Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ghi nhanh: Tháng Giêng, ăn mày cửa “Phật cô đơn”

Long Đức

(VNTB) – Tháng Giêng, chùa Phật cô đơn mở rộng cửa cho giới ăn mày vào tận khuôn viên chùa để nhận bố thí của khách hành hương.

 

Ở ngoại thành Sài Gòn có một tự viện được người dân quen gọi là chùa Phật cô đơn. Tháng Giêng, chùa Phật cô đơn mở rộng cửa cho giới ăn mày vào tận khuôn viên chùa để nhận bố thí của khách hành hương.

Chuyện kể từ các cựu thanh niên xung phong ở nông trường Nhị Xuân: Mùa khô năm 1976. Hết giờ lao động, họ tìm những nơi có bóng mát để nấu nướng, sau đó tìm chỗ ngả lưng nghỉ ngơi. Những người may mắn lao động gần khu có tượng Phật lộ thiên thì họ vào nghỉ bên dưới Phật đài.

Họ bước theo cầu thang lên Phật đài để ngắm tượng Phật có nét mặt bao dung hiền từ, rồi họ chắp tay cúi đầu xá tượng Phật trong tâm trạng lâng lâng suy tư: Tượng Phật sao lại có mặt ở chốn đồng hoang này, tượng Phật lại chịu cảnh dầm mưa dãi nắng, không người lai vãng thắp hương, sao ông lại ngồi lẻ loi, cô đơn quá vậy?

Rồi bỗng trong tâm thức họ lóe lên hai chữ “cô đơn”, rồi họ đặt tên cho tượng Phật ở Bát Bửu Phật Đài là “Phật cô đơn”.

Những người có tánh hiếu kỳ lần mò đi viếng tượng Phật để xem sao, coi có phải như vậy không. Rồi một đồn 10, mười đồn 100… lần hồi tên “Phật cô đơn” lan tỏa vào tâm thức của hàng hàng Phật tử.

 

Tư liệu cho biết, tượng “Phật cô đơn” do điêu khắc gia Trương Đình Ý chỉ huy gia công tại chùa Xá Lợi theo đơn đặt hàng của Hội Phật học Nam Việt từ 30-6-1956 đến 20-1-1957 thì hoàn thành.

Theo di cảo của cư sĩ Ngô Chí Bình (1906-1987), pháp danh Thiện Bảo, thoạt đầu tiên tu theo Phật giáo, sau đó nhập môn Cao Đài năm 1965, cho biết ông phải nhờ đến nhiều đàn cơ của Phật, Tiên, Thánh hướng dẫn mới thực hiện được việc di chuyển tượng Phật từ chùa Xá Lợi về đến Thanh Tâm Tự cho đến khi đặt được tượng Phật lên bát giác đài.

Lúc 7 giờ sáng ngày 28-2-1961, ông Ngô Chí Bình cho di chuyển bốn mươi mốt mảnh phần dưới pho tượng từ Thanh Tâm Tự ra địa điểm bát giác đài để cho ráp lại từ 6-3-1961 đến 16-3-1961 thì ráp xong. Nửa phần trên pho tượng được di chuyển ra bát giác đài ngày 11-3-1961 và được vận chuyển lên đài sáng ngày 17-3-1961. Hai bán thân pho tượng được ráp liền khớp với nhau vào chiều ngày 18-3-1961.

Thời gian tiếp theo là phần hoàn thiện Bát Bửu Phật Đài.

Bát Bửu Phật Đài được xây dựng bằng bê tông cốt thép dựa theo mô hình mẫu bằng thạch cao do kiến trúc sư Võ Đức Diên hiến tặng cho cư sĩ Ngô Chí Bình.

 

Trải qua những năm tháng chiến tranh, bom đạn tàn phá xóm làng, thiêu rụi cả mái che Phật đài, chùa Thanh Tâm bị bom san bằng, chỉ riêng ngôi Phật đài với kim thân Đức Phật dù bị nhiều thương tích do bom đạn, vẫn sừng sững nơi hoang vắng.

 

Không những người dân địa phương gọi di tích này là chùa “Phật cô đơn” mà giới Phật tử, ngay đến các vị chức sắc các chùa chiền khi nghe nói đến Bát Bửu Phật Đài ở khu Cầu Xáng Lê Minh Xuân cũng hiểu là nói đến “Phật cô đơn”.

 

Tháng Giêng, chùa “Phật cô đơn” mở rộng cửa để những người nghèo khó có thể vào tận bên trong khuôn viên chùa để đón nhận từ tâm bố thí của khách hành hương.

 

Theo lời cụ bà, có lẽ năm qua làm ăn khó khăn nên ăn mày cửa Phật ở tháng Giêng này cũng chịu ảnh hưởng theo.

 

Dẫu khó khăn, nhưng nhờ được ngồi bên trong sân chùa mát mẻ nên ăn mày từ tâm ở “Phật cô đơn” cũng nhẹ nhàng hơn với những người già nghèo khó.

 

Từ sáng sớm, cụ bà này đã đứng đây ở “Phật cô đơn”…

 

Ở tuổi này, ăn mày là điều chẳng đặng đừng với cụ…


Tin bài liên quan:

VNTB – Ghi nhanh: Trắng đêm chờ… lấy số làm thủ tục bảo hiểm xã hội

Do Van Tien

VNTB – Trăm năm làng nhang Bình Chánh, Sài Gòn  

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Phóng sự ảnh: Sắc màu xóm đạo tháng Mười Hai

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo