Mai Lan
(VNTB) – Trong khi, nhiều mặt hàng được đưa vào bình ổn giá – thì tại sao mặt hàng đặc biệt như sách giáo khoa lại tăng giá chóng mặt?
Gọi là tăng giá đến chóng mặt, vì theo công bố từ nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức với cuộc sống” cho học trò lớp Hai có giá 186.000 đồng, lớp Sáu là 245.000 đồng.
Còn bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo lớp Hai giá 179.000 đồng, lớp Sáu là 234.000 đồng. Giá các bộ sách giáo khoa vừa kể đều chưa gồm sách giáo khoa tiếng Anh lớp Hai là 131.000 đồng, lớp Sáu 165.000 đồng.
Các bộ sách giáo khoa nói trên đều có mức giá cao gấp 3 đến 3,5 lần so với sách giáo khoa hiện hành. Theo lý giải của Bộ Tài chính, giá tăng là vì khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ. Vì vậy, việc so sánh giá sách cũ với sách mới chưa thực sự tương đồng.
Có các thắc mắc như sau:
Một, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp trong 1 cuốn sách là Khoa học tự nhiên; các môn Lịch sử và Địa lý cũng được tích hợp trong 1 cuốn sách. Vậy thì tại sao chương trình giảm, đầu sách giảm nhưng giá sách giáo khoa lại tăng?
Hai, biện minh cho chuyện giá sách giáo khoa tăng, theo giải thích với báo chí của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời ông cũng là tổng chủ biên một cuốn sách Tiếng Việt mới, cho rằng, “Giá sách lên 200.000 hay 250.000 đồng một bộ cũng không phải quá cao so với chi tiêu của một gia đình. Học sinh khó khăn từ trước đến nay vẫn có chính sách hỗ trợ. Dự án đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo có 4 triệu USD vay của Ngân hàng thế giới để hỗ trợ vùng khó khăn”.
Trên thực tế, cho đến nay vẫn chưa ai rõ con số 4 triệu USD vay nợ đó được hỗ trợ cụ thể những trường học nào, lớp mấy trong vụ sách giáo khoa tăng giá liên tiếp hai năm học.
Ba, trong Tham luận của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình bày tại Đại hội XIII của Đảng với chủ đề: “Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025”, có đoạn viết:
“Cuối năm 2019, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt năm bộ sách giáo khoa lớp 1, với tổng số 46 quyển của chín môn học và hoạt động giáo dục cho phép sử dụng trong năm học 2020 – 2021. Việc lựa chọn sách giáo khoa được các địa phương thực hiện cơ bản nghiêm túc, công khai, minh bạch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục nước ta thực hiện chủ trương này và đã có kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Có thể nói, chính sách này đã phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Đây là tiền đề, đồng thời là một bước tiến quan trọng trong đổi mới dạy và học ở bậc phổ thông”.
Thắc mắc: vì sao phá bỏ việc độc quyền biên soạn sách và phát hành sách được coi là thành tích để kể công, nhưng giá cả kinh doanh những bộ sách này lại mắc hơn từ gấp 3 đến 3,5 lần so với hồi còn độc quyền biên soạn và phát hành?
Bốn, Tham luận của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình bày tại Đại hội XIII của Đảng, phần “Giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2021 – 2025”, có đoạn cho biết: “Phát triển tài nguyên số và môi trường học tập số, bổ sung vào kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung trong toàn ngành, kho bài giảng e-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa. Đẩy mạnh kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng chuyển đổi số và kỹ năng tham gia các hoạt động dạy, học trực tuyến đối với giáo viên và học sinh”.
Thắc mắc: vậy một khi đã đẩy mạnh Hệ tri thức Việt số hóa, thì vì sao lại không tạo đòn bẫy trong cạnh tranh về giá cả lẫn nội dung ở sách giáo khoa bản in và phát hành trên giấy?
Năm, phải chăng đến tận lúc này, than thở của bà giáo sư Nguyễn Thị Doan, cựu phó Chủ tịch nước vẫn còn trúng: “Tôi càng đi càng thấy buồn, “tiền của gia đình liệt sỹ, thương binh còn bị ăn đến bao nhiêu như thế thì người ta ăn của dân không từ một cái gì nữa”.