Nguyễn Nam (tổng hợp)
(VNTB) – Giá dầu gặp sức ép bán ngay từ đầu tuần và chỉ tăng hai trong năm phiên giao dịch. Đáng chú ý, sức mua rất yếu khiến những phiên tăng hầu như không đáng kể, trái lại, những phiên giảm đều rất mạnh.
Ngân hàng Goldman Sachs liên tục nhấn mạnh rằng sự mất cân bằng cung – cầu của thị trường dầu thô nghiêm trọng hơn so với những dự báo, nhất là khi các quốc gia sản xuất dầu lớn như Mỹ, hay các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đều gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng.
Báo cáo tuần vừa qua của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu từ kho dự trữ chiến lược giảm 7,7 triệu thùng, trong bối cảnh Mỹ nỗ lực hạ nhiệt giá năng lượng, theo các cam kết giải phóng dầu với Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Theo dữ liệu của Trading Economics, ngày 20-6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI đã giảm từ 123,5 USD/thùng hôm 14-6 – mức cao nhất trong 7 ngày qua – xuống còn 109 USD/thùng. Đà giảm bắt đầu từ ngày 17-6, khi giá rơi thẳng đứng, trượt khỏi ngưỡng 119 USD/thùng về 108,72 USD/thùng.
Giá dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế cũng giảm từ hơn 125 USD/thùng ngày 14-6 xuống còn 113 USD/thùng. Cuối tuần trước, giá của loại hàng hóa này giảm gần 10 USD/thùng trong chưa đầy 24 giờ.
Tin tức cho biết trong tháng 5, Libya chỉ sản xuất được khoảng 600.000 thùng/ngày thay vì 1,2 triệu thùng/ngày như thường lệ. Đáng lo ngại hơn, hiện tại, nước Bắc Phi này chỉ sản xuất được 100.000 thùng dầu/ngày do hầu hết các mỏ dầu của nước này buộc phải ngừng hoạt động vì bất ổn chính trị gia tăng.
Ngoài Libya, nhiều thành viên khác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã và đang không thể đáp ứng được hạn ngạch sản xuất của mình. Ngoài ra, việc Mỹ công bố một loạt các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran cũng tạo áp lực không nhỏ đối với nguồn cung dầu. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu lại bị kiềm chế đáng kể bởi đồng USD leo cao.
Trả lời Hãng tin CNBC, ông Edward Moya, chuyên gia phân tích OANDA, cho biết Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất đã đẩy giá đồng USD lên cao đã khiến cho giá dầu giảm. Ngoài ra, Nga vẫn đang tăng xuất khẩu dầu cùng với nỗi lo suy thoái kinh tế đã giúp giá dầu hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, vào cuối tuần qua, theo Hãng tin Tass (Nga), Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga cho biết, nước này vẫn kỳ vọng xuất khẩu dầu sẽ tăng trong năm 2022 bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây và lệnh cấm vận của châu Âu.
Với Việt Nam, theo quy định, thì ngày 21-6 là tới kỳ điều hành giá xăng dầu. Theo các chuyên gia, giá xăng có thể tăng mức tương ứng khoảng 350 – 450 đồng/lít; còn dầu diesel tiếp tục tăng mạnh 900 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý chi quỹ bình ổn, giá các mặt hàng này có thể tăng ít hơn, hoặc giá xăng có thể đứng yên.
Như vậy, nếu đúng dự đoán, xăng ở Việt Nam có lần thứ 7 tăng liên tiếp trong năm nay và vượt mốc 33.000 đồng/lít, tiếp tục lập đỉnh mới.
Tuy nhiên theo nhận định từ các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu Việt Nam, vài phiên tới giá dầu có thể quay đầu đi xuống khi ghi nhận sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4, đạt mức 12 triệu thùng một ngày vào tuần trước và con số này có thể tăng thêm. Tồn kho dầu thô và sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng đã tăng. Ngoài ra, diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 ở Trung Quốc khiến triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu hạ nhiệt.
Đang có tin từ Bộ trưởng Năng lượng Mỹ là chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc việc tạm ngừng thuế liên bang đối với xăng, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ của người dân vẫn tăng ngay cả khi giá xăng đã từng vượt mốc 5 USD/gallon (3,78 lít).