tố tụng nhưng vẫn bị xử lý vì hành vi cản trở hoạt động tố tụng, việc này dễ tạo ra sự tùy tiện khi xem xét, xử lý các hành vi vi phạm.


Tin bài liên quan:

VNTB – Lý nào cũng qua trừ lý lịch

Phan Thanh Hung

VNTB – Chậm nộp tiền trúng đấu giá đất nên bị cưỡng chế thuế (!?)

Phan Thanh Hung

VNTB – Hoạt động môi trường và tội trốn thuế

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo